Doanh nghiệp lao đao vì điện

Nguyên Nga
Nguyên Nga
10/06/2023 06:36 GMT+7

Chưa bao giờ nỗi lo "khát điện" nghiêm trọng đến vậy. Nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề khi bị cắt điện.

Khó trăm bề

Ngày 9.6, các hiệp hội doanh nghiệp (DN) gồm Hiệp hội DN dịch vụ logistics VN, Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải VN, Hiệp hội Chủ tàu VN đã có công văn gửi Tập đoàn điện lực VN (EVN), Tổng công ty điện lực miền Bắc (EVNNPC), và Công ty TNHH MTV điện lực Hải Phòng về việc cung cấp điện cho các cảng khu vực Hải Phòng. 

Theo các tổ chức này, tình trạng mất điện do sự cố, cắt điện luân phiên diễn ra thường xuyên tại khu vực Hải Phòng. Trong khi đó, hoạt động khai thác cảng phải luôn luôn đảm bảo cam kết năng lực phục vụ 24/7 cho tất cả khách hàng, hãng tàu, DN xuất nhập khẩu trong và ngoài nước, duy trì thông suốt toàn bộ chuỗi cung ứng... 

Vì vậy, việc cắt điện đã gây rất nhiều khó khăn cho các cảng, tiềm ẩn rủi ro DN phải đền bù thiệt hại rất lớn cho số ngày tàu nằm chờ tại cảng, làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng dịch vụ, xuống cấp nhanh chóng trang thiết bị, ảnh hưởng đến an toàn lao động và đặc biệt là nguy cơ mất khách hàng.

Doanh nghiệp lao đao vì điện - Ảnh 1.

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì thiếu điện

ĐÀO NGỌC THẠCH

Từ đó, các hiệp hội kiến nghị: Trong ngắn hạn, đề nghị hệ thống lưới điện TP.Hải Phòng và quốc gia cần có các nguồn điện dự phòng, xem xét điều phối lại nguồn điện cho từng khu vực, ngành nghề một cách phù hợp. Trong đó đặc biệt ưu tiên đảm bảo cung ứng điện cho các cảng luôn trong tình trạng sẵn sàng, liên tục 24/7. Với trường hợp mất điện do sự cố, bất khả kháng, đề nghị trong thời hạn 24 giờ cần thông báo cho các cảng (bên mua điện) biết nguyên nhân và dự kiến thời gian cấp điện trở lại. Đồng thời, ngành điện có văn bản giải trình gửi các cảng trong vòng 8 tiếng ngay sau thời điểm khắc phục xong sự cố vì đây là cơ sở quan trọng để cảng thu xếp thông báo, giải trình, phối hợp làm việc với khách hàng, hãng tàu. Nếu cắt điện luân phiên, bảo trì lưới điện, phải có kế hoạch cụ thể và báo trước ít nhất 5 ngày…

Trao đổi với Báo Thanh Niên chiều 9.6, ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải VN, phân tích: "Các hoạt động tại cảng hiện nay đều được "xanh hóa", sử dụng thiết bị từ cầu cẩu, trục… đều sử dụng điện, không còn chạy bằng dầu như trước nữa, nên việc bị cắt điện gây thiệt hại rất lớn cho DN. Cắt điện là mọi hoạt động tại cảng phải ngưng hoàn toàn. Trong khi mỗi tàu nằm tại cảng mất 30.000 - 40.000 USD/ngày, hằng ngày có khoảng 20 - 30 tàu vào cảng Hải Phòng. Hơn nữa, cảng Hải Phòng chỉ có một "con nước", cắt điện vài tiếng, tàu phải nằm chờ sang ngày hôm sau mới dỡ hàng được, gây nhiều hệ lụy ùn tắc trong chuỗi logistics. Đó là chưa nói, việc cắt điện chỉ báo trước cho DN 6 tiếng đồng hồ khiến mọi thứ bị động vô cùng lớn. DN cũng kiến nghị cần có giải pháp hỗ trợ, bù đắp thiệt hại khi điện cắt. Trong trường hợp tàu nằm chờ tại cảng do mất điện, có chính sách trợ giá điện cho cảng để bù đắp các thiệt hại do cắt điện gây ra".

Không chỉ ngành dịch vụ, lĩnh vực sản xuất cũng "méo mặt" vì điện. Bà Phạm Anh, giám đốc kinh doanh một công ty may gia công lớn tại Bắc Giang, bức xúc: "Mới có tí đơn hàng để làm, điện cắt 3 lần trong 1 tuần, làm thế nào để kịp giao hàng đúng hẹn. Chưa kể điện lực chỉ báo trước 30 phút, rồi cắt điện luôn đến ngày hôm sau nên không nhà máy nào trở tay kịp. Đó là chưa nói, để kịp đơn hàng, ban ngày bị cúp điện, chúng tôi cho công nhân nghỉ, bù lại phải làm đêm. Làm đêm lại trả thêm chi phí nhân công".

