Giá dịch vụ ăn uống chỉ tăng, không giảm

05/07/2023 05:34 GMT+7

Hầu hết chi phí đầu vào cho dịch vụ ăn uống, dân sinh đều đang giảm; nhưng khi nhìn vào hóa đơn thanh toán thì đa số người tiêu dùng ngỡ ngàng vì giá chưa khi nào giảm. Đây cũng chính là nhóm hàng khiến chỉ số CPI tháng 6 vừa rồi tăng cao.

Ổ bánh mì, tô bún khi nào giảm giá?

Mỗi sáng, trước khi đến chỗ làm, anh Lưu Hoàng Tuấn, nhân viên thiết kế điện ngụ tại P.7, Q.Gò Vấp (TP.HCM), đều ghé mua ổ bánh mì để điểm tâm. "Trước đây tôi mua 1 ổ bánh mì chỉ khoảng 10.000 đồng, nhưng bây giờ ít nhất phải 25.000 đồng mới mua được. Thời điểm bánh mì tăng giá từ 20.000 đồng lên 25.000 đồng/ổ, tôi hỏi người bán lý do tăng thì họ nói rằng do giá nguyên liệu tăng, giá xăng tăng..., nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều loại nguyên liệu đều giảm giá, nhưng sản phẩm dịch vụ đến tay người tiêu dùng lại không giảm chút nào, tôi không hiểu tại sao", anh Tuấn bộc bạch.

Giá dịch vụ ăn uống chỉ tăng, không giảm - Ảnh 1.

Dù giá nguyên liệu đầu vào giảm nhưng giá dịch vụ ăn uống chỉ thấy tăng

Q.T

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh bi hài với một tấm biển thông báo được dán trên xe taxi: "Ai có thể kể ra một sản phẩm không tăng giá trong 10 năm qua, tôi sẽ miễn phí chuyến xe này". Câu chuyện mang tính chất châm biếm nhưng ngẫm lại rất phù hợp với thực tế hiện nay. Chị Đoàn Thủy, một người nội trợ ngụ tại Q.Bình Thạnh

(TP.HCM), chia sẻ: "Năm trước, khi giá xăng liên tục tăng cao, các loại thực phẩm thiết yếu cũng tăng giá theo, tô bún bò từ 50.000 đồng tăng lên 55.000 đồng, sữa hộp các loại cũng tăng giá. Nhưng đến nay, khi giá xăng đã giảm, giá các loại nguyên liệu đầu vào như thịt heo, thịt gà cũng giảm, tôi nhìn lại mới thấy giá các loại dịch vụ ăn uống chưa giảm lần nào". Chị B.T.Đ, ngụ Q.7 (TP.HCM), cũng đồng cảm: "Tôi nghe thông tin các loại thực phẩm từ nơi sản xuất như thịt heo, bò, gà đều giảm giá, nông dân thua lỗ bán dưới giá thành, nhưng thực tế tôi đi ăn uống bên ngoài thấy giá vẫn còn cao. Tại khu vực trung tâm như Q.1, Q.3, giá 1 tô hủ tíu đã lên đến 90.000 đồng, thậm chí trên 100.000 đồng. Mới đây, tôi đi ăn trưa với nhóm bạn 7 người, trong đó có một em bé, cũng chỉ tô này tô kia nhưng khi thanh toán thì lên đến 1,8 triệu đồng. Cả nhóm choáng luôn".

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, giá niêm yết heo hơi bình quân hiện nay vào khoảng 61.000 đồng/kg, giá heo mảnh tại chợ đầu mối TP.HCM khoảng 75.000 đồng/kg, nhưng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng cao gần gấp đôi. Tại một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi, mỡ heo đang có giá ở mức thấp nhất là 63.000 đồng/kg. Còn lại giá nạc vai heo là 98.000 đồng/kg, nạc đùi heo 99.000 đồng/kg, sườn già heo 108.000 đồng/kg. Thậm chí đuôi heo đang có giá bán tới 127.000 đồng/kg.

Đối với thủy sản, do tình hình xuất khẩu gặp khó khăn nên giá bán các loại tôm, cá đang giảm mạnh. Cụ thể, tại ĐBSCL, giá tôm sú ướp đá giảm từ 5.000 - 18.000 đồng/kg tùy loại. Tương tự, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL tiếp tục giảm 1.000 đồng/kg so với tháng trước do nhu cầu thị trường nhập khẩu ở mức thấp. Mặt hàng tôm hùm hiện nay cũng bế tắc đầu ra do thị trường Trung Quốc không ăn hàng; giá tôm hùm sống tại lồng, bè hiện giảm còn khoảng 800.000 - 900.000 đồng/kg, tuy nhiên khi đến tay người tiêu dùng giá vẫn gấp đôi.

