'Lẩu bò nghĩa địa', người Sài Gòn lạnh sống lưng ngồi ăn xì xụp

23/11/2017 12:28 GMT+7

Người Sài Gòn có sở thích cũng như cách thưởng thức ẩm thực rất độc đáo và thú vị… Từ việc ngồi bên bãi rác ăn cơm tấm, ghé nhà xác mua xôi… cho đến việc ra nghĩa địa chỉ để xì xụp món lẩu.

Có rất nhiều lý do để người ta tìm đến với Sài Gòn. Để mưu sinh, để tìm kiếm một cơ hội đổi đời, người ta mơ về cuộc sống hào nhoáng nơi thành thị… hay đôi khi cũng chỉ vì nặng tình, nặng nợ, nặng lòng với Sài Gòn.
Tôi làm bạn với Sài Gòn vừa tròn 5 năm, khoảng thời gian không quá dài để tôi hiểu hết về nơi này, nhưng cũng chẳng hề ngắn để tôi yêu Sài Gòn như yêu mảnh đất nơi tôi sinh ra. Văn hóa và con người ở đây trần trụi mà bí ẩn, thân thương nhưng cũng biến đổi không ngừng.
[VIDEO] Ngồi ăn lẩu bò giữa những nấm mồ
Như kiểu hôm qua người ta vừa sang chảnh ngồi ăn trong nhà hàng máy lạnh, đến hôm sau lại có thể hào hứng mặc quần đùi, áo thun ra ăn hàng quán vỉa hè. Hay rùng rợn hơn là hôm nay, tôi cùng với vài người bạn Sài Gòn đang ngồi ăn lẩu bò ngay giữa… nghĩa địa.
Quán mở bán từ 2 giờ chiều đến 10 giờ tối mỗi ngày Ảnh: Lưu Trân
“Thiệt ra là quán “Lẩu bò bình dân”, mà người ta không biết tên này, ai cũng kêu “lẩu nghĩa địa” bởi xung quanh toàn mồ mả không thôi. Nguyên xóm là bà con, anh chị em bạn dì với nhau hết. Mấy ngôi mộ cũng là của người thân trong gia đình, thay vì cất nhà thì họ xây mộ để tiện bề trông coi luôn”, thằng Chính (đứa “nhiều chuyện” nhất nhóm tôi) lý giải.
“Đây đều là mộ phần của người thân thích trong nhà hết, sống đâu thì chết cũng ở đó để gần con gần cháu”, chủ quán nói về nguồn gốc những ngôi mộ Ảnh: Lê Nam
Chúng tôi ghé "lẩu nghĩa địa" lúc trời chạng vạng. Con đường dẫn vào quán khá tối và âm u bởi hai bên có rất nhiều ngôi mộ xây theo kiểu cổ
Ngay trên khoảng sân trống của căn nhà ba gian cũ kỹ, lọt thỏm trong con hẻm 498 Nguyễn Thị Định (phường An Phú, quận 2) là vài bộ bàn ghế inox được xếp… không theo một trật tự nào cả. Ánh sáng yếu ớt từ tuýp đèn dài trên trần nhà vô tình phát huy tác dụng làm “lạnh sống lưng” thực khách.
Khách ăn ở đây đa phần là người dân lao động như công nhân, phụ hồ và học sinh, sinh viên Ảnh: Lưu Trân
Quán lúc này khá đông khách, đa số mọi người đều mua đem về. Những ai ngồi ăn tại quán đều không hẹn mà cùng thực hiện đúng chuẩn “ăn nhẹ, nói khẽ, cười duyên”, cần gọi thêm món thì chỉ việc giơ tay lên là có người đến ngay.
“Ăn ở đây riết tự nhiên nó quen kiểu im ắng như vậy. Chắc một phần vì quán bán trong nhà nên tụi mình cũng ngại làm ồn đến người già, phần nữa là ở đây có nhiều mộ, cả đám ăn uống mà la hét hay đùa giỡn quá trớn thì cũng… không ổn”, bạn Thùy Trang (sinh viên ĐH Hoa Sen) nói bằng mức âm lượng chỉ vừa đủ nghe.
Rau xanh gồm có mồng tơi, cải đắng. Thực khách có thể ăn lẩu với mì trứng, mì gói hoặc bánh phở Ảnh: Lưu Trân
“Nước lẩu được hầm với xương ống bò từ trong vòng 11 tiếng đồng hồ, các thành phần khác của con bò để ăn kèm trong lẩu sẽ được phân loại rồi bỏ vào nồi theo thứ tự. Cái nào dai, cứng thì bỏ vào trước, mềm như sườn bò, khoai môn thì từ từ đến gần cuối mới bỏ vào. Còn thịt thì lúc nào khách ăn sẽ tự bỏ vào”, bà Hoa (55 tuổi, chủ quán) cho biết.
Chao ăn kèm với lẩu có vị khá ngọt, nếu người nào ăn không quen thì nên gọi riêng một chén mắm ớt để chấm Ảnh: Lưu Trân
Một phần “lẩu nghĩa địa” có giá tương đối rẻ so với mặt bằng chung hiện nay. Chỉ với 120.000 đồng, thực khách có thể thưởng thức nồi lẩu nóng hổi, có khá nhiều thức ăn kèm như: thịt bò, gân bò, lá sách, lòng bò, thịt thăn, tàu hũ, khoai môn… cùng một rổ rau xanh, ba vắt mì trứng.
“Khách ghé quán chủ yếu là dân lao động, học sinh, sinh viên. Mình bán giá vừa phải cho người ta dễ ăn, bán mắc quá tiền đâu họ trả, mà khách không ăn nữa thì mình bán cho ai”, bà Hoa bộc bạch.
Nồi lẩu được nấu trên bếp than nên khá lâu sôi, riêng những ngày trời mưa lạnh thì “không bao giờ sôi” Ảnh: Lưu Trân
Một điểm thú vị nữa là chủ quán không dùng bếp gas mini để nấu lẩu mà dùng bếp than, cả nồi đựng nước lẩu cũng không phải loại nồi inox thông thường mà là nồi nhôm đáy dày, không có nắp đậy
Chị Hồng Cẩn (27 tuổi, con gái chủ quán) cho biết: “Nấu trên bếp than thì nước lẩu lâu sôi hơn bếp gas, nhưng hương vị khi ăn sẽ ngon hơn nhiều. Nồi nhôm giữ nhiệt tốt, ăn lẩu bò phải để nước sôi lâu, từ từ làm chín từng miếng thịt, gân, lưỡi bò… mới đúng bài”.
Khi tôi hỏi việc cái tên “lẩu nghĩa địa” khá rùng rợn có làm ảnh hưởng tới lượng khách ghé quán không, chị Cẩn vui vẻ nói: “Thật ra chính nhờ cái tên này mà quán mới thu hút thêm nhiều khách hơn. Mấy bạn sinh viên tới đây còn nói vui là cảm giác ngồi ăn lẩu ở đây dù ớn lạnh thiệt, nhưng mà cũng thú vị, kiểu thử thách bản lĩnh”.
Một nồi lẩu to, tầm 2 - 3 người ăn có mức giá 120.000 đồng
Song, những thực khách lựa chọn “lẩu nghĩa địa” để lấp đầy cái bụng đói thì cho rằng, ngoài yếu tố “liêu trai” thì chính hương vị thơm ngon, đậm đà của nồi lẩu mới là điều quan trọng níu chân họ suốt mười mấy năm qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.