Doanh nghiệp trúng thầu lớn, nông dân yên tâm ăn tết

Chí Nhân
Chí Nhân
03/02/2024 07:27 GMT+7

Trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo đã kịp "lận lưng" hợp đồng khoảng triệu tấn cho riêng 2 thị trường Philippines và Indonesia. Với khối lượng đơn hàng này, bà con trồng lúa có thể yên tâm ăn tết để ngay sau đó bước vào vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân.

Đơn hàng triệu tấn đang chờ

Ngày 31.1.2024, Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố danh sách các đơn vị trúng thầu hợp đồng 500.000 tấn gạo, được chia thành 17 lô. VN có 7 doanh nghiệp (DN) trúng thầu tổng cộng 10/17 lô; trong đó có 3 DN lớn là Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam, mỗi đơn vị trúng đến 2 lô, 4 đơn vị còn lại mỗi DN trúng 1 lô.

Số lượng chi tiết từng lô hàng không được Bulog công bố, tuy nhiên theo thông tin từ nhiều nguồn mà Thanh Niên có được, tổng khối lượng gạo mà các DN VN trúng thầu vào khoảng 351.000 tấn. Ngoài ra, một số DN trong khu vực trúng thầu lần này cũng sử dụng nguồn gạo VN. Nếu tính cả 2 nhóm đối tượng trên thì tổng lượng gạo VN cần phải cung cấp cho Indonesia trong quý 1/2024 lên đến gần 420.000 tấn.

Doanh nghiệp trúng thầu lớn, nông dân yên tâm ăn tết- Ảnh 1.

Nông dân ĐBSCL yên tâm ăn tết khi doanh nghiệp “lận lưng” nhiều hợp đồng lớn

Công Hân

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), cho biết: Đây sẽ là "cú hích" mới cho thị trường lúa gạo nội địa, giúp ổn định giá cả khi chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch rộ vụ lúa đông xuân sắp tới. Dự báo giá gạo xuất khẩu của VN vẫn sẽ xoay quanh mức 650 - 660 USD/tấn (giá FOB - giao hàng tại cảng VN). Ngoài ra, nhu cầu của thế giới vẫn còn rất lớn, nhất là các thị trường truyền thống.

"Phần lớn các DN đều muốn chờ đến khi vào vụ, mua được gạo mới ký hợp đồng. Vấn đề không phải là ký được hợp đồng bao nhiêu mà là VN có bao nhiêu gạo để xuất, giá như thế nào", ông Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo một số DN, việc Tổng thống Philippines sang thăm VN mới đây đã mở ra nhiều kỳ vọng cho thị trường này trong năm mới. Ước tính, số lượng hợp đồng thương mại với Philippines đang ở mức hơn nửa triệu tấn. Như vậy, tổng đơn hàng xuất khẩu gạo mà các DN VN đang "lận lưng" trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay cho riêng các thị trường Indonesia và Philippines đã lên khoảng 1 triệu tấn.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), nhận xét: Thời gian gần đây, giá lúa gạo dù giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì mức cao, như gạo ĐT8 giá 15.400 - 15.700 đồng/kg, ST24 khoảng 18.400 đồng/kg, gạo 5% có giá trung bình 14.500 đồng/kg. Việc nhiều DN trúng thầu ở Indonesia sẽ giúp thị trường nội địa giữ giá ổn định khi vào vụ thu hoạch rộ. Về xu hướng chung, năm 2024 thị trường thế giới vẫn trong tình trạng cầu vượt cung nên giá gạo sẽ duy trì mức cao.

Nông dân yên tâm, nhiều doanh nghiệp "đánh cược" lớn

Một ngày sau khi thông tin nhiều DN VN trúng thầu lớn ở Indonesia, ông Nguyễn Thành An ở Thoại Sơn (An Giang) thông tin: Lúa đông xuân đã trổ bông đều, sẽ thu hoạch trước ngày rằm tháng giêng. Thời gian gần đây, nhiều nhà máy nghỉ tết sớm, thương lái cũng ngưng mua khiến giá lúa giảm khoảng 500 đồng/kg. Hiện lúa giống ĐT8 còn khoảng hơn 9.000 đồng/kg. Tuy nhiên, thông tin trên báo chí về việc VN trúng thầu xuất khẩu gạo cho Indonesia khiến bà con nơi đây yên tâm ăn tết. "Trong hơn 1 năm qua, giá lúa gạo ở mức có lợi, bà con nông dân rất phấn khởi và hiện nhiều người cũng không còn bị áp lực kinh tế cũng như phải bán lúa ngay sau khi vừa thu hoạch", ông An cho hay.

Doanh nghiệp trúng thầu lớn, nông dân yên tâm ăn tết- Ảnh 2.

Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo toàn cầu sẽ thiếu hụt khoảng 8,6 triệu tấn gạo trong năm 2024

Ảnh: Công Hân

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Trung An (Cần Thơ), cũng thừa nhận gần đây thị trường lúa gạo giảm nhiệt nhưng đó là điều bình thường vì nhiều DN chuẩn bị nghỉ tết. Bên cạnh đó, lượng lúa hàng hóa vụ đông xuân tương đối dồi dào. Tuy nhiên, khả năng năm nay giá lúa sẽ duy trì mức có lợi cho bà con nông dân vì lượng hợp đồng chờ xuất đến hết quý 1/2024 tương đối cao.

"Tôi nghĩ bà con nông dân có thể yên tâm ăn tết. Còn một số DN xuất khẩu đang đối mặt với áp lực lớn nhất là các DN xuất khẩu mới trúng thầu. Với mức giá thắng thầu phổ biến từ 650 - 660 USD/tấn, giá CIF - giao hàng tại cảng của Indonesia thì với giá hiện tại chắc chắn sẽ không có lời. Tôi nghĩ là họ bỏ thầu "sát giá" như vậy vì dự báo thị trường theo quy luật những năm trước, vào vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân giá sẽ giảm. Hoặc bản thân các DN này có phương án khác để đảm bảo lợi nhuận, đó là chuyện nội bộ của họ", ông Bình nói.

Lãnh đạo một DN khác phân tích: Chi phí giao hàng từ VN tới Indonesia khoảng 13 USD/tấn, ngoài ra chi phí "làm hàng" (bao bì đóng gói) theo yêu cầu thêm 17 USD. Như vậy giá thực chỉ còn 620 - 630 USD/tấn. Đây là mức giá sát với giá gạo hiện tại ở thị trường nội địa; gạo trắng 5% tấm hiện tại giá 14.800 đồng/kg, gạo thơm bình quân cũng trên 15.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, còn kèm theo điều kiện trả chậm… sẽ làm phát sinh thêm các chi phí khác như lãi suất ngân hàng. Thanh Niên đã liên hệ với đại diện một số DN trúng thầu nhưng các đơn vị này từ chối cung cấp thông tin chi tiết vì lo ngại sẽ làm "biến động" thị trường nội địa.

Thái Lan thừa nhận xuất khẩu gạo tăng vọt là… nhờ VN

Báo chí Thái Lan dẫn nguồn từ Bộ Thương mại nước này cho biết: Năm 2023, xuất khẩu gạo tăng 13,6% lên 8,76 triệu tấn, vượt mục tiêu 8 triệu tấn, với giá trị tăng 28,4%. Trong tháng 1.2024 xuất khẩu gạo tăng vọt đến 44% so với cùng kỳ lên 1,12 triệu tấn.

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan trong tháng này đạt mức 653 USD/tấn cao hơn gạo cùng phẩm cấp của VN khoảng 14 USD/tấn. Cuối năm 2023, ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA), thừa nhận xuất khẩu gạo của nước này tăng vọt về giá và lượng là do nguồn cung từ VN thiếu hụt vào giai đoạn cuối năm.

Bộ Thương mại Thái Lan dự báo năm 2024 sẽ xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái do sản lượng thấp hơn và cạnh tranh gia tăng. Sản lượng gạo sản xuất trong năm nay dự kiến cũng sẽ giảm 5,9% do bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Nino.

USDA: Toàn cầu thiếu hụt 8,6 triệu tấn gạo

Trong Báo cáo triển vọng lúa gạo tháng 1.2024, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết: Sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt khoảng 513,5 triệu tấn, giảm 4,5 triệu tấn so với dự báo trước đó là 518 triệu tấn. Đây là năm thứ hai liên tiếp nguồn cung gạo toàn cầu sụt giảm. Sản lượng gạo giảm mạnh ở một số quốc gia gồm: Ấn Độ giảm gần 3,8 triệu tấn, Trung Quốc giảm 1,3 triệu tấn (do diện tích thu hoạch nhỏ hơn); Thái Lan dự kiến giảm 0,9 triệu tấn (do mùa mưa đến muộn hơn mọi năm)…

Ngược lại, tổng mức tiêu thụ được dự báo sẽ đạt 522,1 triệu tấn. Với tình hình cung - cầu như trên, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 8,6 triệu tấn gạo trong năm 2024. Sự sụt giảm đáng kể trong thương mại gạo toàn cầu vào năm 2024 phần lớn là do các lệnh cấm và các hạn chế xuất khẩu từ Ấn Độ thực hiện trong năm 2022 và 2023.

Về nước nhập khẩu gạo, Philippines được dự báo sẽ vẫn là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, tiếp theo là Trung Quốc, Indonesia, EU, Nigeria và Iraq. Trong đó, Philippines được dự báo sẽ nhập khẩu kỷ lục 3,8 triệu tấn trong năm 2024. Trung Quốc và Indonesia ở mức 2 triệu tấn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.