Định kiến giới ngay trong sách giáo khoa ảnh hưởng gì đến học sinh?

02/05/2023 17:03 GMT+7

Hàng ngàn học sinh nói sách giáo khoa mang định kiến giới khi nam giới thường gắn với công việc được cho rằng có địa vị cao, trong khi nghề nghiệp của nữ giới có địa vị thấp hơn hoặc chỉ đóng vai trò phụ tá.

Nghề nghiệp của nam giới thường có địa vị cao

Khi khảo sát gần 7.000 học sinh về định kiến giới ở trường học, tổ chức Saigon Children's Charity (saigonchildren) và Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) cho hay phần lớn học sinh nói sách giáo khoa thường gắn nhân vật nam với các công việc đòi hỏi sức mạnh hoặc kỹ thuật cao, chẳng hạn như bác sĩ, cảnh sát, luật sư và kỹ sư. Ngược lại, nhân vật nữ thường liên quan đến hoạt động giáo dục hoặc chăm sóc như giáo viên, nội trợ, y tá hoặc thư ký.

Trong sách giáo khoa, nghề nghiệp của nam giới thường có địa vị cao - Ảnh 1.

Ghi nhận của học sinh về việc làm của các nhân vật trong sách giáo khoa, theo báo cáo của tổ chức Saigon Children's Charity và Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững

CHỤP MÀN HÌNH

"Những địa vị được miêu tả dành riêng cho hai giới trong sách giáo khoa hàm chứa định kiến, với phần lớn các nghề nghiệp do nam giới đảm nhận là những việc có địa vị cao, trong khi các nghề nghiệp được khắc họa dành cho nữ giới có địa vị thấp hơn hoặc nữ giới chỉ đảm nhận vai trò là phụ tá cho ngành nghề của nam giới", nhóm nghiên cứu nhấn mạnh trong báo cáo công bố ngày 27.4.

Với kết quả khảo sát như trên, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng việc thể hiện các nghề nghiệp khác nhau trong sách giáo khoa dựa trên giới tính có thể ảnh hưởng đáng kể đến lựa chọn nghề nghiệp và vai trò trong xã hội của học sinh, đặc biệt ở Việt Nam, nơi vai trò giới và thứ bậc xã hội truyền thống vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỳ vọng của xã hội.

Điều này cũng ảnh hưởng đến nguyện vọng chọn ngành của nữ sinh, khi các em có thể tự cho rằng khả năng của bản thân bị giới hạn trong một số ngành nghề được cho là "phù hợp" với giới tính, hoặc không có hứng thú để tìm hiểu về các lĩnh vực khác, chẳng hạn như khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).

Trong sách giáo khoa, nghề nghiệp của nam giới thường có địa vị cao - Ảnh 2.

Ở chủ đề về nghề nghiệp tương lai trong sách giáo khoa tiếng Anh lớp 12 chương trình hiện hành, nam giới gắn với công việc bác sĩ, kỹ sư, còn nữ giới là giáo viên, phục vụ

HỒ QUANG KHÔI

Không chỉ dừng ở vấn đề nghề nghiệp, sách giáo khoa cũng còn định kiến về hoạt động của các nhân vật dựa trên giới tính. Theo đó, 68% trong số 7.000 học sinh tham gia khảo sát nhận thấy nhân vật nam trong sách thường được mô tả là đang tham gia các hoạt động thể thao. Mặt khác, 61% học sinh khảo sát, trong đó có 65% nữ và 55% nam cho biết nhân vật nữ được miêu tả là đang làm việc nhà.

"Việc nhân vật nam trong sách giáo khoa thường được miêu tả là đang chơi thể thao, trong khi nữ thường được miêu tả là thụ động và bị giới hạn trong các công việc chăm sóc gia đình, ví dụ như làm việc nhà, củng cố định kiến rằng hoạt động thể chất phù hợp hơn với nam giới. Điều này có thể khiến cho học sinh nữ nghĩ rằng phụ nữ không phù hợp với những công việc đòi hỏi thể chất hoặc các hoạt động ngoại khóa", những nhà nghiên cứu lo lắng.

