Vì sao doanh nghiệp logistics vẫn làm thuê trên 'sân nhà'?

11/05/2023 22:28 GMT+7

Ông Cáp Trọng Cường, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn container Việt Nam (VICONSHIP), cho rằng các doanh nghiệp logistics nội địa nếu chẻ ra theo từng lĩnh vực chuyên biệt thì mạnh. Tuy nhiên, nhìn nhận tổng thể thì họ lại đang làm thuê trên chính "sân nhà".

Giá bốc dỡ container cảng biển ở vùng trũng

Ông Cáp Trọng Cường khi phát biểu tại tọa đàm giới thiệu Triển lãm quốc tế logistics Việt Nam (VILOG) diễn ra chiều nay 11.5, tại Hà Nội, cho rằng các doanh nghiệp logistics nội địa nếu chẻ ra theo từng lĩnh vực chuyên biệt thì mạnh, không hề thua kém các doanh nghiệp FDI.

Vì sao doanh nghiệp logistics vẫn làm thuê trên "sân nhà"? - Ảnh 1.

Đại diện ban tổ chức trao đổi các vấn đề về phát triển ngành logistics Việt Nam và thông tin về Triển lãm quốc tế logistics Việt Nam

BD

Tuy nhiên, nhìn nhận tổng thể thì họ lại đang làm thuê trên chính "sân nhà". Vị này phân tích, các doanh nghiệp FDI chủ yếu đầu tư vào công nghệ và nhân lực, sau đó thuê ngoài.

"Chúng tôi có rất nhiều khách hàng nước ngoài lớn, nhưng thực tế chúng tôi vẫn là người làm thuê. Chúng tôi có hạ tầng, nhân lực, quy trình… nhưng chúng tôi vẫn đang làm thuê cho họ", ông Cường nói.

Đề cập tới tính tương trợ lẫn nhau trong cộng đồng doanh nghiệp logistics Việt Nam từ nhỏ đến lớn, theo ông Cường là đều rất yếu, khiến ngành chưa phát triển đúng với tiềm năng hiện có.

"Có một nghịch lý là, chúng ta đang cạnh tranh với nhau bằng việc hạ giá để ủng hộ các đối tác nước ngoài, song chúng ta lại đưa ra mức phí cao đối với các doanh nghiệp nội địa.

Cá nhân tôi không tán thành việc cạnh tranh bằng giá. Chúng ta làm tốt việc giảm giá nhưng đến ngưỡng giới hạn nào đó, nếu tiếp tục hạ giá thì sẽ có doanh nghiệp phá sản. Ngoài ra, hạ giá mãi thì cũng không có tích lũy để tái đầu tư công nghệ mới", ông Cường nói.

Đặc biệt nhấn mạnh vào khía cạnh giá dịch vụ bốc dỡ container tại cảng biển Việt Nam, Tổng giám đốc VICONSHIP khẳng định mức giá của Việt Nam đang ở vùng trũng so với thế giới: "Khi đề cập đến lĩnh vực cảng biển, nói thật, tôi cảm thấy xấu hổ vì giá của Việt Nam ở vùng trũng thế giới; thậm chí giá tại cảng Hải Phòng là thấp nhất thế giới. Chúng ta thua cả Campuchia, Myanmar, Malaysia, Singapore…".

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), đánh giá những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ tăng trưởng bình quân 14 - 16%/năm, quy mô 40 - 42 tỉ USD/năm.

Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ đưa kết quả xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 732,5 tỉ USD, tăng 9,5% so với năm 2021.

Tuy vậy, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cũng chỉ ra, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như: chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể…

Bổ sung thêm dịch vụ giá trị gia tăng

Nhắc tới khắc phục các tồn tại, phát triển ngành logistics trong thời gian tới, theo ông Cường, các doanh nghiệp cần chú trọng phát triển công nghệ và bổ sung thêm những dịch vụ giá trị gia tăng.

Hiện, nhiều doanh nghiệp đang quá quan tâm đến mảng kinh doanh cốt lõi mà chưa để ý nhiều đến những dịch vụ gia tăng thêm giá trị cho bạn hàng của mình. Ông Cường ví dụ: với những doanh nghiệp khai thác kho, họ chỉ quan tâm một ngày có bao nhiêu CBM (m3) hay có bao nhiêu container vào kho. Nhưng khi khách hàng có nhu cầu dịch vụ khác, dù nhỏ như thay tem, gắn tem thì lại không đáp ứng được, làm mất tính cạnh tranh.

Hoặc với mảng cảng biển, một số doanh nghiệp chỉ đầu tư thiết bị nâng, hạ nhưng khi có lô hàng siêu trường, siêu trọng thì lại phải thuê các đối tác bên ngoài, mất nhiều thời gian và chi phí. Trong khi đó, chi phí đầu tư cũng không hề lớn.

"Với tâm huyết của những người làm trong lĩnh vực logistics Việt Nam, phải tìm ra giải pháp, liên kết cùng nhau để đưa ra bài toán hợp lý, hướng tới tất cả cùng giảm chi phí xuống", ông Cường nói.

Đề cập tới VILOG, theo ông Hải, triển lãm được tổ chức thời gian tới nhằm triển khai nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ đặt ra. Đây là một hoạt động không thể thiếu để ngành dịch vụ logistics Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến, kết nối, giới thiệu mình với thế giới.

Đồng thời, đây cũng là cơ hội lớn để các doanh nghiệp dịch vụ logistics trong nước, quốc tế cũng như cộng đồng các nhà đầu tư, doanh nghiệp chủ hàng và các bên liên quan khác giao lưu, hợp tác, tư vấn, lựa chọn các giải pháp nhằm tối ưu hóa quy trình logistics của doanh nghiệp.

"Việc Việt Nam lần đầu tiên có một triển lãm quốc tế logistics với quy mô lớn cũng là bước đi cần thiết, một dấu ấn đáng ghi nhận trong tiến trình hội nhập quốc tế của ngành dịch vụ logistics Việt Nam", lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu nói.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, Triển lãm quốc tế logistics Việt Nam được tổ chức bởi Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và Công ty VINEXAD, từ ngày 10 - 12.8 tại TP.HCM, với các nhóm ngành hàng và dịch vụ chính: vận tải và giao nhận; dịch vụ và thiết bị kho bãi/nhà xưởng; đóng gói và chuỗi cung ứng lạnh; ứng dụng công nghệ logistics.

Đến hiện tại, VILOG 2023 đã nhận được đăng ký tham gia từ hơn 150 doanh nghiệp với trên 200 gian hàng đến từ 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm: Bỉ, Canada, Đài Loan (Trung Quốc), Đức, Hàn Quốc, Mỹ, Malaysia, Nga, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc, Việt Nam, Ý…

Một số thương hiệu nước ngoài nổi bật phải kể đến là: KARL GROSS LOGISTICS, NIPPON EXPRESS, UPR, SWISSLOG, FESCO. Bên cạnh đó, triển lãm ghi nhận sự tham gia của các thương hiệu lớn và lâu đời của Việt Nam trong ngành logistics như: Tân Cảng Sài Gòn, VICONSHIP, VINAFCO, RATRACO, VINATECH.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.