Du lịch Đồ Sơn tụt hậu, vì đâu nên nỗi?

13/05/2023 08:09 GMT+7

Dù được đánh giá là phong cảnh đẹp, bán đảo Đồ Sơn lại chưa tỏa sáng do bị kìm hãm và bủa vây bởi sự 'cát cứ' của nhiều công trình mang tên 'nhà nghỉ, nhà điều dưỡng của các bộ, ngành T.Ư'.

Sở hữu phong cảnh hữu tình; khí hậu luôn mát mẻ; nhiều địa điểm, di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng nổi tiếng; có hạ tầng giao thông đồng bộ, Đồ Sơn lẽ ra phải là một khu du lịch đẳng cấp. Nhưng thực tế, từ hàng chục năm nay, điểm đến này dần bị mai một trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Đến chỉ ăn một bữa rồi… về

Ông T.V.Trung (du khách đến từ Hà Nội) cho biết đợt nghỉ lễ 30.4 và 1.5 gia đình ông tính đi Cát Bà để nghỉ mát, nhưng do sợ bị tắc đường và chờ phà lâu nên đổi hướng đi Đồ Sơn. Tuy nhiên, do lựa mãi không được phòng ốc ưng ý, trong khi đó khách sạn 5 sao tại Khu du lịch Đồi Rồng và Hòn Dáu Resort đều đã kín phòng nên mọi người đành đi dạo một vòng, ăn hải sản, ngồi hóng gió biển, sau đó lại… đi về.

Cũng giống ông Trung, nhiều du khách khi đến với Đồ Sơn trong dịp nghỉ lễ vừa qua cũng gặp tình cảnh đến rồi vội vã quay đi vì không tìm được nơi lưu trú ưng ý.

Du lịch Đồ Sơn tụt hậu, vì đâu nên nỗi? - Ảnh 1.

Đồ Sơn với địa thế tuyệt đẹp, phong cảnh hữu tình được vua Bảo Đại chọn làm nơi nghỉ dưỡng

Giang Linh

"Cả một khu du lịch rộng lớn chỉ toàn thấy nhà nghỉ, khách sạn cũ rích, xuống cấp xập xệ; sản phẩm giải trí thì nghèo nàn, dịch vụ thì manh mún và mang cung cách phục vụ từ thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Quá đáng tiếc cho Đồ Sơn!", anh N.Đ.Chinh (du khách đến từ Hà Nội) bày tỏ sự tiếc nuối.

Do thiếu cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, khách sạn đạt chuẩn nên du khách đổ về Đồ Sơn dịp lễ 30.4 và 1.5 vừa qua tuy có tăng 222,2% so với cùng kỳ 2022, nhưng lượng khách lưu trú chỉ đạt trên 40%.

Lý giải về con số tăng trưởng so với cùng kỳ, đại diện lãnh đạo Q.Đồ Sơn cho biết nguyên do năm nay, Đồ Sơn đã đưa vào hoạt động khu khách sạn 5 sao tại Khu du lịch Đồi Rồng nên thu hút được lượng khách cao hơn cùng kỳ năm ngoái.

Việc du khách "phủ kín" những cơ sở khách sạn cao cấp và "quay xe" với những cơ sở lưu trú bình dân, cũ kỹ cho thấy, du khách đến Đồ Sơn sẵn sàng chi tiền lưu lại để thưởng ngoạn cảnh đẹp của nơi này.

"Nhưng dự án khách sạn lưu trú mới đưa vào hoạt động hiện chỉ đang giải quyết nhu cầu và khai thác được một phần rất nhỏ so với tiềm năng to lớn của Đồ Sơn", một lãnh đạo Q.Đồ Sơn cho biết.

Đụng đâu cũng vướng nhà nghỉ của các bộ, ngành T.Ư

Trong 5 năm (từ 2018 - 2022), tổng lượt khách về Đồ Sơn đạt 9.912.000. Trong đó, nếu so sánh số du khách từ năm 2010 trở lại đây thì lượng khách chẳng những không tăng mà còn sụt giảm theo từng năm. Doanh thu đóng góp từ du lịch Đồ Sơn trung bình đạt hơn 1.100 tỉ đồng/năm.

Đại diện lãnh đạo Q.Đồ Sơn thừa nhận, việc phát triển du lịch của địa phương hiện nay còn mang tính mùa vụ, manh mún và khách du lịch chủ yếu đi về trong ngày, hạn chế lưu trú nên hiệu quả kinh tế du lịch còn thấp.

Du lịch Đồ Sơn tụt hậu, vì đâu nên nỗi? - Ảnh 2.

Khu đất thuộc quyền quản lý của Bộ Xây dựng (Khu II) được chia nhỏ cho thuê

Nguyên do là hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng của Đồ Sơn còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ, các cơ sở du lịch nghỉ dưỡng được xây dựng cách đây 25 - 40 năm nên đã lỗi thời, xuống cấp và vẫn còn bao cấp trong tổ chức hoạt động kinh doanh; hệ thống kè biển, đường giao thông… xuống cấp, chậm được đầu tư; thiếu các sản phẩm du lịch mới, chất lượng dịch vụ còn rất hạn chế… Không gian sinh hoạt, vui chơi giải trí cho cộng đồng dân cư và trong khu du lịch còn thiếu.

