Điểm xung đột: Mỹ nói ngừng bắn chỉ có lợi cho Hamas; Anh đánh giá cao UAV Nga

Điểm xung đột: Mỹ nói ngừng bắn chỉ có lợi cho Hamas; Anh đánh giá cao UAV Nga

05/11/2023 23:47 GMT+7

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant cho biết cho đến cuối ngày 4.11, quân đội nước này đã hoàn thành việc bao vây thành phố Gaza và đã tiến vào các khu đông dân và đang giao tranh với các tay súng Hamas trên đường phố.

Ông Gallant tuyên bố các lực lượng Israel sẽ "tìm và diệt" thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar.

Ngay sau khi cuộc xung đột Hamas-Israel bùng nổ vào ngày 7.10, Israel nói rằng ông Sinwar cùng thủ lĩnh cánh vũ trang của Hamas Mohammed Deif là mục tiêu hàng đầu của quân đội Israel.

AFP dẫn các nguồn tin an ninh bên ngoài Gaza cho hai ông Sinwar và Deif hiện đang ẩn náu trong một mạng lưới đường hầm của Hamas bên dưới dải đất này.

Bên cạnh hoạt động tiến quân trên bộ, Israel tiếp tục duy trì không kích vào nhiều mục tiêu ở Dải Gaza. Tờ Politico hôm 4.11 dẫn lời quan chức Mỹ không nêu tên cho hay Washington đã yêu cầu Israel giải thích lý do của hành động tấn công trại tị nạn Jabalia vào ngày 30.10. Ít nhất 50 người thiệt mạng trong vụ tấn công hôm đó, mà theo Israel bao gồm một chỉ huy cấp cao của lực lượng Hamas.

Bất chấp quan ngại từ nhiều nước trên thế giới, Israel trong ngày 4.11 đã không kích vào một đoàn xe cứu thương, và một ngôi trường do Liên Hiệp Quốc quản lý nằm trong trại tị nạn Jabalia.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 4.11 nói nước này cắt đứt liên lạc với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhằm phản đối chiến sự tại Dải Gaza.

Ông Erdogan tuyên bố: "Ông Netanyahu không còn là người mà chúng tôi có thể nói chuyện. Chúng tôi đã cắt đứt với ông ấy".

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cùng ngày thông báo triệu hồi đại sứ tại Israel Sakir Ozkan Torunlar về nước vì "thảm kịch nhân đạo đang diễn ra tại Dải Gaza do các cuộc tấn công liên tục của Israel chống lại dân thường, và vì Israel khước từ lời kêu gọi ngừng bắn và duy trì viện trợ nhân đạo".

Mặc dù vậy, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ không cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Israel vì theo ông, đó là điều không thể thực hiện trong ngoại giao quốc tế.

Nhà lãnh đạo gợi ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò bảo trợ nếu Israel và Palestine đạt thỏa thuận hòa bình. Ông tiết lộ Giám đốc Cơ quan Tình báo Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin đang dẫn đầu các cuộc đàm phán với cả Israel lẫn Hamas.

Bộ Ngoại giao Israel đã gọi việc Thổ Nhĩ Kỳ rút đại sứ về nước là hành động đồng hành với Hamas, lực lượng mà Tel Aviv coi là "tổ chức khủng bố". Trong khi đó, lực lượng Hamas hoan nghênh quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ và kêu gọi nước này gia tăng sức ép lên Mỹ để nguồn viện trợ nhân đạo và y tế đến được với người dân Dải Gaza.

Hamas vẫn tiếp tục cáo buộc Israel tấn công dân thường. Hãng thông tấn WAFA của Palestine tối 4.11 cho biết vào tối 4.11, 51 người Palestine, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong vụ tấn công của Israel nhằm vào trại tị nạn Maghazi ở Dải Gaza.

Thông tin này chưa thể được xác minh một cách độc lập. Quân đội Israel cũng không lập tức đưa ra bình luận, nhưng Israel vốn đã tuyên bố họ nhắm vào Hamas chứ không phải dân thường, đồng thời cáo buộc Hamas sử dụng người dân làm lá chắn sống.

Bộ Quốc phòng Nga vào cuối ngày 4.11 cho biết Ukraine trong cùng ngày đã phóng 15 tên lửa hành trình vào xưởng đóng tàu của Nga ở thành phố cảng Kerch thuộc bán đảo Crimea.

Trong một thông báo ngắn gọn, Bộ Quốc phòng Nga nói rằng 13 tên lửa đã bị phá hủy trên không, trong khi một tên lửa bắn trúng một con tàu. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga không đề cập tên con tàu đó.

Quân đội Ukraine trước đó có thông báo về trận tập kích “hạ tầng hàng hải và nhà máy đóng tàu tại Kerch” hôm 4.11, song không nêu rõ phương thức tấn công và thiệt hại gây ra trong đợt tập kích.

Tuy nhiên, Tư lệnh Không quân Ukraine Mykola Oleshchuk viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng tại Kerch có một trong những tàu hiện đại nhất của Nga là tàu mang tên lửa hành trình Kalibr. Tướng Oleshchuk viết giễu cợt rằng: “Tôi hy vọng một con tàu khác đã theo Moskva!", tức là đề cập kỳ hạm Moskva của Hạm đội biển Đen của Nga bị cho là đã bị tên lửa Ukraine đánh chìm hồi tháng 4.2022.

Ông Sergei Aksyonov, người đứng đầu Crimea do Nga bổ nhiệm, cho hay không có thương vong trong vụ tấn công vào xưởng đóng tàu ở Kerch trong ngày 4.11. Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014.

Theo một số kênh Telegram theo dõi xung đột Nga-Ukraine, tàu mang tên lửa hành trình nhỏ Askold của Nga đã bị hư hại trong cuộc tấn công.

Hồi tháng 9, Bộ Quốc phòng Nga cho hay tàu Askold thuộc Hạm đội biển Đen đã tham gia tiêu diệt các mục tiêu của Ukraine ở vùng biển ngoài khơi Crimea.

Trong một diễn biến khác, Bộ Quốc phòng Anh trong một báo cáo tình báo hôm 4.11 cho hay trong vòng 3 tuần qua, Nga nhiều khả năng tổn thất khoảng 200 xe tăng và bọc thép trong quá trình triển khai chiến dịch tại thị trấn Avdiivka (Donetsk).

Theo Anh, điều này nhờ vào sự phối hợp hiệu quả của Ukraine trong việc sử dụng các dòng vũ khí chống tăng vác vai, mìn, các thiết bị không người lái sát thương và những hệ thống pháo binh chính xác cao. Phía Anh dự báo Nga đang tiến hành điều chỉnh chiến thuật tại đây sau thời gian bất lợi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.