Lựa chọn ngành học: Lối đi của những người vượt qua định kiến giới

25/02/2023 10:14 GMT+7

Bất chấp định kiến giới trong vấn đề lựa chọn nghề nghiệp, nhiều người trẻ vẫn quyết định theo đuổi ước mơ của mình.

"Sao con gái lại học ngành này?"

Đây là câu hỏi mang tính định kiến giới mà các bạn nữ thường nhận được khi "dám" theo đuổi những ngành nghề liên quan đến công nghệ-kỹ thuật.

Tư duy kỹ thuật của con gái không bằng con trai, con gái phù hợp với các ngành khoa học xã hội hơn… là những ý kiến mà Triệu Khánh Thi, sinh viên chuyên ngành cơ-điện tử Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, nhận được khi nói về ngành học của mình.

"Không có căn cứ nào để nói khối ngành kỹ thuật là dành riêng cho nam giới. Kỹ năng quan trọng nhất của ngành này là tư duy thiết kế, không thể so sánh con trai làm tốt hơn con gái ở khoản này. Hiện có rất nhiều nữ kỹ sư với ảnh hưởng lớn trong giới kỹ thuật nhưng không thường xuyên xuất hiện trên truyền thông", Khánh Thi nói.

Tuy vậy, trong quá trình học, Khánh Thi cho biết cô cảm thấy rất vui vì giảng viên luôn đối xử công bằng, không thiên vị giới tính. "Chẳng hạn, tôi từng bị đuổi khỏi lớp do vào xưởng thực hành mà không mang giày dù là sinh viên nữ duy nhất của lớp. Tôi vui vì thầy xem tôi bình đẳng như các bạn nam khác", Khánh Thi kể.

Trách nhiệm với nghề không dựa vào giới tính

Nhắc đến giáo viên tiểu học và mầm non, nhiều người sẽ nghĩ đến hình ảnh cô giáo thay vì thầy giáo. Tuy nhiên, vẫn có những nam sinh sẵn sàng theo đuổi công việc "gõ đầu trẻ" này.

Chẳng hạn, Thiên Ân, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, đã quyết định theo học ngành giáo dục tiểu học. "Tôi nghĩ ngành này ít có bạn nam theo đuổi như khối ngành tự nhiên và đòi hỏi sự kiên nhẫn với trẻ em", nam sinh viên chia sẻ.

Định kiến giới khi lựa chọn ngành học: đừng 'gắn mác' chính mình - Ảnh 1.

Một nam sinh viên khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong buổi kiến tập tại Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM

NVCC

Đồng quan điểm trên, Nguyễn Trần Tấn Phát, sinh viên khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sài Gòn, nói: "Nếu cô giáo có sự dịu dàng, ân cần thì thầy giáo cũng biết cách ôn tồn chỉ bảo và vui tính. Tôi luôn nhắc nhở bản thân phải là người thầy chuẩn mực, tránh vô tư quá mức làm ảnh hưởng tâm lý học sinh".

Còn Đ.K, sinh viên khoa Giáo dục tiểu học Trường ĐH Sài Gòn, chia sẻ từng muốn chuyển ngành do gặp áp lực định kiến khắt khe về giới tính, phong cách sống trong môi trường giáo dục. "Hãy bình thường hóa việc giáo viên công tác trong môi trường tiểu học là nam. Ở giới tính nào thì sự yêu thương, nhiệt huyết dành cho học sinh và thái độ tôn trọng đối với nghề đều như nhau", nam sinh viên nói.

Ngoài ra, nữ giới làm những ngành nghề khác như lĩnh vực báo chí, công nghệ thông tin… cũng phải đối mặt định kiến cho rằng họ "không đủ sức khỏe, không thể làm giỏi bằng nam giới" hoặc chỉ lo công việc "sẽ không chăm sóc tốt cho gia đình".

Định kiến giới khi lựa chọn ngành học: đừng 'gắn mác' chính mình - Ảnh 2.

Sinh viên khóa K19 khoa Báo chí-Truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM sinh hoạt đầu khóa. Trong đó, sinh viên nữ chiếm đa số

THANH VY

Nghề nghiệp không phân biệt giới tính

Trả lời phóng viên Báo Thanh Niên, tiến sĩ Trương Thúy Hằng, giảng viên khoa Giới và phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội), cho biết định kiến giới trong môi trường làm việc và lựa chọn nghề nghiệp xuất phát từ quan niệm "trọng nam khinh nữ".

"Khi lựa chọn ngành nghề, học sinh có thể được tư vấn mang tính định hướng phù hợp theo giới hoặc chính bản thân các bạn tự hình thành định kiến cho ngành học đó. Một số học sinh cũng có thể gặp áp lực từ gia đình", tiến sĩ Hằng nói.

"Tính chất công việc là một trong những yếu tố bị áp đặt định kiến giới khiến nhiều học sinh chùn bước. Tuy nhiên, nghề nghiệp là phi giới tính, không có quy định nào nói rằng nghề đó chỉ dành riêng cho nam hoặc nữ. Vì thế, chúng ta nên tôn trọng những bạn nam theo học những nghề như giáo viên mầm non, tiểu học hay các bạn nữ muốn trở thành kỹ sư cơ khí", tiến sĩ Hằng nói.

Theo cô Hằng, định kiến giới gây ra nhiều áp lực, hệ lụy lâu dài trong cuộc sống, khiến mọi người bị bó hẹp cơ hội lựa chọn, sáng tạo trong công việc.

"Chúng ta cần có thời gian, sự quyết tâm từ nhiều phía để giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ định kiến giới trong nghề nghiệp và xã hội. Những bạn trẻ đang gặp phải rào cản này nên thẳng thắn trao đổi với gia đình để cha mẹ yên tâm với quyết định của bản thân", tiến sĩ Hằng kết luận.

Một trong những bước tiến của nỗ lực xóa bỏ định kiến giới đáng được ghi nhận đến nghề nghiệp là việc loại bỏ "Danh mục 77 nghề cấm phụ nữ tham gia lao động" trong Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019. "Các chính sách được ban hành nên có 'nhạy cảm giới' để thay đổi định kiến trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp của các bạn trẻ. Tiếp đó, những doanh nghiệp không nên lấy đặc thù sinh học của nữ giới làm lý do từ chối người lao động dù họ đủ khả năng làm việc", tiến sĩ Trương Thúy Hằng đúc kết.



Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.