Đi 'săn' lộc trời: Nửa đêm rươi 'mọc'

26/11/2017 13:32 GMT+7

Tiếng người gọi nhau í ới, ánh đèn pin lập lòe khắp cánh đồng. Giữa đêm tối như bưng, hàng trăm con người lội bì bõm dưới những thửa ruộng nước đã ngập đến bẹn để đi vớt lộc trời: mùa rươi .

[VIDEO] Theo chân những người vớt rươi: Nửa đêm đi vớt “lộc trời“
“Muốn coi rươi mọc thì 1 giờ sáng có mặt nhé! Đêm nay khả năng rươi lên nhiều”, một người dân ở xã Hưng Nhân (H.Hưng Nguyên, Nghệ An) hẹn tôi.
Đến hẹn lại lên
0 giờ 30 ngày đầu tiên của tháng mười âm lịch. Trời tối như bưng, gió heo heo lạnh. Khi tôi đến, trên con đường dẫn ra cánh đồng nằm ven sông Lam ở xã Hưng Nhân, người đi vớt rươi đã bắt đầu đông như đi hội. Từ trong các ngõ xóm, người dân hối hả chở theo lưới, vợt, xô chậu chạy xe ra đồng vớt rươi.
Cánh đồng rộng chừng 30 ha nằm ven sông Lam, nơi nước lợ theo thủy triều dâng lên ngập sâu những ruộng lúa đã thu hoạch, chỉ còn trơ lại bùn đất là nơi rươi đến hẹn lại lên. Người dân ở đây may mắn sở hữu được những thửa ruộng quý này vì đây là một trong những nơi rất ít ỏi ở nước ta, ruộng có rươi.
Ngay cả các xã lân cận, dù được sở hữu một số ruộng rươi nhưng cũng phải phát thèm vì số lượng rươi không nhiều bằng.
Rươi là loài động vật họ giun có nhiều tơ. Mỗi năm rươi từ trong lòng đất chỉ chui lên trong khoảng thời gian từ tháng chín đến tháng mười một âm lịch, mỗi tháng rươi chỉ “mọc” lên 2 đợt đầu và giữa tháng, mỗi đợt chỉ vài ba ngày. Người dân gọi rươi là “lộc” của trời vì từ trong bùn đất, nó bất ngờ chui ra và mang về cho chủ ruộng hàng chục triệu đồng mỗi mùa.
Lội bì bõm dưới ruộng khi thủy triều vừa lên đến đầu gối, mất chừng nửa tiếng đồng hồ, ông Võ Văn Khanh mới giăng xong lưới bủa quanh khu ruộng gần 1 sào của gia đình. Xong lưới, ông Khanh lên bờ ngồi đợi. Sát bên thửa ruộng nhà ông Khanh, những người hàng xóm của ông cũng đang bì bõm giăng lưới, be bờ để chờ thành quả đêm nay. Trên đồng, ánh đèn pin như sao sa.
“Chừng nào thì rươi lên hả bác?”, tôi hỏi. Ông Khanh rọi đèn pin xuống vạt ruộng, nhìn con nước rồi đáp: “Nước này phải đợi một vài tiếng nữa”.

