Gen Z đi làm, gặp đồng nghiệp lớn tuổi hơn ba, mẹ thì xưng hô thế nào?

09/05/2023 15:48 GMT+7

Gen Z (những người sinh từ năm 1997 - 2012) khi đi làm chung công ty với những gen X (những người sinh từ năm 1965 - 1980), cảm thấy phân vân không biết phải xưng hô với những đồng nghiệp bằng hoặc thậm chí lớn hơn tuổi của ba, mẹ mình như thế nào.

Gen Z đi làm, gặp đồng nghiệp... bằng tuổi cha mẹ thì nên xưng hô thế nào? - Ảnh 1.

Tại nhiều công ty, gen Z có đồng nghiệp là gen X có tuổi gấp đôi mình

PHONG LINH

Khi đồng nghiệp lớn tuổi hơn ba, mẹ

Tốt nghiệp ra trường sớm một năm, hiện tại Trần Nguyên Thảo (21 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM) đã đi làm tại Công ty TNHH Đầu tư phát triển thương mại Deluxe, Q.6, TP.HCM. Vào công ty, Thảo "choáng" khi thấy nhiều đồng nghiệp hơn cả tuổi mẹ, bằng cả tuổi ba ở nhà.

"Ban đầu, khi biết tuổi đồng nghiệp, mình xưng hô "cháu chào chú", "cháu chào cô". Kết quả, mình bị chửi te tua. Những đồng nghiệp ấy bảo mình chỉ cần xưng hô là anh, chị và xưng em là được", Thảo kể.

Một trường hợp khác, Nguyễn Thành Trí (22 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM) cũng phân vân không biết chào những đồng nghiệp trong công ty như thế nào "cho phải phép" khi mà có người lớn tuổi hơn cả ba, mẹ.

"Có nam đồng nghiệp cùng phòng đã 55 tuổi, một nữ đồng nghiệp đã 49 tuổi. Ba, mẹ mình ở nhà chỉ 40 tuổi. Mình cảm thấy lúng túng và khó khăn khi tìm ra cách xưng hô hợp lý. Gọi là chị, là anh thì hơi ngại. Mà gọi là cô, là chú thì cũng quá kỳ", Trí ta thán.

Những câu chuyện "cảm thấy khó xử" như Trí và Thảo khá phổ biến hiện nay. Khi gen Z đã và đang bước vào thị trường lao động, thậm chí ở nhiều công ty hiện nay, gen Z là lực lượng lao động chủ yếu. Không những vậy, nhiều gen Z hoàn thành chương trình học sớm hơn thời gian quy định nên đã đi làm việc khi chỉ mới 20, 21 tuổi. Không ít gen Z "đứng hình" và bối rối khi không biết dùng đại từ xưng hô như thế nào với đồng nghiệp lớn tuổi hơn mình rất nhiều, thậm chí gấp đôi, gấp ba số tuổi.

"Mình 22 tuổi. Có đồng nghiệp đã 46, 47 tuổi. Nghĩa là gấp đôi số tuổi. Thậm chí, sếp mình đã 57 tuổi. Nếu gọi là anh thì không được, vì ba mẹ, chú cậu, cô dì ở nhà chỉ mới 42, 43 tuổi", Huỳnh Phan Bảo, làm việc ở Công ty TNHH Thiện Ân, H.Hóc Môn, TP.HCM nói.

Cũng theo Bảo, có những lúc Bảo gọi các đồng nghiệp "gấp đôi" tuổi mình là... chú, là... cô và xưng là cháu. Nếu bị "chỉnh", Bảo sẽ gọi thành "anh", thành "chị" và xưng là em.

Gen Z đi làm, gặp đồng nghiệp... bằng tuổi cha mẹ thì nên xưng hô thế nào? - Ảnh 2.

Nhiều gen Z cho biết họ bối rối và lúng túng về cách xưng hô với đồng nghiệp lớn tuổi

PHONG LINH

Nên xưng hô thế nào?

Trước những loay hoay của gen Z đang tìm cách xưng hô với đồng nghiệp lớn tuổi sao cho “thấu tình đạt lý”, anh Lê Hoài Phong, Phó giám đốc Công ty Lotus Holdings, Q.12, TP.HCM cho rằng không nên xưng hô một cách tùy hứng ở môi trường làm việc, có lúc xưng hô "cháu - chú", có lúc lại xưng hô "em - anh".

"Theo tôi, cách xưng hô chuẩn mực nhất, mà hiện tại cũng là cách giao tiếp ở công ty tôi, đó là gen Z có thể gọi người lớn hơn bằng anh, chị. Đừng quá quan trọng lớn hơn bao nhiêu tuổi, lớn hơn cả cha mẹ ở nhà. Không nên áp lối xưng hô theo văn hóa gia đình vào môi trường công sở. Một bạn 21, 22 tuổi có thể gọi đồng nghiệp 47, 48 tuổi là anh, là chị. Gọi như vậy, sẽ giúp những đồng nghiệp lớn tuổi hơn dường như được... trẻ trung hơn. Cớ gì phải gọi bằng chú, bằng cô, nghe rất già", anh Phong nói.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Minh Nguyệt, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng nhìn nhận hiện nay không ít gen Z khi đi làm lấn cấn việc xưng hô với đồng nghiệp lớn tuổi bằng cha, mẹ. Họ không biết sử dụng đại từ xưng hô nào là phù hợp để có thể khiến đồng nghiệp hài lòng. 

"Không thể xưng hô theo kiểu tùy vào mức độ thân thiết và tùy ý. Thay vào đó, cần có sự tinh tế và nhạy cảm trong môi trường công sở. Gen Z có thể xưng hô là "tôi" để tạo sự bình đẳng trong công việc. Cũng có thể xưng là em. Nghĩa là tôi - anh, tôi - chị, em - anh, em - chị. Khi gọi đồng nghiệp cấp trên, có thể gọi với công thức là "chức vụ" kèm "tên". Chẳng hạn gọi "giám đốc Phước", "trưởng phòng Tuấn", "phó phòng Duyên"... Không nên gọi đồng nghiệp là chú, cô, bác... chỉ vì thấy họ lớn tuổi hơn mình quá nhiều", chị Nguyệt nói thêm. 


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.