Dạy học tích hợp: Chấp nhận theo kiểu của... ta !

15/09/2015 07:35 GMT+7

Mặc dù tích hợp là một trong 2 phương pháp giáo dục chủ đạo khi áp dụng chương trình phổ thông mới nhưng Bộ GD-ĐT lại cho rằng không thể đòi hỏi việc tích hợp nhuần nhuyễn ngay được.

Mặc dù tích hợp là một trong 2 phương pháp giáo dục chủ đạo khi áp dụng chương trình phổ thông mới nhưng Bộ GD-ĐT lại cho rằng không thể đòi hỏi việc tích hợp nhuần nhuyễn ngay được. 
Một giờ học toán vận dụng phương pháp tích hợp của học sinh Trường THCS Thực nghiệm (Hà Nội) - Ảnh: Tuệ NguyễnMột giờ học toán vận dụng phương pháp tích hợp của học sinh Trường THCS Thực nghiệm (Hà Nội) - Ảnh: Tuệ Nguyễn
Khó khăn ở phương pháp dạy học
Lo ngại lớn nhất của các nhà giáo, chuyên gia trong việc dạy tích hợp là làm thế nào để một giáo viên dạy được 2 - 3 môn khi mà trường sư phạm chỉ đào tạo theo từng môn độc lập.
Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng cái sai mà giáo viên hiểu về tích hợp thường là cứ cố gắng để chỉ ra đơn vị kiến thức trong một giờ học, làm mất đi bản chất của tích hợp và làm cho việc này trở nên khiên cưỡng. Kiến thức của giờ dạy tích hợp thường ẩn sau một vấn đề, giáo viên là người dẫn dắt học sinh (HS) nhận ra và giải quyết “vấn đề” đó chứ không phải chỉ ra cho HS kiến thức của bài học tích hợp này ở môn toán là gì, ở một vật lý là gì một cách hoàn toàn lý thuyết...
Tích hợp một cách khiên cưỡng, theo bà Thơ, là “trộn vô cơ” vào với nhau. Cứ thấy gần gần giống nhau thì ghép vào. Tích hợp không thể trộn như vậy được. “Nó xuất phát từ một vấn đề đòi hỏi phải sử dụng năng lực kiến thức liên môn mới giải quyết được, chứ không phải người xây dựng chương trình hay giáo viên có thể chỉ định cái này phải kết hợp với cái kia được”, bà Thơ giải thích...
Còn ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, cho rằng khó khăn của giáo viên khi dạy tích hợp, liên môn không nằm nhiều ở vấn đề nội dung mà ở phương pháp dạy học. Ông Thành cho rằng muốn đảm bảo HS có kiến thức, kỹ năng thì phải tổ chức hoạt động học với những vấn đề, nhiệm vụ học tập gắn liền với thực tiễn nhiều hơn.
Ông Thành lấy ví dụ từ tổ chức một giờ học vật lý - bài Nguyên lý nhiệt động lực học. Theo cách dạy truyền thống, giáo viên dạy hết nội dung bài trong sách giáo khoa sau đó cho HS làm bài tập, trả lời câu hỏi. Hôm sau, giáo viên mới dạy về áp dụng lý thuyết trong tủ lạnh, sau nữa dạy áp dụng trong máy nổ động cơ... Cách dạy như vậy không thể tổ chức cho HS hoạt động học một cách đầy đủ và không giúp HS có năng lực tìm hiểu kiến thức vận dụng vào thực tiễn. Cách ông Thành đưa ra là tổ chức cả bài thành một chuyên đề, thực hiện trong 3 tiết. Tiết đầu tiên, cho HS xem một đoạn phim về cấu tạo, nguyên tắc hoạt động của tủ lạnh. HS trình bày lại tủ lạnh có cấu tạo như thế nào, hoạt động ra sao, giải thích tại sao tủ lạnh lại làm lạnh được?...
“Làm vừa phải thôi”
Vì cho rằng vẫn phải sử dụng tất cả điều kiện, đội ngũ hiện có để thực hiện chương trình mới nên lãnh đạo Bộ cũng khẳng định sẽ phải thực hiện dần dần chứ không thể áp dụng ngay được cách thức mà các nước có nền giáo dục phát triển đang làm.
Tại các thành phố lớn, giáo viên còn đang ngổn ngang với mớ bòng bong mơ hồ về tích hợp thì ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa điều này còn đáng lo ngại hơn. Trao đổi với báo chí, Giám đốc Sở GD-ĐT Lai Châu khẳng định: “Giáo viên cần có thời gian chứ chưa thể đáp ứng ngay được cách dạy tích hợp”.
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng chia sẻ: “Nhiều người hiểu tích hợp là phải rất nhuần nhuyễn nội dung, phương pháp - cũng đúng thôi. Nhưng làm như thế ngay thì điều kiện hiện nay của chúng ta không làm được. Vì vậy, chúng ta phải quyết tâm làm nhưng không cầu toàn. Làm vừa phải thôi, ở mức mình có thể thực hiện được, phù hợp với khả năng của người viết chương trình, viết sách giáo khoa và khả năng của giáo viên hiện nay”.
Tuy nhiên, ông Hiển cũng khẳng định, tích hợp theo cách làm sắp tới không phải chỉ xếp các môn đứng cạnh nhau. Điều này thể hiện ở chỗ chương trình, sách giáo khoa và kế hoạch dạy học đảm bảo cho kiến thức của các phân môn khác nhau nhưng có liên quan thì được xếp gần nhau, được dạy cùng nhau hoặc dạy gần thời điểm với nhau để giáo viên và HS dễ nhận ra, dễ phối hợp vận dụng. Hơn nữa, chương trình và sách giáo khoa mới sẽ có những chuyên đề tích hợp, liên phân môn để dạy và học theo yêu cầu tích hợp, giáo viên cần được bồi dưỡng để dạy được các chuyên đề này.
Phải thay đổi cách đánh giá, thi cử
Khó khăn, thách thức khi thực hiện chủ trương dạy học tích hợp trong chương trình mới, theo ông Hiển, đặc biệt là phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo yêu cầu tích hợp.
Tiến sĩ Chu Cẩm Thơ cũng cho rằng phải thay đổi cách đánh giá, thi cử, học và thi theo hướng đánh giá năng lực vận dụng của HS. Chỉ khi làm đồng bộ thì tất cả các khâu trong quá trình dạy học, thi cử mới cùng chuyển động theo hướng đó được. “Giáo viên dạy tích hợp cho HS bằng bài học trải nghiệm nhưng đến lúc thi thì vẫn thi theo từng môn với những câu hỏi nặng về lý thuyết, đáp án “đóng” thì không giáo viên nào dám mạo hiểm sử dụng giờ học “vàng ngọc” trên lớp để dạy kiểu như vậy được”, bà Thơ nói.
Không giáo viên nào mất việc vì tích hợp
Đến thời điểm này, ngoài băn khoăn về cách làm thì lo lắng của giáo viên mà PV Thanh Niên ghi nhận được là việc dạy tích hợp, “dồn” 2 - 3 môn học vào với nhau có khiến một bộ phận giáo viên dôi dư, dẫn tới phải chuyển công tác khác hoặc nghỉ hưu sớm hay không?
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định: “Khi xây dựng chương trình mới phải dựa vào đội ngũ giáo viên phổ thông hiện nay nên khi áp dụng cũng không phải thay đổi số lượng. Đội ngũ này đủ điều kiện thực hiện, tất nhiên phải có bồi dưỡng, cố gắng của bản thân họ. Sau đó, khi đào tạo giáo viên mới cũng phải đáp ứng được chương trình như giáo viên hiện tại”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.