Đội tuyển Việt Nam sắp đối diện 'bàn cờ' khó lường ở Đông Nam Á

29/11/2023 05:46 GMT+7

Bóng đá Đông Nam Á sắp chứng kiến biến động lớn khi những đội tuyển mạnh như Thái Lan, Indonesia đều rục rịch thay đổi nhân sự.

TỪ NHỮNG BẢN HỢP ĐỒNG KỲ LẠ

Sau trận thắng 3-1 của Thái Lan trước Singapore ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026, HLV Alexandre Polking đã bật khóc. Ông Polking biết đó là trận cuối cùng của mình trên cương vị huấn luyện đội tuyển có biệt danh "Voi chiến". Thực ra từ trước đó, khi Thái Lan sẩy chân ở King's Cup, tin đồn chiếc ghế ông lung lay đã dấy lên.

Đội tuyển VN sắp đối diện 'bàn cờ' khó lường ở Đông Nam Á  - Ảnh 1.

Ông Masatada Ishii dẫn dắt đội tuyển Thái Lan thay HLV Polking

BURIRAM UNITED

Thay thế ông Polking là HLV Masatada Ishii, người trước đó được trưởng đoàn Nualphan Lamsam (hay còn gọi là Madam Pang) bổ nhiệm vào ghế giám đốc kỹ thuật, như phương án dự phòng sau khi ông Polking mất việc. Tuy nhiên, hợp đồng của chuyên gia Nhật Bản với đội tuyển Thái Lan chỉ kéo dài 3 tháng. Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) Somyot Poompanmoung lý giải, ban đầu Madam Pang đề nghị ký hợp đồng 3 năm với ông Ishii, nhưng ông Somyot chỉ đồng ý với bản hợp đồng 3 tháng, tương đương khoảng thời gian còn lại của ông trên cương vị Chủ tịch FAT. Theo ông Somyot, ông không muốn quyết định của mình sẽ ảnh hưởng tới nhiệm kỳ của lãnh đạo FAT tiếp theo (mà chính bà Pang là ứng viên sáng giá).

HLV Masatada Ishii không phải người đầu tiên đặt bút ký vào bản hợp đồng ngắn ngủi kỳ lạ như vậy. HLV Shin Tae-yong cũng gia hạn hợp đồng với Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI), nhưng thỏa thuận đôi bên chỉ kéo dài thêm 6 tháng, kéo dài từ tháng 12.2023 - 6.2024. PSSI muốn HLV Shin Tae-yong dẫn dắt đội tuyển Indonesia trọn vẹn 6 trận ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026, Asian Cup 2023. Ngoài ra, ông sẽ cùng U.23 Indonesia dự VCK U.23 châu Á 2024.

SỨC ÉP KHỦNG KHIẾP

HLV Polking bị sa thải, dù trong 2 năm cầm quyền ngắn ngủi, ông giúp Thái Lan 2 lần vô địch AFF Cup. Thành tích của Thái Lan trong năm 2023 không ấn tượng khi "Voi chiến" thua Iraq ở King's Cup, hay thảm bại 0-8 trước Georgia. Tuy nhiên, đây đều là giao hữu. Ở vòng loại thứ 2 World Cup, Thái Lan thua Trung Quốc trong trận đấu mà học trò HLV Polking chơi nhỉnh hơn, sau đó giành 3 điểm trước Singapore để giữ nguyên ưu thế đua tranh. Cơ hội vào vòng loại thứ 3 chưa hẳn đóng lại.

Dù vậy, quyết định chia tay ông Polking đưa ra giống một thông điệp ngầm, rằng với bóng đá Thái Lan, AFF Cup là chưa đủ. Đội tuyển Thái Lan từng thống trị Đông Nam Á dưới thời HLV Kiatisak Senamuang, sau đó muốn vươn ra "biển lớn" châu Á. FAT đã chấm dứt mối lương duyên với ông Kiatisak để thuê những HLV đẳng cấp cao hơn như Milovan Rajevac (cựu HLV Ghana ở World Cup 2010) hay Akira Nishino (cựu HLV Nhật Bản ở World Cup 2018), nhưng đều thất bại. Thái Lan phải hạ tiêu chuẩn, trở về với một HLV không quá tên tuổi nhưng hiểu bóng đá Đông Nam Á như ông Polking. Nhưng sau khi tái lập thành công thời HLV Kiatisak, một lần nữa "Voi chiến" nâng tiêu chuẩn và HLV Polking phải ra đi.

HLV Troussier và các cộng sự ở đội tuyển VN

Tương tự, dù HLV Shin Tae-yong có 4 năm huấn luyện không tệ cùng đội tuyển Indonesia, nhưng hai trận đấu không tốt ở vòng loại World Cup (thua Iraq, hòa Philippines) đã khiến ghế ông Shin lung lay. Nếu tiếp tục thất bại trước VN ở vòng loại World Cup và cả Asian Cup, HLV người Hàn Quốc khó tránh kết cục bị sa thải, dù hợp đồng của ông cũng chỉ còn vài tháng.

Bóng đá Đông Nam Á đang bước vào giai đoạn biến động khó lường. Đội tuyển VN và Thái Lan đã thay HLV, Indonesia có khả năng đổi "thuyền trưởng", còn Malaysia trở lại với chính sách nhập tịch. Việc sân chơi World Cup mở rộng lên 48 đội, giúp châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng thêm cơ hội dự VCK đã khiến những nền bóng đá hàng đầu không thể ngồi yên. Việc phải hành động để nâng cấp chất lượng, thoát khỏi "vùng trũng" là lựa chọn mà Thái Lan hay Indonesia đang gấp rút làm, dù bằng kế hoạch ngắn hay dài hạn. Ngay cả Philippines, Singapore cũng rục rịch thay đổi HLV trưởng và kết cấu đội tuyển.

Sau những biến động liên tục từ nay đến giữa năm sau, những đội tuyển hàng đầu Đông Nam Á sẽ mạnh lên hay yếu đi? Khó nói trước. Nên nhớ cả ở vòng loại World Cup, Asian Cup và hiển nhiên là AFF Cup năm sau, đội tuyển VN phải va chạm liên tục với những đội tuyển "láng giềng". Trên "bàn cờ" bóng đá khu vực với những nước đi khó đoán, các học trò ông Troussier phải trong tâm thế sẵn sàng cạnh tranh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.