Điểm xung đột: Châu Âu chưa sẵn sàng đối đầu Nga; ông Putin làm gì nếu quân Mỹ đến Ukraine?

Điểm xung đột: Châu Âu chưa sẵn sàng đối đầu Nga; ông Putin làm gì nếu quân Mỹ đến Ukraine?

13/03/2024 22:33 GMT+7

Một nguồn tin Ukraine hôm 13.3 nói với Reuters rằng cơ quan an ninh SBU của Ukraine đã thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) vào ba nhà máy lọc dầu của Nga ở Ryazan, Kstovo và Kirishi trong đêm như một phần của chiến lược nhằm làm giảm tiềm năng kinh tế của Nga.

Vụ việc xảy ra chỉ một ngày sau khi Ukraine làm hư hại nghiêm trọng nhà máy lọc dầu của Lukoil. Nhà máy lọc dầu Ryazan của Rosneft là nhà máy lọc dầu lớn thứ 7 của Nga, cách Moscow 180km. Cuộc tấn công đã gây ra hỏa hoạn.

Nguồn tin từ SBU nói thêm rằng lực lượng phòng vệ Ukraine cũng tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong đêm vào căn cứ không quân Nga ở Buturlinovka và một sân bay quân sự ở vùng Voronezh.

Truyền thông Nga cho biết khoảng 60 máy bay không người lái đã bị phá hủy trên lãnh thổ thuộc chủ quyền của Nga chỉ trong vài giờ.

Nga đang đối mặt các cuộc tấn công nghiêm trọng nhất nhằm vào lãnh thổ kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine hơn hai năm trước. Trong hai ngày qua, bên cạnh các vụ tấn công bằng UAV vào một số nhà máy lọc dầu Nga, nhóm dân quân Quân đoàn Tự do Nga thân Ukraine hôm 12.3 cũng tuyên bố tấn công vào tỉnh biên giới Kursk và Belgorod của Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng vào ngày hôm nay 13.3, khi được hỏi về các cuộc tấn công này, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: “Đơn giản thôi. Điều này xảy ra khi Ukraine thất bại ở tiền tuyến. Họ không đạt bất cứ mục tiêu nào đề ra năm ngoái”.

Ông Putin cho rằng mục tiêu chính của Ukraine “là nếu không gây gián đoạn được bầu cử tổng thống Nga, thì cũng can thiệp vào quá trình này”.

Ukraine chưa bình luận về cáo buộc của Tổng thống Vladimir Putin về việc Kyiv tiến hành tấn công để tác động đến cuộc bầu cử tại Nga. Tuy nhiên nhóm dân quân Quân đoàn Tự do Nga khi tuyên bố chiến dịch tấn công qua biên giới vào hôm 12.3 cho biết hoạt động này có liên quan đến bầu cử tổng thống Nga.

Cuộc bầu cử tổng thống Nga sẽ diễn ra ngày 15-17.3, và chắc chắn sẽ có tầm quan trọng rất lớn đối với định hướng của nước Nga và hướng đi của cuộc xung đột ở Ukraine trong thời gian sắp tới.

Về viện trợ cho Ukraine, Đan Mạch hôm qua thông báo sẽ cung cấp gói viện trợ quân sự mới cho chính quyền Kyiv, bao gồm các tổ hợp pháo tự hành Caesar và đạn dược trị giá khoảng 2,3 tỉ crown (tương đương 336,6 triệu USD).

Trong khi đó, tờ Financial Times dẫn lời 4 quan chức tiết lộ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị thông qua khoảng bổ sung trị giá 5 tỉ euro (5,46 tỉ USD) cho quỹ viện trợ quân sự ủng hộ Ukraine.

Thông tin về khối tài sản của Nga đang bị phong tỏa trên lãnh thổ châu Âu, một quan chức cấp cao EU ước tính khối tài sản này có thể tạo ra lợi nhuận sau thuế từ 15 đến 20 tỉ euro từ đây đến năm 2027, với chênh lệch phụ thuộc vào lãi suất được cập nhật.

Viện trợ cho Ukraine cũng là chủ đề chính cho cuộc gặp giữa Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Berlin (Đức) vào ngày 15.3.

Đây sẽ là cuộc gặp cấp cao đầu tiên của “Tam giác Weimar” - một nền tảng hợp tác chính trị giữa Đức, Pháp và Ba Lan được thành lập vào năm 1991 - kể từ khi ông tusk trở lại làm thủ tướng Ba Lan vào cuối năm ngoái.

Một nguồn tin chính phủ Đức cho biết Thủ tướng Scholz và Tổng thống Macron sẽ nói chuyện với nhau trước khi có sự tham gia của thủ tướng Ba Lan.

Cuộc gặp diễn ra sau căng thẳng giữa các nhà lãnh đạo Pháp và Đức về các vấn đề như chính sách Ukraine, gần đây nhất là khi ông Macron tuyên bố không loại trừ việc triển khai bộ binh ở Ukraine.

Kính mời quý vị đón xem bản tin cập nhật tình hình tại các điểm nóng xung đột thế giới ngày 13.3.2024 của Báo Thanh Niên.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.