Những thách thức mang yếu tố giới

Định kiến giới không chỉ xuất hiện ở sách giáo khoa, mà còn trong nhận thức của chính giáo viên đứng lớp. Thông tin về việc này, báo cáo của saigonchildren và MSD cho hay 9/9 thầy cô tham gia phỏng vấn cho biết thường đánh giá nam sinh xuất sắc ở các môn được cho là cần sự tư duy và tính toán như khoa học tự nhiên, trong khi kỳ vọng nữ sinh giỏi ở các môn đòi hỏi sự siêng năng và khả năng ghi nhớ như khoa học xã hội.

Trong sách giáo khoa, nghề nghiệp của nam giới thường có địa vị cao - Ảnh 3.

Giáo viên thường nhìn nhận nam sinh giỏi khoa học tự nhiên, còn nữ sinh học tốt khoa học xã hội

ĐÀO NGỌC THẠCH

"Học sinh nam thường giỏi các môn tự nhiên, những môn vận dụng, học ít, không cần học thuộc lòng một cách lý thuyết. Các em cũng có xu hướng làm môn đó tốt hơn bạn nữ. Còn học sinh nữ thường giỏi các môn ngôn ngữ, văn. Với các môn đòi hỏi sự kiên trì, con gái có vẻ giỏi hơn", một thầy giáo chia sẻ.

Mặt khác, 10/12 học sinh tham gia phỏng vấn cũng đồng ý rằng giáo viên ở trường có xu hướng thiên vị nam sinh ở các môn toán, lý, hóa và thiên vị nữ sinh ở các môn văn, tiếng Anh, sử, địa. Các em cũng chỉ ra rằng giáo viên, một cách vô thức, thường ngụ ý rằng nam sinh bẩm sinh đã giỏi toán và khoa học hơn, do đó giáo viên thường dành cho nam sinh nhiều sự chú ý và nguồn lực hơn. Điều này có thể khiến nữ sinh cảm thấy chán nản và kém tự tin hơn trong các môn học này.

Việc giáo viên thường cho rằng nam sinh học giỏi là do tư duy tốt còn nữ sinh học giỏi là do chăm chỉ hoặc may mắn cũng góp phần củng cố định kiến nam sinh thông minh và tài năng hơn nữ sinh trong môi trường học đường, báo cáo nêu.

Trong sách giáo khoa, nghề nghiệp của nam giới thường có địa vị cao - Ảnh 4.

Trong một bài đọc của sách giáo khoa môn tiếng Anh lớp 11 thuộc chương trình hiện hành, hình ảnh minh họa các bộ môn thể thao đều ghi nhận nhân vật là nam giới

NGỌC LONG

Ngoài định kiến giới và chuẩn mực xã hội trong môi trường học đường, kết quả khảo sát còn xác định được một số thách thức khác liên quan yếu tố giới gây khó khăn và cản trở việc học tập của trẻ em gái. Theo báo cáo, những phát hiện này tuy không mới nhưng chỉ ra rằng phân biệt giới vẫn tồn tại trong gia đình, nhà trường, và xã hội, ảnh hưởng đến quá trình tham gia giáo dục, phát triển bản thân cũng như định hình sẵn những lựa chọn mà trẻ em gái cần đưa ra trong đời sống.

"Trao quyền cho phụ nữ có thể đóng góp thêm 80 tỉ USD vào GDP của Việt Nam vào năm 2030. Chính vì vậy, giảm thiểu những thách thức về giới đối với giáo dục dành cho trẻ em gái ở Việt Nam là một khoản đầu tư cho tương lai kinh tế của đất nước và xây dựng tương lai tươi sáng hơn cho tất cả mọi người", nhóm nghiên cứu của 2 tổ chức saigonchildren và MSD khẳng định.

Theo saigonchildren và MSD, nghiên cứu thu thập dữ liệu từ gần 7.000 cá nhân là trẻ em hưởng lợi trong các chương trình của 2 tổ chức cũng như là cộng đồng nói chung, ngoài ra còn có sự tham gia của phụ huynh và giáo viên. Khảo sát được thực hiện từ 13.3 đến 31.3, bao gồm khảo sát bằng đơn trực tuyến và phỏng vấn trực tiếp.

Những người tham gia khảo sát ngụ tại các địa phương như TP.HCM, Hà Nội, Trà Vinh, Tiền Giang, Đồng Nai, Tây Ninh, Hòa Bình, Thái Bình, Sơn La, và phần lớn thực hiện trực tuyến (97%).


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.