Bắc - Trung lo chống rét, miền Nam đề phòng ốc bươu vàng

14/01/2017 12:18 GMT+7

Trong hai ngày cuối tuần (14 - 15.1), miền Bắc tiếp tục có mưa nhỏ và rét do ảnh hưởng của không khí lạnh, sau đó mưa sẽ giảm dần.

Trời rét đậm với nhiệt độ thấp nhất 11 – 14 độ C, vùng núi cao rét hại, hầu hết dưới 10 độ C, riêng tại Mẫu Sơn, Sa Pa 3 – 5 độ C. Không khí lạnh sẽ tăng cường mạnh trở lại từ ngày 18, 19 và 20.1 (21 - 23 tháng chạp âm lịch).
Như vậy, trong những ngày giáp tết liên tục có các đợt không khí lạnh tràn về với cường độ mạnh, tình trạng rét đậm rét hại còn kéo dài, vùng duyên hải miền Bắc, miền Trung có sương mù khá dày đặc, ảnh hưởng đến giao thông và nông nghiệp.

tin liên quan

Tiếng chổi tre trong đêm giao thừa
Sài Gòn đêm cuối năm, lẫn trong dòng người nô nức đổ ra đường chờ đón giao thừa, nữ lao công Phạm Thị Thu (Công ty TNHH Dịch vụ công ích Quận 5, TP.HCM) cần mẫn đưa từng nhát chổi tre xào xạc trên phố đêm.
Miền Trung trời âm u nhiều mây, mưa làm tăng thêm rét lạnh, nhiệt độ thấp nhất ở bắc miền Trung từ Nghệ An đến Quảng Bình là 14 – 16 độ C, càng xuống phía nam mưa nhiều hơn nhưng đỡ rét, các tỉnh nằm ở phía nam đèo Hải Vân từ Đà Nẵng, Quảng Nam đến Khánh Hòa có nơi mưa to do ảnh hưởng không khí lạnh kết hợp với vùng áp thấp gây thời tiết xấu, các vùng biển miền Trung có gió mùa đông bắc từ cấp 6 trở lên, sóng to, biển động mạnh.
Với thời tiết tiếp tục mưa rét kéo dài, cần lưu ý vệ sinh vườn hồ tiêu sạch sẽ, khơi thông mương rãnh thoát nước, rắc vôi bột và phun các loại thuốc phòng bệnh để tránh bệnh thối rễ...
Rãnh thấp xích đạo đi ngang qua Nam bộ, cùng với không khí lạnh tràn về kết hợp của nhiễu động từ biển di chuyển vào sẽ đem đến những cơn mưa trái mùa ở Tây nguyên và Nam bộ, mưa tập trung ở Kiên Giang, Cà Mau, vùng dọc ven biên giới tây nam và ven biển, có nơi mưa to và giông. Từ giữa đến cuối tuần sau nắng nhiều mưa giảm, ban đêm trời trở gió và se lạnh, có lúc sương mù, mù khô xuất hiện khá nhiều.
Nhiệt độ thấp nhất là Đà Lạt 12 – 14 độ C, Nam bộ từ 20 -22 độ C. Ở miền Đông vào hôm nay (17 tháng chạp) là lúc đỉnh triều dâng cao nhất, trên sông Sài Gòn tại trạm Phú An có khả năng lên mức 1,52 m (trên BĐ3) gây ngập úng ở các vùng trũng thấp, sau đó từ thứ hai (19 tháng chạp) nước sẽ rút nhanh.
Do mưa trái mùa vào lúc nước trong đồng còn ngập bởi triều cường nên ốc bươu vàng là đối tượng gây hại cần chú ý theo dõi để kịp thời phòng tránh ở các chân ruộng có nước ốc trồi lên cắn phá trở lại. Bên cạnh đó, thời tiết mưa nắng thất thường nên các vùng trồng thanh long xuất hiện bệnh đốm nâu và thán thư. Trên các diện tích lúa đông xuân, rầy nâu mang theo vi rút vàng lùn, lùn xoắn lá, gây hại từ giai đoạn sạ - trổ bông, cần có biện pháp phòng ngừa.
Đáng lưu ý, theo dự báo ENSO mới nhất ngày 12.1, trong 3 tháng tới là giai đoạn trung tính, không El-Nino hoặc La-Nina cho đến giữa năm 2017. Tuy nhiên, do rãnh thấp xích đạo có vị trí cao hơn trung bình và hoạt động khá mạnh, nên có thể vẫn còn xuất hiện áp thấp, áp thấp nhiệt đới trên khu vực nam Biển Đông gây thời tiết xấu trên biển và mưa trái mùa vẫn còn khả năng xảy ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.