Giá vàng tăng giảm thất thường, người mua lỗ nặng

Thanh Xuân
Thanh Xuân
24/02/2024 07:29 GMT+7

Sau nhiều tháng, tình trạng giá vàng trong nước "một mình một chợ" vẫn chưa có giải pháp nào căn cơ để giải quyết. Giá trồi sụt bất thường nên chỉ vài ngày sau ngày vía Thần tài, người mua vàng đã lỗ nặng.

"Đổ đèo" SAU khi tăng chạm 79 triệu đồng/lượng

Sáng 23.2, giá vàng miếng SJC đột ngột tăng mạnh 300.000 đồng mỗi lượng, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào 76,8 triệu đồng, bán ra 79 triệu đồng; Tập đoàn Doji mua vào 76,75 triệu đồng, bán ra 78,95 triệu đồng… Những người mua vàng ngày Thần tài chưa kịp mừng vì "đỡ lỗ" thì ngay sau đó, vàng miếng SJC lại đột ngột quay đầu giảm mạnh, thổi bay 500.000 đồng mỗi lượng. Công ty SJC mua vào còn 76,3 triệu đồng, bán ra 78,5 triệu đồng; Tập đoàn Doji mua vào 76,25 triệu đồng, bán ra còn 78,45 triệu đồng…

Giá vàng tăng giảm thất thường, người mua lỗ nặng- Ảnh 1.

Giá vàng nhẫn cao hơn thế giới lên quanh 5 triệu đồng/lượng

T.Xuân

Trong khi đó, giá vàng nhẫn 4 số 9 lại tăng 150.000 - 200.000 đồng mỗi lượng. Công ty SJC mua vào với giá 63,45 triệu đồng, bán ra 64,65 - 64,75 triệu đồng. Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vàng nhẫn với giá 64,54 triệu đồng, bán ra 65,64 triệu đồng… Dù vậy, giá vàng nhẫn hiện vẫn đang thấp hơn vàng miếng SJC 13,75 triệu đồng mỗi lượng. Đáng nói, giá vàng trong nước tăng giảm đột ngột dù giá trên thị trường quốc tế biến động không nhiều. So với đầu ngày, giá vàng thế giới cuối hôm qua giảm 7 USD/ounce, xuống còn 2.018 USD/ounce.

Nhưng đó chỉ là phiên hôm qua, còn thực tế, giá vàng miếng SJC đã tăng giảm trong biên độ từ 1 - 1,5 triệu đồng/lượng từ đầu tuần đến nay. Sau khi bốc hơi gần 1,3 triệu đồng/lượng trong ngày Thần tài đầu tuần này, giá vàng đã đi lên 1 - 1,5 triệu đồng/lượng. Thế nhưng những người mua vàng ngày Thần tài cho đến nay vẫn đang lỗ khoảng 2 - 3 triệu đồng mỗi lượng.

Giải thích nguyên nhân khiến giá vàng trong nước biến động thất thường trong những ngày gần đây, đại diện Công ty SJC cho biết giá phụ thuộc nhiều vào cung cầu trên thị trường. Chẳng hạn như sáng 23.2, lực mua vàng tăng lên khiến giá lên cao, đến đầu giờ chiều thì lực bán ra lại cao hơn mua vào. Các công ty cứ thế điều chỉnh giá lên xuống nhiều lần "mà không hiểu vì sao". Còn ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, thì cho rằng một số đơn vị bán vàng đầu tuần, phục vụ ngày Thần tài nên nay bắt đầu mua lại vàng cân đối. Thế nhưng nguồn cung vàng trên thị trường khá thấp nên giá cứ bị đẩy lên cao, đặc biệt là giá mua.

Có thể thấy, sau gần 2 tháng Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu có biện pháp đối với thị trường vàng, giá vàng trong nước vẫn ngày trở nên đắt đỏ. So với đầu năm, giá vàng miếng SJC tăng 4,5 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng 6%; còn vàng nhẫn có tốc độ tăng giá chậm hơn, chỉ 1,3 triệu đồng/lượng, tương đương 2%. Trong khi đó, giá vàng thế giới hiện nay lại có mức giảm, thấp hơn thời điểm đầu năm 45 USD/ounce, tương đương mức giảm 2,1%. Chính vì sự biến động ngược sóng nên vàng miếng SJC ngày 23.2 có giá cao hơn thế giới lên 18,4 triệu đồng/lượng, còn vàng nhẫn ngày càng gia tăng độ đắt đỏ, cao hơn từ 4,6 - 5,5 triệu đồng/lượng thay vì 1 - 2 triệu đồng/lượng như đầu năm.

