Giá nhiều dịch vụ chỉ tăng không giảm: Xăng rẻ, vận tải vẫn đắt

06/07/2023 06:29 GMT+7

Giá xăng hiện tại đang thấp hơn giá cùng kỳ năm ngoái 11.000 đồng/lít, tương đương giảm gần 37%, giá dầu cũng giảm 12.000 đồng nhưng giá taxi, vận chuyển hàng hóa vẫn không chịu giảm theo.

Cước taxi vẫn cao

So cùng thời điểm này năm ngoái, giá xăng trong nước giảm gần 40%. Cụ thể, tính đến ngày 5.7, xăng đã giảm từ gần 33.000 đồng/lít (ngày 5.7.2022) xuống 22.000 đồng/lít; giá dầu diesel giảm từ 30.000 đồng/lít xuống hơn 18.000 đồng/lít. Như vậy, giá bán lẻ xăng hiện tại đang thấp hơn giá cùng kỳ năm ngoái 11.000 đồng/lít, tương đương giảm gần 37%. Đáng nói, dù mức giảm rất mạnh nhưng giá một loạt các sản phẩm, dịch vụ đầu ra của xăng lại không hề rẻ. Trong đó, phải kể đến cước taxi.

Giá nhiều dịch vụ chỉ tăng không giảm: Xăng rẻ, vận tải vẫn đắt - Ảnh 1.

Vì nhiều lý do, các hãng taxi chưa giảm giá cước dù giá xăng dầu đã giảm

NHẬT THỊNH

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, giá cước phổ biến của các hãng taxi vào khoảng 10.000 - 12.000 đồng/km (giá mở cửa), giá các km tiếp theo vào khoảng 14.000 - 17.000 đồng/km. Với giá này thì hành khách nào đi đường xa sẽ rất xót ruột khi thấy đồng hồ nhảy số liên tục. Những khách hàng hay sử dụng taxi là biết rõ giá cước vẫn âm thầm tăng hơn so với trước đây nếu tính cùng một chặng đường, cùng thời điểm. Đặc biệt, các hãng taxi công nghệ lại áp dụng cơ chế giá linh hoạt theo nhu cầu, diễn biến thời tiết và mật độ đi lại nên đôi lúc tưởng rẻ nhưng thật sự không rẻ.

Anh M.V, ngụ tại P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức (TP.HCM), kể: "Hôm đó trời mưa to, tôi đặt xe của Be từ chỗ làm ở Q.3 đi về nhà, nhưng dù đã áp dụng chương trình khuyến mại thì giá cước vẫn nhảy lên 200.000 đồng. Thấy cao quá nên tôi gọi taxi truyền thống qua tổng đài, giá cước lại rẻ hơn". Anh Nguyễn Minh Đức, tài xế chạy xe cho hãng này, khẳng định: "Giá cước của hãng lúc thấp điểm trong ngày thì ổn định, nhưng khi có nhu cầu tăng cao, tài xế được nhân 2, thậm chí nhân 3 giá cước". Cô Trương Ngọc Yến, ngụ tại khu đô thị Vinhomes Grand Park, TP.Thủ Đức, phàn nàn: "Hôm trước tôi đón xe Grab tại TP.Nha Trang để đến trạm xe Phương Trang trong thành phố, đoạn đường khá ngắn chỉ vài km nhưng số tiền phải trả lên đến 170.000 đồng. Nếu tính theo giá công bố là 12.000 đồng/km thì hoàn toàn không chính xác. Tôi hỏi kỹ, mới biết họ cộng thêm các loại phụ phí khác nên giá tăng gần gấp đôi".

Đại diện Công ty Ánh Dương Việt (Vinasun) giải thích: "Năm trước khi giá xăng tăng lên cao, một số hãng taxi đã điều chỉnh giá, sau đó có giảm một chút nhưng không đáng kể. Hiện nay giá xăng dầu đang hạ nhiệt, nhưng doanh nghiệp chúng tôi đang chịu lỗ vì vắng khách. Đúng ra mùa hè là cao điểm du lịch, khách đi chơi nhiều thì nhu cầu tăng, tuy nhiên ngược lại tỷ lệ công suất hoạt động của chúng tôi lại không được như kỳ vọng. Vì lẽ đó mà hiện nay Vinasun kẹt ở giữa, chưa biết như thế nào. Chúng tôi muốn giảm giá cũng không được vì chi phí đang ở mức cao, muốn điều chỉnh thì phải tốn thêm một khoản tiền lớn để thay đổi hệ thống quản lý giá. Nhưng nếu giữ mức giá như hiện nay thì lại khó cạnh tranh".

Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Ô tô vận tải Bình Dương, thừa nhận: "Các doanh nghiệp hội viên thông báo rằng trong thời gian qua giá dầu không giảm nhiều nên giá vận tải cũng không có nhiều điều chỉnh, nói đúng ra là không giảm bao nhiêu". Nhưng lý giải này không đúng vì theo tính toán đã đề cập ở trên, giá dầu diesel đã giảm gần 12.000 đồng, tương đương giảm gần 40% so với lúc cao điểm.

Giá dịch vụ ăn uống chỉ tăng, không giảm

Cước xe đò cũng "bất động"

Không chỉ cước taxi, cước vận chuyển người và hàng hóa cũng bất động. Ông Nguyễn Ngọc Tiến, ngụ tại P.Thạnh Lộc, Q.12 (TP.HCM), kể: "Tuần rồi, tôi đặt xe từ TP.HCM đi Nha Trang, giá vé giường ngồi vẫn ở mức 270.000 đồng, giá buồng riêng 450.000 đồng, so với năm trước giá này không thay đổi". 

Theo khảo sát của PV, giá cước vận tải hầu như không giảm, thậm chí một số phân khúc lại tăng lúc giá xăng dầu tăng cao, nay vẫn giữ nguyên mức giá cao đó. Chẳng hạn, đối với xe limousine chở khách tuyến TP.HCM - Vũng Tàu, giá cước tại thời điểm giá xăng 33.000 đồng/lít là tăng từ 180.000 đồng lên 190.000 đồng/vé. Có thời điểm lên 210.000 đồng/vé, đến cuối năm 2022, một số nhà xe tăng lên 230.000 đồng/vé đối với xe mới. Đến nay, giá vé này hoàn toàn không đổi. Mức vé trung bình với xe limousine tuyến TP.HCM - Vũng Tàu vẫn 230.000 đồng/vé, một số xe cũ hơn giá khoảng 200.000 đồng/vé. 

Ông Trần Nguyễn Lê Văn, Giám đốc Công ty Vexere (vexere.com), đơn vị kết nối dịch vụ đặt vé xe, máy bay, tàu lửa… với hơn 700 doanh nghiệp vận tải cho biết thực tế giá vé xe khách đi lại tại một số phân khúc, loại xe không giảm so với kỳ vọng. Lý do, từ sau đại dịch đến nay, có hơn 20% doanh nghiệp vận tải kết nối trên trang này dừng hoạt động, lượng khách đi lại chỉ bùng lên sau năm giãn cách, sau đó lại vẫn chậm. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách đặt vé trên hệ thống giảm khoảng 25%. 

Giải thích tại sao giá xăng dầu giảm nhưng giá cước xe khách lại không giảm, ông Trần Nguyễn Lê Văn cho hay doanh nghiệp vận tải có 2 năm gần như không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, chi phí tăng rất nhiều, nhất là lãi suất vay ngân hàng để mua xe kinh doanh vẫn phải trả trong khi doanh thu không có đồng nào. Đối với dòng xe limousine, theo ông Lê Văn, xu hướng khó giảm cho dù giá xăng giảm mạnh hơn 35% do dòng xe VIP, mua xe đã khó, nhu cầu khách đặt loại xe này cao, nên không thấy các doanh nghiệp vận tải giảm giá.

Giá nhiều dịch vụ chỉ tăng không giảm: Xăng rẻ, vận tải vẫn đắt - Ảnh 2.

Ông Phạm Văn Việt (ngụ Thừa Thiên-Huế), chủ doanh nghiệp vận tải hàng hóa tuyến Thừa Thiên-Huế - TP.HCM, thừa nhận, nhờ giá dầu giảm nên giá cước của nhà xe có giảm khoảng 5 - 10%, tùy tuyến và tùy chế độ dịch vụ của mỗi nhà xe. Chẳng hạn, một thùng hàng trước lấy cước 180.000 đồng, nay giảm còn 160.000 đồng. Có một số nhà xe giảm đến 20%, xuống 150.000 đồng. Nhưng đổi lại, hàng vào đến bến xe, phần cước còn lại, khách hàng phải chịu. "Các chủ nhà xe còn chịu nhiều chi phí trong thời gian qua, đặc biệt là phí đăng kiểm, phí lãi suất ngân hàng, lãi vay nóng… nên giá cước khó giảm", ông Việt chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.