Đi tìm thung lũng MiG: Kỳ công chuẩn bị lực lượng và đào tạo cán bộ

18/09/2023 07:26 GMT+7

Thật khuyết điểm nếu tìm hiểu lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam mà không có được kiến thức về một thời chỉ có 2 chiếc máy bay rách của Bảo Đại biếu lại nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi thoái vị.

BAN NGHIÊN CỨU KHÔNG QUÂN (1949)

Với 2 chiếc máy bay này, Bác Hồ và Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra quyết định thành lập Ban nghiên cứu Không quân năm 1949. Ban đã triệu tập về đây những "trí thức quân sự" cao cấp để làm lãnh đạo và tuyển chọn để đào tạo một số ngành hàng không và nghiên cứu cách đối phó với không quân Pháp.

Không quân Pháp khi đó hoàn toàn làm chủ bầu trời, gây cho ta nhiều thiệt hại và rất khó khăn trong các trận đánh nhỏ từ thời gian đầu đến các chiến dịch tấn công hay phòng ngự của ta trên chiến trường miền Bắc. Năm 1947, chương trình huấn luyện bộ đội trong các đơn vị chủ lực mới được bổ sung nội dung bắn máy bay địch bằng súng bộ binh, kỹ thuật đào tạo đắp ụ bắn máy bay, cách tổ chức, chỉ huy tổ, đội bắn máy bay địch. Máy bay của Pháp đã gây nhiều tội ác dã man với nhân dân ta bằng cách ném bom tàn phá các đập nước (thác Huống - Thái Nguyên, Bái Thượng - Thanh Hóa, Bến Thủy - Nghệ An, Trung Lương - Hà Tĩnh). (…)

Trước đó, vua Bảo Đại khi thoái vị đã tặng Chính phủ 2 máy bay của cá nhân (1 chiếc Tiger Moth và 1 chiếc Morane Saulnier). Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu giao cho Cục trưởng Cục Quân huấn Phan Phác tổ chức đưa 2 máy bay này từ Huế ra Hà Nội bằng tàu hỏa rồi đưa lên sân bay Tông (Sơn Tây). Đến khi kháng chiến bùng nổ thì lại tháo rời máy bay ra để chuyển lên Bình Ca, Soi Đúng bằng thuyền.

Đi tìm thung lũng MiG: Kỳ công chuẩn bị lực lượng và đào tạo cán bộ - Ảnh 1.

Tổng tham mưu phó Đào Văn Trường (đứng giữa) trao bằng tốt nghiệp cho học viên Ban nghiên cứu Không quân

Tư liệu tác giả

Đầu năm 1949, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Cục trưởng Cục Quân huấn Phan Phác trực tiếp báo cáo và xin chỉ thị của Hồ Chủ tịch về chủ trương xây dựng cơ sở ban đầu của không quân, hải quân và một số binh chủng khác và ý định thành lập "Đội huấn luyện Không quân".

Sau khi đã trao đổi cặn kẽ, Bác chỉ thị: "Ta đã làm cái gì thì phải làm cho được, phải kiểm tra thực tế các mặt xem có thực hiện được không? Còn hướng đi chiến lược để đón trước thời cơ là như thế này"...

Khi nghiên cứu kỹ lời căn dặn của Bác, ngày 9.3.1949, Bộ Quốc phòng đã ra quyết định thành lập Ban nghiên cứu Không quân với nhiệm vụ là xây dựng cơ sở nghiên cứu bước đầu về không quân, tìm hiểu hoạt động của không quân Pháp để tìm cách chống lại chúng, chuẩn bị cơ sở vật chất, tài liệu và huấn luyện cán bộ để đón thời cơ…

"NÔNG TRƯỜNG THÍ NGHIỆM"

Trên cơ sở chỉ thị đầu tiên về không quân này, Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục Chính trị đã tuyển chọn, điều động về đây những cán bộ trí thức hiếm hoi trong toàn quân để làm chỉ huy, quản lý. Đó là các ông: Hà Đổng - cán bộ của cơ quan Bộ Quốc phòng làm Trưởng ban, Đoàn Mạnh Nghi phụ trách công tác Đảng. Đầu năm 1950 điều thêm ông Trần Hiếu Tâm cán bộ Tỉnh đội Hà Giang nguyên là học sinh Trường Kỹ nghệ là Chính trị viên. "Ban nghiên cứu Không quân" được thành lập một chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ Tham mưu.

Địa điểm đóng quân là thôn Ngòi Liễm, xã Hữu Lộc, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang cách nơi đóng quân bí mật của Bộ Tổng tham mưu không xa và có tên là "Nông trường thí nghiệm".

Để bảo đảm giáo viên giảng dạy, Bộ Quốc phòng đã triệu tập được một số giáo viên chuyên ngành cơ khí, khí tượng học trường Pháp và tận dụng những hàng binh của quân đội lê dương Pháp có các quốc tịch như Đức, Nhật, Áo…

Để hiểu kỹ hơn về thời gian phôi thai trứng nước này của Không quân nhân dân và cả Phòng không, tôi đã tìm đọc những trang hồi ức của những người chủ trương và trực tiếp tham gia xây dựng Ban nghiên cứu Không quân 1949 - 1951. Đó là các ông Đại tá Phan Phác - Cục trưởng Cục Quân huấn đầu tiên (23.3.1946) và quyền Tổng tham mưu phó từ 18.6.1949 theo sắc lệnh số 54 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau chống Pháp, ông Phan Phác chuyển ngành sang Bộ Nông lâm làm Cục trưởng. Ông Hà Đổng nguyên Trưởng ban nghiên cứu Không quân, sau hòa bình chuyển ngành sang Bộ Nông lâm làm Vụ trưởng. Ông Trần Hiếu Tâm nguyên Chính trị viên Ban nghiên cứu Không quân trước khi nghỉ hưu là Thiếu tướng Phó Tư lệnh Quân khu Thủ đô. Ông Nguyễn Tâm Trinh nguyên Đại đội trưởng phụ trách học viên, phục vụ trong lực lượng Phòng không đến Đại tá - Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không.

Ban nghiên cứu Không quân đã tiến hành bay thử chiếc Tiger Moth do phi công người Đức (tên là Đức Việt) cùng ông Nguyễn Văn Đống buồng sau điều khiển. Nhưng chuyến bay đã không gặp may mắn vì cả máy bay và "phi công" đều quá hạn khai thác phải hạ cánh bắt buộc xuống bờ sông Gâm.

Đồng chí Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đã nhiều lần kiểm tra hoạt động của Ban nghiên cứu sân bay tại Ngòi Liễm và dự lễ bế mạc khóa 1 đào tạo hoa tiêu. (còn tiếp) 

(Trích Đi tìm thung lũng MiG - Phạm Phú Thái - NXB Thông tin và Truyền thông)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.