Lắt léo chữ nghĩa

Điểm tâm và... bữa ăn sáng

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
16/12/2023 06:26 GMT+7

Wikipedia tiếng Việt viết rằng "điểm tâm" có nghĩa đen là "chạm nhẹ vào trái tim". Điều này khiến nhiều người thắc mắc, không hiểu vì sao "điểm tâm" lại liên quan đến bữa ăn sáng.

Xin thưa, trong Bách khoa thư Baidu có truyền thuyết cho rằng một vị tướng thời Đông Tấn tỏ ra cảm động khi thấy các binh lính ngày đêm chiến đấu, lập được nhiều chiến công nên truyền lệnh cho người dân làm những chiếc bánh thơm ngon rồi gửi ra tiền tuyến, tặng các chiến sĩ. Lòng biết ơn đó người Trung Quốc gọi là điểm điểm tâm ý (點點心意), về sau rút gọn thành điểm tâm (點心) rồi phổ biến cho đến nay.

Trong Hán ngữ, từ điểm tâm có 2 nghĩa:

1. Ăn nhẹ trước bữa ăn chính để giảm đói (theo Huyễn dị chí của Tôn Ngỗi đời nhà Đường; Kê lặc biên (tập 2) của Trang Quý Dụ đời Tống và Khách thông nhàn thoại của Ngô Xí Xương đời nhà Thanh).

2. Thức ăn như bánh ngọt (theo Quý tân tạp thức tiền tập của Chu Mật đời Tống; chương 14 trong Thủy Hử truyện; Dụ thế minh ngôn của Phùng Mộng Long đời nhà Minh).

Thuật ngữ điểm tâm từng được ghi nhận trong quyển Năng cải trai mạn lục của Ngô Tăng thời nhà Tống, còn việc dùng bữa điểm tâm là những món ăn nhẹ đã có từ đời Đường (Nam Bắc đích điểm tâm của Chu Tác Nhân). Điều này đã được xác nhận trong quyển Thổ phong lục của Cố Trương đời nhà Thanh: tiểu thực viết điểm tâm (小食曰點心), nghĩa là "món ăn nhẹ được gọi là điểm tâm".

Trong tiếng Việt, điểm tâm là cách phiên theo từ 點心 (dim2 sam1) của người Quảng Đông. Tuy nhiên khái niệm điểm tâm ở VN thường được hiểu là bữa sáng (bữa ăn sáng), còn ở Trung Quốc lại là bữa ăn nhẹ lót dạ. Đối với bữa sáng, người Trung Quốc gọi là tảo xan (早餐, zǎocān), tảo điểm (早点), quá tảo (过早) hay tảo phạn (早饭). Riêng tảo xan (早餐) thì tương ứng với từ breakfast xuất hiện trong tiếng Anh từ giữa thế kỷ 15 (trước đó, bữa sáng trong tiếng Anh cổ được gọi là undernmete hay morgenmete).

Trong tiếng Nhật, bữa sáng được gọi là triều thực (朝食, ちょうしょく, chōshoku), tương ứng với từ Frühstück (Đức), morgunmatur (Iceland), morgenmad (Đan Mạch), colazione (Ý) hay ontbijt (Hà Lan).

Trong một số ngôn ngữthuật ngữ bữa sáng có khuynh hướng trở thành bữa trưa, ví dụ như déjeuner (hay petit déjeuner) trong tiếng Pháp có nghĩa là bữa sáng trước đây, hiện giờ là bữa trưa; từ almuerzo (bữa sáng) trong tiếng Tây Ban Nha ngày xưa giờ lại là bữa trưa… Tuy cùng một ngôn ngữ song cách gọi bữa sáng lại khác nhau tùy theo quốc gia, ví dụ như trong tiếng Bồ Đào Nha: quebra-jejum, mata-bicho (tiếng Bồ Đào Nha Angola và Mozambique), almorço (tiếng Galicia), pequeno-almoço (tiếng Bồ Đào Nha châu Âu) hoặc café da manhã (tiếng Bồ Đào Nha Brazil).

Thời gian ăn sáng cũng khác nhau tùy theo quốc gia. Bữa sáng (ientaculum) ở La Mã cổ đại bắt đầu từ 3 hoặc 4 giờ sáng (theo nhà thơ Latin Martial, thế kỷ 1), còn ở nước Pháp, dưới thời Francis I, người dân dự thánh lễ lúc 8 giờ rồi dùng bữa đầu tiên trong ngày vào khoảng 10 giờ…

Loại bữa sáng cũng có khác biệt. Các gia đình Nhật Bản hiện đại có 2 loại bữa sáng chính: kiểu Nhật (rất phổ biến, thường vào cuối tuần và những ngày nghỉ làm); kiểu phương Tây (các cặp vợ chồng trẻ thích hơn). Ở Ấn Độ có ít nhất 25 loại bữa sáng, mỗi loại có hơn 100 món khác nhau, thường được chia thành 2 nhóm chính: Nam Ấn Độ và Bắc Ấn Độ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.