Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM nói gì về việc cấm dạy thêm, học thêm?

29/08/2016 21:16 GMT+7

‘Nếu như không tăng cường thì có sự bức xúc. Chuyện này có trong thực tế. Đó là việc học sinh phải học thêm để theo kịp chương trình’.

Ngày 29.8, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn trực tiếp báo cáo UBND TP về việc cấm dạy thêm học thêm trên địa bàn TP.
Ông Lê Hồng Sơn cho biết thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo TP, Sở đã có công văn gửi các đơn vị, cơ sở giáo dục, chủ tịch UBND 24 quận, huyện trên địa bàn về việc phải chấm dứt dạy thêm, học thêm trong trường học từ năm học 2016 - 2017.
Theo ông Sơn, về vấn đề quản lý dạy thêm học thêm, Bộ GD-ĐT có thông tư 17 và UBND TP trước đây có quyết định 21 không cấm dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, khi thực hiện chủ trương cấm dạy thêm, học thêm trong năm học này, TP có gửi công văn hỏi ý kiến Bộ, được Bộ trả lời là vẫn thực hiện theo thông tư 17 và không thể cấm trên phạm vi cả nước được mà tùy theo đặc thù của từng tỉnh, thành, thì UBND tỉnh, thành đó quyết định chuyện này.
“Dạy thêm, học thêm trong nhà trường có nghĩa là tất cả những gì ngoài tiết dạy chính khóa theo quy định của Bộ thì đều là dạy thêm, học thêm cả”, ông Sơn nói.

tin liên quan

Chấm dứt dạy thêm, học thêm tại các trường học
Tin từ văn phòng UBND TP.HCM ngày 30.6, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND TP vừa giao Sở GD-ĐT tham mưu điều chỉnh Quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn kể từ năm học 2016-2017.

Tuy nhiên, ông Sơn nhìn nhận trên thực tế việc phân bổ tiết dạy so với chương trình học không đáp ứng đủ thời gian để giải quyết các bài tập thực hành cho học sinh. Càng lên lớp cao áp lực càng nặng.
Đặc biệt là khi khi tốt nghiệp để chuẩn bị bước vào đại học thì Bộ ra đề mà cách ra đề của Bộ có sự phân hóa cao. Ví dụ như năm vừa rồi tỷ lệ phân hóa là 6/4, tức học sinh trung bình chỉ làm được 40% của đề thi.
“Nêu ra vậy để thấy sự sốt ruột của phụ huynh học sinh về việc phải tăng cường các tiết học. Nếu như không tăng cường thì có sự bức xúc. Chuyện này có trong thực tế. Đó là việc học sinh phải học thêm để theo kịp chương trình. Khi dạy thêm, học thêm trong trường, có khi học sinh phải ở lại đến 9 giờ tối để học. Cũng có chuyện giáo viên tổ chức dạy kèm, lôi kéo học sinh nhưng không phổ biến”, ông Sơn nói.

tin liên quan

Kiến nghị xem xét lại cấm dạy thêm, học thêm trong trường học
Chiều 12.8, Sở GD-ĐT TP HCM tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017. Tại đây, lãnh đạo Sở  cho biết ý kiến của hầu hết giáo viên trong phiên họp nội bộ trước đó đều kiến nghị Thành uỷ TP.HCM xem xét lại quyết định cấm dạy thêm học thêm trong nhà trường.

Theo ông Sơn, thực tế cho thấy tất cả việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường thì nhà trường quản lý được, bởi có kết hợp dạy các môn văn hóa với tin học, ngoại ngữ… Việc này tổ chức thực hiện đã nhiều năm nên trở thành thói quen, đi vào nề nếp. Tuy nhiên, bây giờ cấm dạy thêm học sinh trong trường, chỉ cho giáo viên dạy ở bên ngoài, thì có dư luận từ cán bộ quản lý, giáo viên. Trước sự thay đổi này, phụ huynh học sinh cũng không yên tâm khi gửi con em của mình bên ngoài nhà trường vì nhiều lý do, trong đó có chuyện chắc chắn học phí sẽ cao hơn nhiều so với học trong nhà trường, do nhà trường tổ chức.
“Tuy nhiên, chỉ đạo của lãnh đạo TP thì phải thực hiện nghiêm. Theo đó, trong trường học ngoài việc dạy chính khóa, phụ đạo cho học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi, thì phải chấm dứt ngay việc dạy thêm học thêm trong trường”, ông Sơn nêu quan điểm.

Tự công nhận thi tốt nghiệp, biên soạn sách giáo khoa
Ông Sơn cho biết thêm, trên cơ sở kết luận của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tại buổi làm việc với lãnh đạo TP mới đây, Sở trình UBND TP đề cương xây dựng đề án phát triển GD-ĐT TP đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Tổng thể đề án này mang tính chất dài hơi, nhưng có nhiều nội dung mà TP kiến nghị với Bộ cho phép thực hiện theo đặc thù của TP.
Riêng nội dung cho phép TP được công nhận tốt nghiệp THPT từ 2016 - 2017 phải tách ra riêng, chứ để chung trong đề án thì sẽ rất lâu mới thực hiện được. Do đó Sở đã có dự thảo trình UBND TP ngay trong tuần này, để TP trình Bộ xem xét cho phép thực hiện ngay. Nếu thực hiện thì Bộ giao TP ra đề, tổ chức chấm thi, xét tốt nghiệp…, tất nhiên là dưới sự giám sát của Bộ.
Ông Sơn cho rằng đây cũng là vấn đề dư luận hết sức quan tâm nhưng khi Bộ phê duyệt rồi thì TP mới thực hiện.
Riêng nội dung cho phép TP tự biên soạn sách giáo khoa theo hướng giảm tải chương trình, đáp ứng yêu cầu phát huy kỹ năng thực hành, ứng dụng… cho học sinh, ông Sơn cho biết Sở đang đặt ra lộ trình thực hiện và nếu Bộ phê duyệt thì năm 2018 triển khai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.