Gen Z bị phê bình là... nghỉ việc

20/06/2023 10:15 GMT+7

Thích năng động nhưng hay mất kiên nhẫn, cá tính mạnh mẽ lại dễ bị tổn thương, mong được sếp thấu hiểu nhưng không muốn chia sẻ… Đó là một phần trong nhiều vấn đề về phong cách làm việc của gen Z hiện nay.

Thể hiện quan điểm cá nhân rất mạnh mẽ

Dù chỉ mới là sinh viên năm hai nhưng T. N. A.T. (20 tuổi) đã trải qua 3 công việc khác nhau và Thư đòi hỏi chỗ làm phải phù hợp với phong cách gen Z của mình.

"Mình thích môi trường làm việc có tính cộng đồng cao, có nhiều bạn gen Z giống mình để đảm bảo sự vui vẻ, thoải mái. Đặc biệt là người sếp không có khoảng cách quá lớn về thế hệ và có sự hòa hợp với nhân viên mà không quá rạch ròi, cứng nhắc hay chỉ trích quá nhiều trong công việc", A.T. bày tỏ.

Gen Z bị phê bình là nghỉ việc: Nỗi oan hay cá tính làm việc? - Ảnh 1.

Gen Z thường bị đánh giá là thế hệ có sức chịu đựng kém trong công việc

THƯỢNG HẢI

Giải thích về điều này, nữ sinh này cho biết vì rất đề cao chủ nghĩa cá nhân nên trong các môi trường làm việc cũ, cô bạn này đã gặp không ít những bất đồng và rất khó khăn trong việc giao tiếp đối với các thế hệ trước.

Thạc sĩ Phan Trường Duy, Trường cao đẳng du lịch Sài Gòn, với hơn 15 năm trong lĩnh vực đào tạo cho biết: "Gen Z hiện nay rất năng động, thích khám phá, học hỏi cái mới và chủ động tham gia các hoạt động của công ty. Tuy nhiên, họ lại ngại giao tiếp trực tiếp mà thích tương tác qua tin nhắn, mạng xã hội nên đôi khi không hiểu hết mong chờ của cấp trên. Ngoài ra, gen Z cũng thiếu kiên nhẫn và khi có những yêu cầu mới được giao lại không chủ động thực hiện và dễ nản".

Ngoài ra, ông Trường Duy cũng cho rằng gen Z rất khó bị thay đổi bởi người khác, vì chỉ có bản thân họ mới chịu tự chuyển mình nên đôi khi dễ bị tổn thương hay áp lực nếu như bị tác động trong công việc.

Gen Z bị phê bình là nghỉ việc: Nỗi oan hay cá tính làm việc? - Ảnh 2.

Gen Z là thế hệ trải qua nhiều áp lực sau đại dịch, cùng nỗi lo bị thay thế bởi sự ra đời của các công nghệ mới

CHÂU LÊ

Theo bà Quảng Thị Minh Tâm, Giám đốc nhân sự của khách sạn Renaissance Riverside Saigon, so với các thế hệ trước, gen Z có xu hướng thể hiện quan điểm cá nhân rất mạnh mẽ và sẵn sàng tự trải nghiệm để học hỏi thay vì theo đúng sự hướng dẫn của cấp trên từ bước đầu tiên.

“Họ cũng là những người ít thích bị kiểm soát và khác với các thế hệ trước muốn công việc diễn ra theo kế hoạch, gen Z muốn được sếp trao quyền nhiều hơn để hoàn thành công việc theo cách của họ, miễn đạt kết quả như mong muốn. Người trẻ cũng thiếu sự kiên cường, không ít người trẻ bắt đầu công việc không hòa hợp với đồng nghiệp hay bị… sếp phê bình có thể nhanh chóng quyết định nhảy việc mà không chọn việc giải quyết các trở ngại đó”, bà Tâm chia sẻ.

"Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài"

Thạc sĩ Trường Duy cho biết người trẻ hiện nay rất dễ tìm được công việc, đôi khi chỉ cần một cuộc gọi hay cái nhấp chuột nhưng cần phải có sự thích nghi "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài".

"Người trẻ cần phải học lắng nghe sự chỉ trích, góp ý hoặc đôi lúc là những chỉ đạo có phần vô lý từ cấp trên. Vì không có một môi trường làm việc nào hoàn hảo 100% hay ấm áp, an toàn như ở nhà cả, nếu không muốn áp lực thì đừng đi làm, còn đã bước vào phải chấp nhận đó là một điều hiển nhiên của cuộc sống", ông Duy bày tỏ.

Gen Z bị phê bình là nghỉ việc: Nỗi oan hay cá tính làm việc? - Ảnh 3.

Doanh nghiệp và gen Z cần có sự thấu hiểu để đạt mục đích công việc chung

THƯỢNG HẢI

Theo ông Duy, dù gen Z rất đề cao cái tôi nhưng cần thể hiện đúng lúc, đúng thời điểm, đúng người và khi phát biểu quan điểm phải chuẩn bị thật kỹ. Đồng thời, tuân thủ những quy luật cơ bản của xã hội về sự tôn trọng, công bằng và tính riêng tư của mỗi người thì chắc chắn người trẻ sẽ "dễ thở" hơn ở nhiều môi trường khác nhau.

Còn đối với bà Minh Tâm, để giữ chân người trẻ, người quản lý cần hiểu về gen Z và sự khác biệt của gen Z với các thế hệ khác, nỗ lực giúp tăng mức độ hiểu biết giữa các thế hệ và tận dụng tốt thế mạnh nhằm mang lại thành công cho công ty.

Gen Z bị phê bình là nghỉ việc: Nỗi oan hay cá tính làm việc? - Ảnh 4.

Gen Z có nhiều đòi hỏi về môi trường làm việc hiện tại

THƯỢNG HẢI

“Gen Z kỳ vọng sự quản lý công việc linh hoạt, sẵn sàng nhận thử thách và ưu tiên ứng dụng công nghệ vào công việc. Trong khi thế hệ trước sẽ đề cao quy tắc, tiêu chuẩn trong công việc và là nhóm có nhiều kinh nghiệm trong công việc, ít bị tổn thương hơn so với thế hệ Z khi có thay đổi, nghịch cảnh. Vì vậy, mỗi thế hệ cần có sự cởi mở, đón nhận sự khác biệt của thế hệ khác để học hỏi, hòa hợp và tạo nên giá trị cho công ty”, bà Tâm cho hay.

Để gen Z có thể gắn bó với công việc lâu dài, ông Duy khuyên cần phải trang bị: kỹ năng, thái độ và kiến thức. "Thái độ là tiêu chí gây ấn tượng đầu tiên đối với người khác để người sếp tin tưởng bạn phù hợp với công việc. Kỹ năng phải có để giúp giảm áp lực, hoàn thiện mọi thứ dễ dàng, nhanh chóng và hạn chế lỗi sai. Cuối cùng, môi trường luôn thay đổi nên gen Z cũng phải cập nhật kiến thức mới liên tục để đáp ứng", ông Duy nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.