Độc quyền khiến giá đắt

Chuyên gia vàng Phan Dũng Khánh nhận xét: Giá vàng trong nước tăng giảm đột ngột với biên độ rộng nguyên nhân đến từ thương hiệu vàng miếng SJC là thương hiệu độc quyền. Thêm vào đó, việc thị trường chờ đợi những chính sách quản lý vàng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ cũng khiến giá có những biến động khó dự báo.

Giá vàng tăng giảm thất thường, người mua lỗ nặng- Ảnh 2.

Giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới lên 18,4 triệu đồng/lượng

Còn theo Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng quy định vàng miếng SJC là vàng chuẩn quốc gia, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất sản xuất và cung ứng vàng miếng SJC cho thị trường. Kể từ đó Công ty SJC không được tự sản xuất vàng miếng SJC mà chỉ thực hiện gia công theo ủy quyền và dưới sự giám sát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước.

Nhưng nhìn lại từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không tổ chức sản xuất và cũng không cung ứng ra thị trường vàng miếng SJC. Do đó doanh nghiệp mua vàng miếng là từ nguồn của khách hàng (người dân) nên không có nguồn vàng SJC dự trữ lớn do khả năng thu mua vàng miếng SJC trong dân có hạn. Nguồn cung vàng miếng SJC cho thị trường trong suốt hơn 10 năm qua không có, mà chỉ có cầu của người dân cần mua nên dẫn đến giá vàng miếng SJC thường xuyên cao hơn giá vàng thế giới.

Đặc biệt hiện nay, theo Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn để xác định nguồn gốc của vàng nguyên liệu. Họ không có cơ sở, điều kiện và nghĩa vụ để xác minh nguồn gốc của nguồn vàng nguyên liệu thu mua, dẫn đến khó khăn trong việc thu mua vàng trên thị trường. Vì vậy, doanh nghiệp đang có tâm lý lo ngại về rủi ro, cả về mặt pháp lý trong việc tổ chức thu mua vàng nguyên liệu. Từ những đắn đo, lo ngại này, doanh nghiệp đã và sẽ giảm nhu cầu, thậm chí dừng việc tổ chức thu mua vàng nguyên liệu. Điều này sẽ khiến việc tổ chức sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ gặp nhiều khó khăn, có doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động.

"Khi doanh nghiệp phải giảm hoặc dừng sản xuất sẽ kéo theo hàng hóa cung ứng cho thị trường giảm, sức cạnh tranh yếu, hàng nhập khẩu có cơ hội tràn vào thị trường VN, thu nhập của người lao động giảm và đời sống của họ khó khăn hơn, đặc biệt công tác quản lý thị trường chống buôn lậu càng phức tạp hơn, thu ngân sách sẽ giảm… Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nguồn cung trong nước giảm, giá vàng thu mua trong nước luôn cao hơn giá vàng quốc tế nên người dân sẽ bị thiệt thòi vì phải mua hàng trang sức với giá cao hơn giá quốc tế", đại diện hiệp hội nhấn mạnh. Vì thế, trong khi Nghị định 24 chưa sửa đổi, Hiệp hội Kinh doanh vàng VN kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cho cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp.

Khi doanh nghiệp phải giảm hoặc dừng sản xuất sẽ kéo theo hàng hóa cung ứng cho thị trường giảm, sức cạnh tranh yếu, hàng nhập khẩu có cơ hội tràn vào thị trường VN, thu nhập của người lao động giảm và đời sống của họ khó khăn hơn, đặc biệt công tác quản lý thị trường chống buôn lậu càng phức tạp hơn, thu ngân sách sẽ giảm… Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, nguồn cung trong nước giảm, giá vàng thu mua trong nước luôn cao hơn giá vàng quốc tế nên người dân sẽ bị thiệt thòi vì phải mua hàng trang sức với giá cao hơn giá quốc tế.

Đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng VN

Giá vàng trong nước có rút ngắn được khoảng cách chênh lệch so với thế giới trong thời gian tới và rút bao nhiêu còn phụ thuộc vào giá thế giới biến động như thế nào, độ hiếm của vàng SJC ra sao trên thị trường và những chính sách can thiệp của cơ quan nhà nước đối với vàng.

Chuyên gia vàng Phan Dũng Khánh


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.