tin liên quan

Tháng mười ăn rươi
Bao giờ cho đến tháng mười/ Bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy. Câu ca dao nhắc người ta tìm ăn chả rươi - món ăn đã thành “thông lệ, đến mùa mà không được ăn thì như là một người đàn bà đẹp đã để phí mất tuổi hoa, sau này sẽ nặng một niềm tiếc nhớ” (Tùy bút Vũ Bằng)...
Canh rươi “mọc”
Ông Khanh theo cha mẹ đi vớt rươi khi còn là cậu bé 7 tuổi. “Hồi đó, ai có sức vớt được bao nhiêu thì vớt, không chia ruộng và giăng lưới như bây giờ”, người đàn ông gần 60 tuổi kể.
Thời ấy, rươi còn rẻ, ở vùng này, ngoài chế biến các món ăn ngay, nhà nào cũng có hũ mắm rươi to đùng để ăn dần. Khoảng 15 năm trở lại đây, rươi bắt đầu được ưa chuộng và bán được giá, nên sau đó ruộng nhà nào nhà đó vớt. Trước giờ rươi “mọc”, chủ ruộng dùng lưới mắt dày đóng cọc, giăng quanh bờ để rươi không bơi sang ruộng nhà khác.
“Rươi sinh trưởng theo trăng, theo sự lên xuống của thủy triều dâng ngược sông Lam tràn lên đồng. Mùa rươi “mọc”, thực ra là mùa rươi lên để giao phối. Theo quy luật, cứ khoảng nửa đêm về sáng là “mọc” rộ lên. Mỗi năm, từ mùng 5, 15, 25 tháng chín âm lịch, rồi dần lên vào các mùng 1, 5, 15, 25 tháng mười. Tháng mười một “mọc” nhiều nhất và đến tháng chạp thì hết”.
Nhưng theo ông Khanh, loài rươi cũng rất đỏng đảnh. "Nhiều khi chờ mãi không thấy, chán quá người canh rươi bỏ về nhà. Vừa về đến nhà, nghe hàng xóm í ới gọi “rươi mọc rồi”, lại lật đật mang xô chậu chạy ra. Có đêm, mưa rét căm căm, người người ngồi đội mưa bên bờ ruộng chờ. Đợi mãi không thấy rươi lên, có người chán quá bỏ về ngủ. Sáng mai dậy nghe hàng xóm nói khi mình vừa về thì rươi lên rộ, có người vớt được cả mấy ký lô, kiếm được vài triệu đồng. Tiếc đứt ruột!", ông Khanh kể.
3 giờ sáng. Rươi vẫn chưa “mọc”. Cánh đồng rươi vẫn nhộn nhịp. Tiếng cười nói, gọi nhau í ới râm ran. Cách ruộng ông Khanh vài thửa là con mương thuộc quyền quản lý của anh Cao Văn Lý. Nhà anh không có ruộng ở cánh đồng rươi mọc, anh phải thầu khoán một đoạn của con mương dẫn nước này của xã. Đoạn mương này rộng chừng 5 - 6 m, dài chừng hơn trăm mét, mỗi mùa rươi, anh phải đóng cho xã 2 triệu đồng để được quyền vớt rươi.
Lúc 3 rưỡi sáng, ông Khanh cầm đèn pin rọi xuống ruộng kiểm tra. “Bọt này nổi là rươi sắp lên rồi, chuẩn bị mà coi”, ông Khanh nói với tôi. Chừng
5 phút sau, dưới ánh đèn pin của ông Khanh, những con rươi nhỏ hơn cái đầu đũa phóng loạn xạ như tên lửa trong dòng nước đục lờ nhờ. “Rươi lên rồi!”, một người đàn ông ở thửa ruộng phía bên kia cũng phấn khởi thốt lên. Ông Khanh lật đật lội qua góc ruộng bên kia, nơi sát mương nước sửa lại cái đáy bằng lưới chờ rươi theo dòng nước chảy chui vào để thu hoạch. Ít phút, ông Khanh lại mở đáy lưới đổ từng mớ rươi vào chậu. Trong ruộng, rươi chui lên mỗi lúc một nhiều. Cái đáy lưới ở góc ruộng ông Khanh càng nhanh nhiều rươi hơn.
Gần bên, ông Võ Văn Nga cũng phấn khởi chèo thuyền qua lại trên đoạn mương nước do ông thầu để thu rươi. Ông Nga có 2 đám ruộng và một đoạn mương thầu khoán của xã. Thửa ruộng gần phía làng, con trai ông Nga đứng canh rươi. Chừng 15 phút, ông Nga lại chèo thuyền lại cho con trai vớt đáy lưới lên, đổ rươi vào cái chậu to để trên thuyền. “Đầy chậu thì được cỡ yến rưỡi (15 kg)”, ông Nga nói.
Tôi băng qua cánh đồng phía bên kia làng, nơi được coi là “mỏ rươi” của xã để xem bên đó thế nào. Ánh đèn pin của người canh rươi mờ trong sương đêm lấp lóa như sao trời. 4 giờ sáng, bà Võ Thị Nhân buồn bã xách cái xô không quay về. Bà nói: “Đêm ni nước lên thấp, ruộng ở đây cao hơn nên nó chưa “mọc”, phải chờ đêm mai nước cao hơn, nó mới lên”.
Một ký rươi bằng trăm ký lúa
Ở mạn hạ du sông Lam, nơi có ruộng rươi, người dân nào cũng thuộc câu ca: “Bao giờ cho đến tháng mười, bát cơm thì trắng, bát rươi thì đầy”. Khoảng chục năm trở lại đây, rươi bán được với giá rất cao. Rươi sau khi vớt về, sáng sớm, thương lái khắp nơi chạy xe đến tận nhà thu mua với giá từ 400.000 - 450.000 đồng/kg. Rươi vào các nhà hàng sang trọng và chễm chệ với các món ăn ngon và giàu chất đạm: chả rươi, rươi hấp, rươi đúc trứng, rươi xào măng, mắm rươi...
Mỗi sào ruộng (500 m2) có rươi, ở vùng này, mỗi đêm rươi lên, nhà ít cũng thu được 5 - 6 kg rươi, có những đêm trời cho, mỗi sào ruộng có khi thu về 30 - 40 kg rươi, thậm chí may mắn hơn, có khi còn được cả tạ rươi, bán được hàng chục triệu đồng. “Tháng trước, bên xã Hưng Châu, có nhà thu được hơn 1 tạ rươi trong một đêm, được 50 triệu đồng. Ở đây, thỉnh thoảng vẫn có nhà được lộc nhiều như thế”, một người dân ở Hưng Nhân kể.
Rươi ra chợ

Hưng Nhân nằm ngoài đê sông Lam. Những thửa ruộng nằm ven sông Lam trồng lúa là phụ, rươi mới là thu nhập chính. Bởi 1 tạ lúa giá chỉ bằng 1,5 kg rươi. Một đêm đẹp trời, rươi lên nhiều, 1 sào ruộng cũng cho thu về bằng 1 tấn lúa. Thế nhưng, rươi không phải là loài dễ tính. Thửa ruộng nào hễ phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ cho lúa thì năm đó, rươi biến mất, không “mọc”.
Vì thế, người dân ở đây không ai dám đụng đến thuốc bảo vệ thực vật. “Năm nào lũ nhiều, không hạn hán, đất đai nhiều phù sa, màu mỡ thì được mùa rươi và ngược lại”, ông Võ Văn Nga nói.
5 giờ rưỡi. Phía chân trời đằng đông bắt đầu hửng sáng. Nước đã rút khỏi cánh đồng, mặt ruộng trơ lại những mảng bùn màu sẫm. Những người đi vớt lộc trời lục tục sửa soạn kéo nhau về. Trên tay họ, những cái xô, chậu nặng trĩu rươi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.