Giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để kích cầu tiêu dùng

Mai Phương
Mai Phương
19/12/2023 11:57 GMT+7

Chính phủ cần giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để kích cầu tiêu dùng nội địa vì đây là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024.

Sáng 19.12, báo Người Lao động tổ chức diễn đàn "Kinh tế Việt Nam 2024". Tại phiên đầu tiên có chủ đề "Kích cầu tiêu dùng nội địa", một số chuyên gia kinh tế cho hay cần phải thực hiện nhiều chính sách như giảm thuế cho doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho người dân...

Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch cho rằng Chính phủ nhiều lần dùng "3 động lực phát triển" là xuất khẩu, thị trường nội địa và đầu tư công để kích tổng cầu. Gần đây, chúng ta dùng "cỗ xe tứ mã" gồm tiếp tục đổi mới, tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công để nâng tổng cầu nền kinh tế. Đã đến lúc phải khai thác được thị trường nội địa. Đây là trọng tâm cân đối với chính sách nền kinh tế hướng về xuất khẩu và củng cố nội lực của nền kinh tế.

Giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để kích cầu tiêu dùng  - Ảnh 1.

Cần giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân để kích cầu tiêu dùng nội địa

NLĐ

Vừa rồi Quốc hội đã quyết định kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) còn 8%. Nhiều ý kiến kiến nghị có thể giảm thêm để tăng hiệu quả kích cầu tiêu dùng. Đây là công cụ quan trọng, nếu giảm thuế GTGT nhiều hơn có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước nhưng nếu tăng được sức mua thị trường nội địa thì cũng nên tính toán kỹ. Đồng thời, các ngân hàng cần tiếp tục mở rộng tín dụng tiêu dùng, rà lại toàn bộ tín dụng cho người mua bất động sản. Gói 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội tiếp tục triển khai sẽ kích cầu toàn diện. Ngành du lịch cũng linh hoạt nhiều chương trình, giải pháp kích cầu. Điểm cuối cùng, để gỡ cho nền kinh tế, Chính phủ cần tiếp tục tháo gỡ những vấn đề về thể chế. Có nhiều việc Chính phủ đã làm trong 2023, nay cần tiếp tục để tạo hiệu quả hơn để khai thác thị trường nội địa.

Trong khi đó, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - giảng viên chính sách công, Trường ĐH Fulbright - phân tích, chi tiêu tiêu dùng trong nước chiếm khoảng 60 - 65% GDP; trong đó chi tiêu hộ gia đình khoảng 50 - 55% GDP. Với dân số 100 triệu dân và 20 triệu người trung lưu tạo ra sức cầu rất lớn, đến năm 2026 có thể tăng thêm khoảng 4 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu. Đối với nền kinh tế Việt Nam, khung hướng tiêu dùng biên là khá cao - trong 100 đồng người dân tạo ra có thể dùng tới 60 -70 đồng để chi tiêu thêm. Tiêu dùng biên có thể đạt tới 1 hoặc lớn hơn 1 nghĩa là đi vay để chi tiêu đối với tầng lớp trung lưu. Còn người thu nhập thấp thì họ tiết kiệm nhiều hơn vì khó khăn. Do đó, nếu kích cầu phải tập trung nhiều hơn vào tầng lớp trung lưu và kích cầu tiêu dùng nội địa lúc này là giải pháp thiết thực nhất. 

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nhấn mạnh: Khuyến khích "người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt" cần thực chất bằng chính sách thuế. Việc giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% là cần thiết, vì thuế GTGT đóng góp nguồn thu lớn nhất (33% tổng nguồn thu ngân sách) và lan tỏa rất mạnh trong các lĩnh vực. Có điều, chính sách thuế cần giảm với lộ trình đủ dài như trong 2 năm, thay vì giảm 6 tháng theo kiểu "dò đá qua sông", rồi lại kéo dài thêm 6 tháng sẽ khó tạo động lực cho thị trường. Bởi người dân chi tiêu còn phụ thuộc vào thu nhập dự kiến trong tương lai. Chúng ta cần chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách trong ngắn hạn vì phải mạnh mẽ hơn trong việc giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp, cho người dân. Chính sách thuế thu nhập cá nhân đã lạc hậu và đây là thời điểm sửa nhanh quy định, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, giãn các bậc thuế. Điểm rơi chính sách là quan trọng để kích cầu tiêu dùng nên cần phải thực hiện các chính sách đồng loạt và mạnh mẽ hơn nữa.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.