Dân chơi giữa đại ngàn: Nghèo khó trong căn nhà tiền tỉ

21/07/2016 14:01 GMT+7

Hết tiền, nhiều người dân thôn 2 (xã Tà Pơơ, H.Nam Giang, Quảng Nam) lại lâm vào cảnh nghèo khó.

Hết tiền, lại lên rẫy
Giữa tháng 4, nắng như đổ lửa. Những căn nhà gỗ bóng loáng nước sơn đóng cửa kín mít. Chúng tôi tạt vào một ngôi nhà 2 tầng nằm ngay giữa làng để hỏi đường. Thấy khách nhưng người đàn ông đang loay hoay sửa anten ti vi không buồn ngước mặt lên. Trái với sự thân thiện, hiếu khách như ở nhiều bản làng Cơ Tu khác mà chúng tôi từng ghé qua, ở thôn 2 này, người dân sống khá khép kín và thường tỏ thái độ dò xét với người lạ.
Đặc biệt, là khoảng 2 năm trở lại đây, khi nhiều nhà đã hết sạch tiền vì tiêu xài phung phí. Họ không còn chơi thoáng như trước đây khi cho bà con hàng trăm triệu đồng để làm nhà, mua xe hay đãi khách những bữa bia say ngất. “Nhiều người đã nhận ra tiền không phải là vô tận. Và hết tiền cũng có nghĩa là tái nghèo. Nhưng mọi chuyện đã quá muộn màng”, Lành, chàng rể người Kinh duy nhất của làng lý giải sự lạnh nhạt của người dân nơi đây rằng họ không muốn bị soi mói những sai lầm ngày xưa của mình.

tin liên quan

Cao thủ võ khèn cuối cùng trên cao nguyên trắng
Võ khèn là một môn võ cổ truyền của đồng bào H’Mông, nhưng theo thời gian, người theo học một ít đi... Hiện ở vùng đất của huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) chỉ còn một cao thủ. 
Tiệm tạp hóa của vợ chồng Lành nằm ở cuối thôn tụ tập khá đông đàn ông ngồi nhâm nhi rượu trắng với mồi là một con rắn rừng bắt được. Hỏi Lành việc bán buôn thế nào, anh chỉ lắc đầu: Nợ nhiều quá. Thời hoàng kim đã đi qua, giờ trong làng không còn ai giữ được tiền đền bù. Những vị khách ngồi ở quán Lành là đàn ông bị bệnh hoặc không đủ sức đi rẫy.
Còn hầu hết thanh niên trai tráng đều quay trở lại những thửa ruộng cạn - nơi mà họ đã bỏ quên trong vài năm qua vì say “men tiền”. Người phụ nữ ngồi bế cháu nói chen một cách hồn nhiên: “Chồng lên rẫy từ sáng sớm. Nhà hết tiền rồi, chứ không thì lên rẫy làm gì”. Trưởng thôn 2 Bh’ling Chớp thở dài, bảo nhiều nhà giờ đã cạn tiền. Những nhà như: Zơrâm Avố, Bh’nướch Ahơi, Alăng Pía... đã nhẵn túi.
Ông Chớp kể, hồi mới nhận được tiền đền bù, do mải miết... tiêu tiền nên hầu hết các hộ trong làng không ai lo làm ăn. Nhà có ý tưởng làm kinh tế thì giỏi lắm chỉ thả vài con heo, con bò... vì không ai rảnh để mà chăm. Thậm chí, nhiều nhà còn thuê cả người dưới xuôi lên phát rẫy nhưng cũng được vài bữa. Ông Chớp cho biết, sau khi tái định cư, mỗi hộ dân trong làng nhận được 1,5 ha đất sản xuất một vụ. Đất ít, đã thế lại còn mất mùa nên nhiều nhà phải rút tiền gửi ngân hàng chỉ để mua lương thực. Nhiều nhà khác phải nhờ đến sự trợ giúp từ bà con trong thời gian giáp hạt.
Loay hoay với nghèo khó
Chủ tịch UBND xã Tà Pơơ Tơngôl Kía lắc đầu ngao ngán: “Sau khi nhận được tiền, nhiều nhà ăn nhậu từ ngày này qua tháng nọ. Đến khi hết rồi mới té ngửa là không còn vốn. Sau khi tái định cư thủy điện, xã đã hướng dẫn, chỉ vẽ người dân cách làm ăn nhưng rồi khi nhận tiền về thì họ quên luôn”. Ông Kía nói, giờ thì thôn 2 nghèo thật rồi.
Dự án sinh kế hỗ trợ dân vùng tái định cư thủy điện đã chấm dứt từ tháng 2.2014 càng khiến người dân thêm khốn đốn. Năm 2013, cả thôn có 12 hộ nghèo thì chỉ sau 1 năm con số này đã tăng lên gấp 3 lần.
Ông Tơngôl Với, Chánh văn phòng UBND H.Nam Giang cho biết: “Chúng tôi khuyên người dân gửi tiết kiệm, mua bò, dê phát triển kinh tế nhưng bất thành. Tiền đền bù là tài sản của dân, mình không thể can thiệp được.
Đặc biệt là sau khi nhận được tiền, nhiều người lợi dụng sự thiếu hiểu biết của dân dùng tiền làm nhà to. Nhiều người dốc tiền chơi sang, không chút suy nghĩ”. Ông Với thông tin thêm: H.Nam Giang đã thành lập đề án hỗ trợ sinh kế và các dự án phát triển nông lâm, nghiệp để giúp thôn 2 thoát nghèo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.