Trúng giá, nông dân ăn tết lớn

26/01/2024 06:40 GMT+7

Nhiều mặt hàng nông sản tăng giá vùn vụt trong năm 2023 và kéo dài sang đầu năm 2024 giúp nông dân nhiều địa phương có thu nhập cao đón tết lớn.

Sầu riêng vẫn ở đỉnh

Những ngày giáp tết, từng đoàn xe chở hoa quả xuất khẩu vẫn ùn ùn nối nhau về phía các cửa khẩu phía bắc. Theo Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), ngày 24.1, số phương tiện có hàng xuất khẩu thông quan là 471 xe, trong đó có 308 xe hoa quả và 163 xe hàng khác. Lượng xe xuất khẩu đang cao hơn khoảng 20 - 25% so với ngày thường.

Trong nước, thương lái vẫn miệt mài săn tìm những vườn sầu riêng đang thu hoạch, thậm chí nhiều vựa sẵn sàng cọc tiền để chốt non. Nguyễn Duy Trung, nhân viên thu mua một công ty xuất khẩu sầu riêng, chào mời: "Công ty em chấp nhận chốt non sầu riêng Thái, chỉ cần ra bông là chốt. Giá bán sớm từ 65.000 đồng/kg trở xuống, cọc 20 - 30%".

Trúng giá, nông dân ăn tết lớn- Ảnh 1.

Giá sầu riêng tiếp tục tăng cao kỷ lục giúp nông dân miền Tây ăn tết lớn

CÔNG HÂN

Nhưng mặc cho những lời chào bán non có hấp dẫn đến đâu cũng khó có thể lay động các chủ vườn ở thời điểm này, bởi giá sầu riêng nghịch vụ đang tăng mạnh. Chị Nguyễn Linh, một thương lái thu mua sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang, xác nhận sầu riêng Thái (Monthong) loại 1 thu mua tại vườn hiện có giá từ 180.000 - 183.000 đồng/kg, tăng 25.000 đồng/kg so với mức giá hồi đầu tháng 1.2024; sầu riêng RI6 có giá khoảng 100.000 - 110.000 đồng/kg, tăng 15.000 - 20.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng. Đây là mức giá cao nhất kể từ đầu năm 2024 đến nay và đạt mức kỷ lục được ghi nhận của cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Phước Tèo, chủ vườn sầu riêng tại H.Cao Lãnh (Đồng Tháp), chia sẻ: "Năm trước, giá sầu riêng nghịch vụ khoảng 78.000 đồng/kg, thời điểm đó người trồng sầu riêng đã rất vui mừng và ăn tết lớn rồi. Còn hiện nay thương lái đang thu mua tại vườn với giá cao gấp đôi cùng kỳ năm trước, người trồng sầu riêng đang thu hoạch xem như có cái tết hoành tráng nhất từ trước đến nay".

Năm trước, giá sầu riêng nghịch vụ khoảng 78.000 đồng/kg, thời điểm đó người trồng sầu riêng đã rất vui mừng và ăn tết lớn rồi. Còn hiện nay thương lái đang thu mua tại vườn với giá cao gấp đôi cùng kỳ năm trước, người trồng sầu riêng đang thu hoạch xem như có cái tết hoành tráng nhất từ trước đến nay.

Ông Nguyễn Phước Tèo (chủ vườn sầu riêng tại Đồng Tháp)

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, nhìn nhận: "Đúng là hiện nay giá sầu riêng nghịch vụ tại các tỉnh miền Tây đang tăng rất cao do nhu cầu tiêu thụ hút hàng tại Trung Quốc. Đây là tín hiệu rất vui dự báo cho một năm tiếp tục phá kỷ lục kim ngạch xuất khẩu".

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, vào cùng kỳ năm trước, ngành rau quả mới bắt nhịp trở lại sau giai đoạn thị trường Trung Quốc đóng cửa biên giới để chống dịch Covid-19, còn ở thời điểm hiện nay các doanh nghiệp đã làm quen với guồng máy nên mọi việc thuận lợi hơn. Nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc tăng cao trong thời điểm cận Tết Nguyên đán vì đây là mùa lễ hội lớn nhất trong năm, người dân nước này xem sầu riêng là món quà quý để biếu tặng, cúng kiếng, dâng lễ… Thời điểm hiện nay chỉ có sầu riêng miền Tây thu hoạch nghịch vụ, sản lượng hạn chế nên giá tăng cao. Ngoài ra, nguồn hàng nhập khẩu từ châu Âu cũng bị ảnh hưởng bởi chiến sự ở tuyến hàng hải biển Đỏ nên không kịp cập cảng đúng thời hạn để tiêu thụ dịp tết, từ đó thị trường Trung Quốc phải tăng nhập khẩu từ VN và một số nước Đông Nam Á.

Nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu thu mua xuất khẩu của các nhà vựa, doanh nghiệp ở mức cao chính là nguyên nhân đẩy giá sầu riêng ở ĐBSCL lập kỷ lục, giúp nông dân sản xuất sầu riêng đạt lợi nhuận rất cao. Ước tính chi phí đầu tư một cây sầu riêng từ thời điểm thu hoạch vụ trước đến thu hoạch vụ hiện tại khoảng 1,5 triệu đồng/cây, tương đương 30 triệu đồng/công (1.000 m2). Với năng suất khoảng 2 tấn/công, lợi nhuận nông dân thu được khoảng 290 triệu đồng/công đối với giống Monthong và 170 - 180 triệu đồng/công đối với giống RI6. Đây là mức lợi nhuận cao, rất ít có loại cây trồng nào có được ở thời điểm hiện tại.

Cà phê, hồ tiêu cùng hưởng lợi

Cùng tăng cao trong thời điểm đầu năm 2024, giá cà phê và hồ tiêu đang quay trở lại thời điểm đỉnh cao giúp cho nông dân chuẩn bị ăn tết lớn. Hiện giá cà phê đang ở mức 70.000 - 71.000 đồng/kg, cao nhất lịch sử.

Trúng giá, nông dân ăn tết lớn- Ảnh 2.

Giá hồ tiêu tăng cao vì thị trường Trung Quốc hút hàng

Q.T

Vừa bán 6 tấn cà phê nhân với giá 71 triệu đồng/tấn, chị N.T.H (ở H.Đắk Hà, Kon Tum) phấn khởi: "Giá bán hiện nay tăng gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu năm ngoái tôi phải tìm mối hoặc mang ra đại lý để bán thì năm nay các cơ sở vào tận nhà để thu mua. Tôi tính để qua Tết Nguyên đán mới bán, nhưng khi thấy được trả mức ngoài sức tưởng tượng nên quyết định bán luôn. Gia đình tôi thu về 426 triệu đồng, mức thu nhập cao nhất trong nhiều năm qua. Với số tiền thu được, tôi có thể tái đầu tư cho vụ năm sau và để dành ăn tết to hơn một chút".

Tương tự, chị T.H.L (ngụ H.Chư Sê, Gia Lai) chia sẻ niềm vui năm nay bội thu vì vừa bán cà phê với mức giá 70,8 triệu đồng/tấn. "Khi vào vụ thu hoạch, giá cà phê mới chỉ 60.000 đồng/kg, đây đã là mức giá rất cao rồi nên ai cũng tranh nhau bán, thậm chí bán non vì sợ vào chính vụ thì rớt giá. Nhưng không ai ngờ đến thời điểm này giá cà phê vẫn còn tăng, ngược xu hướng chung nhiều năm qua. Tôi bán muộn hóa ra lại được lợi hơn", chị L. khoe.

Không chỉ nông dân ở Kon Tum, Gia Lai mà tại Đắk Lắk, Lâm Đồng, các sở NN-PTNT cũng cho biết vụ cà phê năm nay, với giá bán bình quân 65.000 đồng/kg nhân, mỗi hecta nông dân địa phương thu nhập 180 - 300 triệu đồng (tùy tuổi đời cây), trừ chi phí còn lãi 120 - 200 triệu đồng, tăng 60 - 80 triệu đồng so với năm 2022.

Trước đó, nông dân trồng hồ tiêu, ớt cũng đã tận hưởng niềm vui tăng giá. Ông Nguyễn Tân (ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết: "Giá tiêu mấy năm nay nằm ở mức thấp khiến người trồng tiêu chán nản, nhưng năm nay giá tiêu bật tăng từ giữa năm và tăng dựng đứng lên đến 90.000 đồng/kg, sau đó mới quay trở lại mức 80.000 - 82.000 đồng/kg hiện nay. Với mức giá này, người trồng tiêu gia tăng lợi nhuận gần 50%, tết này chắc chắn ấm no hơn những năm trước".

Vì sao doanh nghiệp lại lo lắng ?

Tại hội nghị tổng kết Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị VN (VPSA) ngày 25.1, ông Nguyễn Tấn Hiên, Phó chủ tịch VPSA, chia sẻ: "Năm 2023 mặc dù giá hồ tiêu tăng cao nhưng các doanh nghiệp lại không được hưởng lợi nhiều vì 60% sản lượng hồ tiêu là bán qua Trung Quốc theo đường biên mậu, còn những thị trường khác thì sụt giảm và bị cạnh tranh rất lớn. Trong năm 2024, sản lượng hồ tiêu VN sẽ còn giảm rất thấp, tồn kho có thể xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Như vậy, chưa kể đến sự cạnh tranh từ các đối thủ bên ngoài, trong nội bộ các doanh nghiệp VN đã phải cạnh tranh lẫn nhau".

Đối với mặt hàng sầu riêng, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, trăn trở: Lợi nhuận của sầu riêng rất lớn, tuy nhiên vấn đề nghiêm trọng hiện nay là sự gắn kết và uy tín trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ vẫn chưa chặt chẽ. Nông dân sẵn sàng hủy giao kèo, bỏ cọc nếu có thương lái khác trả giá cao hơn. Điều này sẽ dẫn đến việc có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phá sản vì không thể thực hiện được hợp đồng với đối tác nước ngoài. Các chủ vườn, hợp tác xã cần giữ uy tín hơn nếu muốn phát triển lâu dài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.