Giám đốc IMF nói kinh tế toàn cầu như giữa 'biển động', triển vọng 'mờ dần'

La Vi
La Vi
08/10/2022 07:02 GMT+7

Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo rằng triển vọng kinh tế thế giới đang trở nên u tối - khiến IMF phải hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 đến lần thứ tư.

Phát biểu tại Đại học Georgetown hôm 6.10, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết: "Nền kinh tế thế giới của chúng ta giống như con tàu trong vùng biển động".

Bà Georgieva nói rằng những cú sốc do đại dịch Covid-19, cuộc xung đột Nga-Ukraine và thảm họa khí hậu gây ra là những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế toàn cầu có thể trở nên tồi tệ hơn nữa. Hậu quả là IMF sẽ hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu từ 2,9% xuống thấp hơn nữa khi công bố Triển vọng Kinh tế Thế giới vào tuần tới.

Bà Georgieva cho biết: "Chúng ta đang trải qua một thay đổi cơ bản trong nền kinh tế thế giới, từ một nền kinh tế có thể dự đoán tương đối được - với khuôn khổ dựa trên luật lệ về hợp tác kinh tế quốc tế, lãi suất rất thấp, lạm phát thấp - sang một thế giới mong manh hơn, bất ổn hơn, biến động kinh tế cao hơn, các cuộc đối đầu địa chính trị và các thảm họa thiên nhiên tàn khốc, thường xuyên hơn. Một thế giới mà ở đó, bất kỳ quốc gia nào cũng có thể dễ dàng và thường xuyên chệch hướng hơn".

Cũng theo bà Georgieva, tất cả các nền kinh tế lớn nhất thế giới như châu Âu, Trung Quốc và Mỹ đều đang tăng trưởng chậm lại. Điều này làm giảm nhu cầu xuất khẩu từ các nước mới nổi và đang phát triển, nơi vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ giá thực phẩm và năng lượng cao.

Cuộc xung đột ở Ukraine và những rủi ro kinh tế toàn cầu sẽ là tâm điểm của các cuộc họp thường niên vào cuối tuần tới của IMF và Ngân hàng Thế giới tại Washington. Cuộc họp sẽ quy tụ các bộ trưởng tài chính và ngân hàng trung ương từ khắp nơi trên thế giới.

Nhìn chung, IMF dự kiến sản lượng toàn cầu sẽ giảm 4 nghìn tỉ USD từ nay đến năm 2026, gần bằng quy mô của nền kinh tế Đức và tương đương với điều mà bà Georgieva gọi là "một bước lùi lớn".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.