Lắt léo chữ nghĩa: 'Căn cước' và 'Thẻ căn cước'

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
02/12/2023 07:27 GMT+7

Trong tiếng Việt, căn cước là từ đa nghĩa chứ không có nghĩa duy nhất dùng trong thuật ngữ "Thẻ căn cước", ví dụ: "Rễ sinh ra; có căn cước vững bền" (Đại Nam Quấc âm tự vị, 1895).

Căn cước trong câu trên có nghĩa là "gốc, chân đứng". Đây là từ ghép có nguồn gốc từ Hán ngữ, kết hợp giữa 2 chữ căn (根) và cước (脚). Căn có nghĩa là rễ cây; nền tảng, nguồn gốc… (và những nghĩa khác); cước là chân người hoặc động vật; rễ nhỏ của thực vật (và những nghĩa khác).

Trong Hán ngữ, từ ghép căn cước (根脚/跟, gēn jiǎo) dùng để chỉ gót chân; gốc rễ thực vật hoặc nền móng kiến trúc; nền tảng sự vật; cỡ giày vừa vặn (phương ngữ miền bắc Trung Quốc); sự nối tiếp nhau ngay lập tức; người hầu, người giúp việc ("căn cước này khá trung thành với chủ nhân của nó"- Quốc ngữ từ điển). Song trong bài này, căn cước có nghĩa là "gia thế, xuất thân, lý lịch" ("…, tôi cắn ngón tay, viết những vệt máu lên tờ giấy, ghi chi tiết tên cha mẹ và nguồn gốc căn cước của tôi" - Phụ lục chương 8 của bộ Tây Du Ký).

Ở VN thuật ngữ Thẻ căn cước xuất hiện từ thời Pháp thuộc, dịch từ chữ Carte d'identité trong tiếng Pháp, ví dụ quyển Danh-từ pháp-luật lược-giải (1965) của Trần Thúc Linh có đoạn: "Identité ( carte d ' ): thẻ căn cước. Nghị định ngày 9.11.1918 đặt ra thẻ căn cước" (tr.561). Đến ngày 6.9.1946, Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành sắc lệnh sử dụng Thẻ công dân thay cho Thẻ căn cước. Từ năm 1957, Thẻ công dân được thay bằng Giấy chứng minh nhân dân (gọi tắt là chứng minh thư hoặc giấy chứng minh). Từ năm 2016, Giấy chứng minh nhân dân được thay bằng Căn cước công dân. Ngày 27.11.2023, Quốc hội đã thông qua dự án luật Căn cước, đổi tên Căn cước công dân thành Thẻ căn cước (có hiệu lực kể từ 1.7.2024).

Ở miền Nam VN, thuật ngữ Thẻ căn cước được sử dụng cho đến tháng 4.1975. Tuy là cụm từ Hán Việt, song Thẻ căn cước không dịch từ thuật ngữ tương ứng mà người Trung Quốc sử dụng là Thân phận chứng (身分證, Shēnfèn zhèng). Nguyên mẫu của Thân phận chứng xuất hiện ở Trung Quốc vào thời nhà Đường, do triều đình ban hành với tên gọi là Ngư phù (魚符), dùng để trao cho quan chức. Ngư phù là một vật bằng gỗ hoặc kim loại, có hình dạng giống như con cá, được chia thành hai mảnh bên trái và bên phải, trên đó có khoan những lỗ nhỏ để buộc chặt, khắc tên quan chức, nơi làm việc và cấp bậc của người đó. Đến đời nhà Minh thì Thân phận chứng dùng cho mọi tầng lớp nhân dân, được gọi là Nha bài (牙牌). Ngày nay, Thân phận chứng hiện đại ở Trung Quốc hầu hết là dạng thẻ thông minh công nghệ cao, có khả năng quét và đọc bằng máy tính.

Người Nhật cũng sử dụng thuật ngữ Thân phận chứng (身分證, みぶん しょう), song họ thường dùng cụm từ Thân phận chứng minh thư (身分証明書, みぶんしょうめいしょ) hoặc cách viết tắt là ID (tiếng Anh: identity document) - ta thường gọi là "giấy tờ tùy thân".

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới sử dụng các loại giấy tờ tùy thân khác nhau. Một số quốc gia không có thẻ căn cước (identity card), thay vào đó, họ sử dụng hộ chiếu; thẻ an sinh xã hội, thẻ nhận dạng do ngân hàng cấp hoặc bằng lái xe… 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.