Dự án 8 lần gia hạn nhưng vẫn dở dang

Mạnh Cường
Mạnh Cường
23/12/2023 07:01 GMT+7

Dự án đường nối từ cầu Bình Dương đến đường bộ ven biển Võ Chí Công ở tỉnh Quảng Nam dù đã được gia hạn tiến độ đầu tư tới 8 lần trong vòng 7 năm nhưng đoạn cuối tuyến vẫn dang dở do vướng mặt bằng, khiến cuộc sống nhiều hộ dân nằm trong vùng quy hoạch gặp nhiều khó khăn.

KHÔNG GIẢI PHÓNG NỔI 320 M ĐƯỜNG

Dự án (DA) đường trục chính nối từ cầu Bình Dương (xã Bình Dương, H.Thăng Bình, Quảng Nam) đến đường bộ ven biển Võ Chí Công (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư gần 79 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Giai đoạn này được chia làm 2 đoạn. Đoạn 1 từ Km 0+00 tại mố cầu phía đông cầu Bình Dương (điểm chợ Lạc Câu) đến đường bộ ven biển Võ Chí Công (dài 2,65 km) đã hoàn thiện đưa vào sử dụng. Đoạn bổ sung dài 1,7 km (điểm đầu tại đường 129 đến Km 4+350) còn khoảng 320 m cuối tuyến chưa thể thi công do vướng mặt bằng nhiều hộ dân.

Dự án 8 lần gia hạn nhưng vẫn dở dang- Ảnh 1.

Đoạn cuối tuyến của dự án còn dang dở do vướng mặt bằng

MẠNH CƯỜNG

DA này có 2 chủ đầu tư: Ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế mở Chu Lai (cũ) triển khai, quản lý từ tháng 2.2016 - 6.2019 và BQL DA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam tiếp nhận làm chủ đầu tư kể từ ngày 13.6.2019 đến nay. Tuy nhiên, dù đã trải qua 7 năm với 8 lần gia hạn tiến độ đầu tư nhưng đến nay đoạn đường cuối tuyến vẫn chưa thể hoàn tất bồi thường, giải phóng mặt bằng, khiến DA kéo dài.

Ông Nguyễn Thanh Hai (66 tuổi, ở thôn Duy Hòa, xã Bình Dương) cho biết khi DA triển khai, khoảng 600 m2 đất thổ cư của gia đình đã được thu hồi phục vụ DA. Tuy nhiên, sau khi đo đạc, kiểm kê tài sản thì suốt 7 năm qua, gia đình ông chưa nhận được phản hồi của các đơn vị liên quan. Do nằm trong vùng quy hoạch DA nên nhà cửa xuống cấp không thể xây mới, đất đai cũng không thể tách thửa để phân chia cho các con.

"Cứ mùa mưa bão đến là bất an vì lo nhà sẽ đổ sập bất cứ lúc nào. Nhiều hộ dân nằm trong vùng quy hoạch giờ đi không được, ở cũng không xong. Nếu DA không thể triển khai thì nên kết thúc để người dân còn sửa chữa lại nhà, tách thửa đất cho con cái ra ở riêng", ông Hai nói.

Ông Lê Thanh Minh (45 tuổi, ở thôn Duy Hòa) cho hay DA cũng thu hồi của gia đình ông 1.900 m2 đất thổ cư, nhưng từ lúc đo đạc đến nay chưa thấy địa phương thực hiện áp giá bồi thường, bố trí tái định cư.

"Căn nhà này cha mẹ tôi xây cách đây hơn 30 năm nên giờ đã xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc ra từng mảng lớn, có thể sập bất cứ lúc nào. Nhiều lần chúng tôi lên xã xin sửa chữa lại nhưng không được chấp thuận. Việc DA dang dở kéo dài nhiều năm như vậy khiến cuộc sống của nhiều hộ dân trong vùng DA gặp rất nhiều khó khăn", ông Minh buồn bã nói.

CHẤM DỨT DỰ ÁN

Đại diện BQL DA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam cho hay nguyên nhân khiến DA dừng thời gian dài là vì không có được mặt bằng đoạn cuối tuyến để nhà thầu thi công. Chính quyền địa phương đã cam kết nhiều lần bàn giao mặt bằng, nhưng nhiều năm không thực hiện được.

Một lãnh đạo UBND H.Thăng Bình cho biết hiện địa phương đang tập trung giải phóng mặt bằng, bố trí đất tái định cư cho các hộ dân, đồng thời đang tính toán lại giá cả bồi thường để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Tuy nhiên, hiện tại nguồn lực địa phương hạn chế, sẽ gặp nhiều khó khăn để hoàn tất toàn bộ DA như yêu cầu của UBND tỉnh.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương dừng thực hiện, kết thúc DA đường trục chính nối từ cầu Bình Dương đến đường bộ ven biển Võ Chí Công (giai đoạn 1 - đoạn bổ sung). Nguyên nhân chấm dứt là do DA đã được UBND tỉnh gia hạn tiến độ 8 lần, nhưng vẫn chưa hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng 320 m cuối tuyến. Hiện chủ đầu tư bàn giao hiện trường và các hồ sơ, tài liệu liên quan lại cho UBND H.Thăng Bình tiếp nhận để bổ sung, hoàn chỉnh thủ tục và bố trí nguồn ngân sách huyện tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ DA.

Chậm bố trí tái định cư

Điều đáng nói, tháng 5.2021, UBND tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương cho phép UBND H.Thăng Bình lập hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng Khu tái định cư tại xã Bình Dương có quy mô khoảng 1,5 ha để bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng của DA. Tuy nhiên, đến nay việc thực hiện chậm nên vẫn "giậm chân tại chỗ".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.