Theo thống kê của Q.Đồ Sơn, hiện Khu du lịch Đồ Sơn có khoảng 134 cơ sở lưu trú du lịch. Trong số đó, nhiều cơ sở lưu trú thuộc quản lý của các bộ, ngành T.Ư, nằm án ngữ ở các vị trí đắc địa tại Khu I, Khu II và Khu III của Đồ Sơn, như: các khách sạn Lâm Nghiệp, Điện lực, Công đoàn, Bộ Xây dựng, Hóa chất...

Đặc biệt, nhà nghỉ Bộ Xây dựng (Khu I, P.Hải Sơn) với diện tích lên đến 8.555 m2 được Q.Đồ Sơn liệt vào danh sách các bộ, ngành để đất hoang hóa, làm ảnh hưởng mỹ quan Khu du lịch Đồ Sơn.

Một số bộ, ngành đất sử dụng không hết nên đã phân lô, chia nền cho người dân thuê xây dựng các công trình tạm bợ để kinh doanh ăn uống.

Đáng chú ý, một diện tích đất rộng lớn lên đến gần 48 ha của Đồ Sơn đã được giao cho các đơn vị quốc phòng và an ninh quản lý như: Đoàn an điều dưỡng 295, Quân khu 3, Binh đoàn Hương Giang, Bộ Tổng tham mưu, Cục Hậu cần, Trung tâm cung ứng và dịch vụ ngân hàng, Bộ Tư lệnh cảnh vệ - Bộ Công an…

Trong số đó, ít nhất 9.900 m2 đất quốc phòng - an ninh đã được sử dụng làm nhà nghỉ, nhà hàng dịch vụ ăn uống…, nhưng theo đánh giá của UBND Q.Đồ Sơn, các cơ sở kinh doanh trên hiện cũng đã cũ kỹ, không được đầu tư, nâng cấp.

Đại diện lãnh đạo quận này cho biết địa phương nhận thức rõ được hạn chế của du lịch Đồ Sơn và cũng rất trăn trở tìm giải pháp để khắc phục nhằm đưa du lịch Đồ Sơn hồi sinh và tỏa sáng. Tuy nhiên do những vị trí đất vàng để khai thác du lịch hiện đều thuộc quản lý của các bộ, ngành T.Ư nên địa phương hầu như bó tay, không thể xoay xở được.

Việc xoay đâu cũng vướng đất của các bộ, ngành T.Ư, điều đó đồng nghĩa với việc Hải Phòng không thể lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Đồ Sơn. Do đó, khu du lịch này cũng không thể thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, mặc dù trong suốt nhiều năm qua, TP.Hải Phòng đã nỗ lực tìm mọi cách mời gọi các nhà đầu tư.

Nên sớm chấm dứt tình trạng "cát cứ đất vàng" ?

Ông Mai Xuân Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Phòng, khẳng định địa thế Đồ Sơn quá đẹp, nhưng du lịch Đồ Sơn phát triển chưa xứng tầm với vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng, lượng khách du lịch về với nơi này giảm theo năm tháng.

"Nguyên nhân là do Đồ Sơn chưa có quy hoạch, cơ chế chính sách cũng còn nhiều hạn chế, bất cập; các khách sạn, nhà nghỉ thuộc các bộ, ngành xây từ lâu nay xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng của khách du lịch nội địa, chứ đừng nói chi là khách du lịch quốc tế; nhà hàng quán ăn manh mún, vẫn còn tư tưởng làm một mùa ăn 3 mùa, giá cả dịch vụ ăn uống thì nhìn khách để mà… tăng và tăng cao vào các ngày thứ bảy, chủ nhật", ông Thắng phân tích.

Do đó, để du lịch Đồ Sơn lấy lại vị trí của mình, ông Thắng cho rằng Chính phủ và TP.Hải Phòng cần sớm có quyết sách để quy hoạch lại Đồ Sơn.

"Không thể để tình trạng "cát cứ đất vàng" rồi để đó; đơn vị nào không có tiềm lực, không có khả năng đầu tư, hoạt động dịch vụ kém hiệu quả nên giao lại phần đất đó cho nhà nước để nhà nước bàn giao lại cho TP.Hải Phòng quy hoạch", ông Thắng chia sẻ.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng, cho biết du lịch Đồ Sơn bị tụt hậu, không phát triển được không phải là do nước biển đục mà là do các vị trí đắc địa tại khu I, II và III đều do các bộ, ngành T.Ư án ngữ, quản lý. Từ nhiều năm nay, các cơ sở dịch vụ lưu trú của các đơn vị trên đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng của du khách.

"Trước thực trạng trên, TP.Hải Phòng cũng đã không ít lần đề nghị các bộ, ngành nếu không đầu tư nâng cấp thì nên xem xét bàn giao lại cho TP để TP quy hoạch, phát triển du lịch", ông Nam cho biết.

Tuy nhiên, theo một lãnh đạo Q.Đồ Sơn, dù Hải Phòng nhiều lần kiến nghị nhưng cho đến giờ mọi việc vẫn chưa có hướng giải quyết và du lịch Đồ Sơn lại vẫn phải mòn mỏi chờ ngày được tháo gỡ những rào cản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.