Đối với mặt hàng trứng, các doanh nghiệp thuộc chương trình bình ổn giá đang than thở vì giá thấp, thua lỗ, tuy nhiên thực tế tại các chợ lẻ, giá trứng gia cầm vẫn đang cao hơn từ 10 - 15%.

Anh N.V.K, quản lý một nhà hàng tại Q.3 (TP.HCM), chia sẻ: "Tình hình chung hiện nay thực khách đến nhà hàng giảm sút do ảnh hưởng kinh tế suy thoái, do đó để bù đắp chi phí doanh thu thì đa số nhà hàng phải tăng giá, thậm chí giữ được giá cũ cũng khó rồi, chứ giảm giá nữa thì chắc đóng cửa sớm".

Chị Nguyễn Thị Trà Mỹ, giám đốc tài chính một công ty thiết bị công nghệ tại Q.12 (TP.HCM), bức xúc: "Khi giá đầu vào tăng, nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống, dịch vụ liền tăng giá; nhưng khi giá nguyên liệu đầu vào giảm thì họ vẫn giữ nguyên giá, thậm chí còn tăng thêm. Đây là tâm lý của các chủ kinh doanh muốn bán được giá cao hơn, tạo thành mặt bằng giá chung. Đúng ra giá cả ăn uống, dịch vụ phải có lên có xuống, còn nếu lên mà không xuống như vậy là không được".

Giá dịch vụ ăn uống chỉ tăng, không giảm

Dịch vụ ăn uống tăng cao nhất trong CPI

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6.2023 tăng 0,27% so với tháng trước. So với tháng 12.2022, CPI tháng 6 tăng 0,67% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2%. CPI bình quân quý 2/2023 tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 6 tháng đầu năm 2023 CPI tăng 3,29%; lạm phát cơ bản tăng 4,74%. Trong 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất với 0,57%, tác động CPI chung tăng 0,19 điểm phần trăm.

Chính phủ cần nhanh chóng có các giải pháp để điều hành, trong đó cần tăng cường kiểm soát, quản lý thị trường để hạn chế việc "té nước theo mưa", tăng giá xong không giảm... Nếu chủ động được giải pháp này thì thị trường mới có thể bình ổn, kiềm chế được lạm phát.

PGS TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính)

Tình trạng này khiến nhiều người lo ngại việc lương cơ bản tăng từ ngày 1.7 vừa rồi có thể sẽ khiến thị trường tiếp tục "tát giá theo lương", ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm của Chính phủ.

Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), nhận định: "Trong 6 tháng đầu năm, nhiều con số thống kê chưa thống nhất, nhưng chỉ số lạm phát vào khoảng 4,5% là con số tương đối đẹp. Với những giải pháp hiệu quả của Chính phủ, hiện nay giá xăng dầu đang giảm, giá điện tăng nhưng cũng chỉ ở mức vừa phải, giá gas cũng giảm và nhiều loại thực phẩm cung vượt cầu nên giá cũng giảm. Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát, như điện có thể tăng giá tiếp, và việc tăng lương cơ bản từ ngày 1.7 cũng là yếu tố tâm lý để thị trường tăng giá. Trong 14 lần tăng lương cơ bản trong những năm qua thì lần này có mức tăng cao nhất. Mặc dù không phải đối tượng nào cũng được tăng lương, nhưng tâm lý lợi dụng cơ hội để tăng giá thì lúc nào cũng có. Theo con số thống kê ở Mỹ, khi lương tăng 10% thì giá cả cũng tăng 0,5 - 0,9%. Như vậy Chính phủ phải có biện pháp kiểm soát thị trường, cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, tránh hiện tượng "té nước theo mưa", tăng giá vô lý làm mất hiệu quả của chính sách tăng lương".

Đồng quan điểm trên, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) phân tích: "Đầu năm nay, nhiều dự báo cho thấy lạm phát sẽ tăng mạnh, nhưng với các giải pháp điều hành của Chính phủ, theo con số thống kê 6 tháng đầu năm thì chỉ số lạm phát vẫn ở ngưỡng an toàn. Về chỉ số CPI thì giá các loại dịch vụ, sản phẩm theo cơ chế thị trường nên phải có lúc tăng, lúc giảm theo từng thời điểm. Hiện nay thị trường có nhiều nhu yếu phẩm như gạo, thịt, trứng... tăng giá. Mức tăng chưa nhiều nhưng trong thời gian tới có nhiều yếu tố sẽ tác động đến việc tăng giá cục bộ. Ví dụ, sau khi tăng lương cơ bản từ ngày 1.7, mặc dù không phải ai cũng được tăng lương nhưng chắc chắn thị trường sẽ có tâm lý điều chỉnh giá bán. Rồi đến tháng 8, tháng 9, khi học sinh, sinh viên cả nước nhập học thì nhu cầu mua sắm, tiêu dùng cũng tăng. Những yếu tố này sẽ tác động đến chỉ số CPI trong những tháng cuối năm".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.