Phản ánh của bà Phạm Anh cũng là phản ánh chung của nhiều DN chuyển đến Báo Thanh Niên trong nhiều ngày qua. Một số DN cho biết để duy trì hoạt động trong những lúc điện bị cắt, DN phải chi nhiều tiền hơn để chạy máy phát điện. Trước đó, Công ty điện lực Bình Dương (thuộc Tổng công ty điện lực miền Nam) cũng gửi công văn đến các DN sản xuất thuộc lĩnh vực tiêu thụ lớn như lốp, thép, giấy… đẩy mạnh tiết kiệm điện và tăng cường huy động máy phát điện để phục vụ sản xuất khi xảy ra sự cố cắt điện. Tuy nhiên, chi phí chạy máy phát điện khiến DN không còn đồng lãi nào từ sản xuất kinh doanh. Máy phát điện có công suất lớn thì tốn rất nhiều chi phí, công suất thấp thì khó để duy trì sản xuất.

11 hồ thủy điện đã hết nước, phải dừng phát điện

Phải khắc phục càng sớm càng tốt

Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) cập nhật đến nay, có 9 hồ thủy điện đã về dưới mực nước chết, các tổ máy tại 11 nhà máy thủy điện lớn nhất phải dừng phát điện vì thiếu nước. Lượng nước về các hồ hiện chủ yếu để điều tiết, đảm bảo dòng chảy tối thiểu. Thậm chí, ngay hồ thủy điện Thác Bà phải thực hiện điều chưa có tiền lệ trong 52 năm hoạt động là dừng 2/3 tổ máy phát điện do mực nước tại hồ về thấp hơn mực nước chết. Nếu tình hình hạn hán kéo dài, mực nước hồ về dưới 45 m, Công ty CP thủy điện Thác Bà cho biết có thể phải dừng thêm tổ máy số 3 vì rủi ro quá lớn cho vận hành.

Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), hệ thống điện miền Bắc đối diện nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các thời điểm trong ngày. Công suất khả dụng của tất cả nguồn ở miền Bắc, bao gồm điện nhập khẩu khoảng từ 17.500 - 17.900 MW, tức chiếm hơn 59% công suất lắp đặt. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ lên đến 20.000 MW và có thể cao hơn 23.000 MW vào thời điểm nắng nóng. Thế nên, ngành điện cho biết đang cắt giảm công suất sử dụng, giảm nhu cầu sử dụng điện lên đến 30% vào những thời điểm nắng nóng nhất. Còn thông thường, sản lượng điện cắt giảm trung bình phía bắc mỗi ngày là từ 6 - 10%.

Ngày 9.6, Tập đoàn điện lực VN (EVN) đã có văn bản khẩn gửi Tổng công ty điện lực miền Bắc yêu cầu tính toán, phân bổ công suất cho các công ty điện lực với nguyên tắc không được cắt điện 8 tiếng theo quy định tại Thông tư 34 của Bộ Công thương. Đặc biệt, EVN cũng lưu ý các khách hàng sử dụng điện ưu tiên thấp trong nhóm khách hàng thâm dụng năng lượng như sản xuất sắt thép, xi măng, tiểu thủ công nghiệp… Tuy nhiên, việc tính toán, phân bổ nguồn điện thế nào đi chăng nữa, thực tế thiếu điện nghiêm trọng tại miền Bắc khiến DN sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng rất lớn, nếu bị kéo dài sẽ ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, bày tỏ lo lắng khi tình trạng thiếu điện đang "nóng" lên mỗi ngày. Hậu quả của việc cắt điện kéo dài, liên tục ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Có những thiệt hại đong đếm được, chẳng hạn, trong chăn nuôi, cắt điện 1 tiếng, khiến trại gà chết cả nghìn con vì ngộp. Nhưng có những thiệt hại chưa thể đong đếm như trường hợp DN đang sản xuất trong ngành công nghệ cao, cắt điện khiến máy móc của DN bị hỏng nặng. DN nói mà như khóc vì họ đổ tất cả để làm, mới hoạt động chưa được bao lâu… "Không thể để tình trạng thiếu điện kéo dài thêm nữa. Mùa nắng nóng còn bao lâu? 1 - 2 tuần hay kéo hết tháng 6, sang tháng 7? DN tăng thêm chi phí sản xuất, DN bị trễ đơn hàng, hoạt động kinh doanh nói chung bị trì trệ… Từ đó, ảnh hưởng đến phục hồi và mục tiêu tăng tốc của ta từ 2 quý cuối năm", PGS-TS Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo. 

Hiệp hội DN Hàn Quốc tại VN (Kocham) cũng có văn bản kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ và EVN về vấn đề mất điện, gây ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Việc mất điện thường xuyên dẫn đến tình trạng DN không thể sản xuất, người lao động không có việc làm. Đồng thời, đây là nguyên nhân khiến các đơn hàng của DN bị chậm trễ tiến độ, không đáp ứng được hợp đồng. Nghiêm trọng hơn, cắt điện khiến DN tổn thất do máy móc bị hỏng hóc, hàng hóa bị hư hỏng. Kocham cũng kiến nghị việc cắt điện phải được chấm dứt. Trong trường hợp bất khả kháng, đề nghị có thông báo trước một cách cụ thể, chính xác để DN chủ động trong sản xuất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.