Nhiều mô hình hay hỗ trợ thí sinh

04/07/2017 08:01 GMT+7

Ngày 3.7, Bộ GD-ĐT, T.Ư Hội Sinh viên VN, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình “Tiếp sức mùa thi” .

Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên VN Lê Quốc Phong, cùng đại diện các hội sinh viên và các tỉnh, thành đoàn của cả nước tham dự.
Duy trì nhiều hoạt động thiết thực
Năm thứ 2 chương trình “Tiếp sức mùa thi” được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố, tỉnh, thành đoàn, hội sinh viên các tỉnh, thành phố đã có nhiều cố gắng, chuyển biến tích cực trong công tác triển khai thực hiện chương trình.
Trong đó nổi bật là nhiều hội sinh viên cập nhật tin tức, diễn biến về chương trình tại các điểm thi, xây dựng fanpage riêng, phát hành cẩm nang “Tiếp sức mùa thi”... Đặc biệt, phương án thiết kế và phát động thay ảnh đại diện trên fanpage cá nhân là cách truyền thông mới được nhiều đơn vị thực hiện, thu hút sự tham gia của nhiều thí sinh (TS) và phụ huynh.

Tại hội nghị, anh Ngô Văn Thiện, Phó chủ tịch Hội Sinh viên TP.Hà Nội, cho biết điểm nổi bật của chương trình năm nay là đã duy trì điểm trông xe miễn phí tại các điểm thi với sự hỗ trợ của thanh niên tình nguyện, mô hình 3 cộng (kết hợp với Hội Cựu chiến binh và Hội Liên hiệp phụ nữ) tiếp tục phục vụ TS và phụ huynh.
Anh Thiện cũng bày tỏ mong muốn: “Hội Sinh viên VN cần hỗ trợ nhiều hơn về các nguồn lực cho tình nguyện viên, TS và người nhà. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cần ban hành sớm hơn phương án tuyển sinh để các tỉnh thành có thể triển khai tốt hơn”.
Linh hoạt các hình thức hỗ trợ phù hợp
Nếu thí sinh còn cần, còn có nhu cầu thì chương trình Tiếp sức mùa thi vẫn còn tiếp tục
Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên VN
Về điểm nhấn của chương trình tại TP.HCM, anh Lê Xuân Dũng, Phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ học sinh - sinh viên, cho biết năm nay đã nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của tình nguyện viên bằng hình thức tuyển chọn, sàng lọc các đội hình đáp ứng đủ điều kiện và sau đó tiến hành tập huấn. Bên cạnh đó, căn cứ vào số lượng TS ở mỗi điểm thi, ban tổ chức phân đội hình tình nguyện viên phù hợp, tránh trường hợp dư thừa gây lãng phí.
Anh Lê Xuân Dũng cũng cho biết thêm: “Năm nay đội tình nguyện viên còn hỗ trợ về tinh thần bằng các vật phẩm làm thủ công (handmade) để tạo tâm lý an tâm và cảm giác thoải mái cho TS, phát cẩm nang hỗ trợ TS không những trong kỳ thi mà còn là hành trang đến giảng đường”.
Còn đối với Tỉnh đoàn Ninh Thuận, năm nay ngoài đội hình tình nguyện viên từ các trường ĐH còn có nhóm thanh niên xung kích của tỉnh cùng phối hợp nhịp nhàng. Các tình nguyện viên đã trao 4.000 con hạc giấy với những lời chúc may mắn cho TS trước khi bước vào phòng thi.
Cũng đặc biệt quan tâm đến việc động viên tinh thần, đại diện Tỉnh đoàn Đồng Tháp cũng đã có kiến nghị T.Ư Hội Sinh viên VN có thể phối hợp các nhà mạng để nhắn tin các điểm lưu ý khi tham gia kỳ thi hay động viên tinh thần rồi chúc mừng các TS sau khi kết thúc mỗi ngày thi.

Với nhiều ý kiến đưa ra về việc có giữ chương trình Tiếp sức mùa thi ở những năm tiếp theo hay không, anh Dũng nhấn mạnh: “TP.HCM sẽ vẫn tiếp tục và bám theo những thay đổi về phương thức thi tuyển của Bộ để vận dụng linh hoạt các hình thức hỗ trợ phù hợp. Bộ thay đổi như thế nào thì chúng tôi sẽ thay đổi theo”.
Ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc marketing Tập đoàn Thiên Long, cho biết: “Qua Hội nghị tổng kết Tiếp sức mùa thi 2017, có thể thấy rằng để phù hợp với những điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia, ban tổ chức chương trình tại 63 tỉnh/thành đã sáng tạo nhiều mô hình tiếp sức thiết thực cho các TS như: hỗ trợ TS ở giai đoạn xét tuyển hồ sơ tại TP.HCM, đội hình phản ứng nhanh tại Đồng Tháp, hỗ trợ TS nghèo hiếu học tại nhiều địa phương… Nhờ sự hỗ trợ hiệu quả này, Tiếp sức mùa thi tiếp tục nhận được sự ủng hộ và chung tay góp sức của toàn xã hội”.

Kết luận tại hội nghị, anh Lê Quốc Phong đánh giá cao các đơn vị đã tổ chức tốt chương trình. Theo anh Phong, những đơn vị như Hà Nội, TP.HCM và nhiều đơn vị chỉ mới thực hiện lần đầu nhưng đã có những cách làm mới. Anh Phong nói: “Trên cơ sở phương thức thi mới của Bộ GD-ĐT, chúng ta đã có những chuyển mình, những cách để hỗ trợ tốt nhất cho TS và phụ huynh. Bên cạnh đó, sự vận động các nguồn lực vẫn nhận được sự đồng hành, cộng hưởng của toàn xã hội. Chương trình vẫn có sức lan tỏa giá trị nhân văn. Sức hút của chương trình với tình nguyện viên còn rất lớn”.
Anh Phong nhấn mạnh: “Nếu TS còn cần, còn có nhu cầu thì chương trình Tiếp sức mùa thi vẫn còn tiếp tục”. Theo anh Phong, phương thức tổ chức sẽ có điều chỉnh về nội dung cũng như công tác hỗ trợ. Sẽ tập trung nhiều vào tư vấn, hướng nghiệp... Vì thế tính chuyên nghiệp của tình nguyện viên đòi hỏi phải cao hơn, phải có kiến thức chuyên môn hơn và công tác tập huấn phải quan tâm nhiều hơn…
67.281 TS có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ
Cả nước thành lập được 3.385 đội hình “Tiếp sức mùa thi” với 65.459 tình nguyện viên tham gia. Kết quả, hỗ trợ 132.153 suất ăn; 318.777 chai nước; 5.527 vé xe buýt, xe đò; 164.787 cẩm nang, bản đồ, 121.642 quạt, 150.000 tờ báo miễn phí; giới thiệu 8.387 chỗ ở miễn phí cho TS và người nhà TS; có 67.281 TS có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ.
Có 17.081 tình nguyện viên tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông. Các đơn vị đã chủ động phối hợp với lực lượng cảnh sát khu vực, lực lượng bảo vệ nhà trường trong việc phân luồng giao thông, sắp xếp xe tại các điểm thi...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.