Sách hay:

Đi tìm thung lũng MiG - thiên lịch sử của Không quân nhân dân Việt

14/09/2023 07:13 GMT+7

"Một cuốn lịch sử đích thực về các trận không chiến của không quân và kèm đó là những chuyện bên lề bổ ích".

Một cựu phi công của Không quân nhân dân VN đã chia sẻ như vậy khi đọc xong Đi tìm thung lũng MiG (gồm 5 chương với gần 600 trang sách) của tác giả Phạm Phú Thái do NXB Thông tin - Truyền thông ấn hành đầu tháng 8.2023.

Đi tìm thung lũng MiG - thiên lịch sử của Không quân nhân dân Việt   - Ảnh 1.

Trung tướng - Anh hùng LLVTND Phạm Phú Thái (trái) và Anh hùng LLVTND Lê Thanh Đạo

Khải Mông

PHÁ VỠ CÁCH VIẾT ĐỒNG PHỤC HỒI KÝ

Trung tướng - Anh hùng LLVTND Phạm Phú Thái, cái tên quen thuộc với bạn đọc trong gần 10 năm qua. Nghỉ hưu mà không hưu, ông bẻ lái sang một lĩnh vực hoàn toàn mới là cầm bút viết sách. Ban đầu, ông cuốn hút bạn đọc với hồi ký mở màn Lính bay. Phá vỡ cách viết "đồng phục hồi ký", tác giả Phạm Phú Thái đưa bạn đọc say mê theo trang sách của ông với chất lính, chất đời. Lính bay tập 1 rồi Lính bay tập 2 đã trở thành hiện tượng thu hút người đọc. Giờ đây, công chúng yêu quý trung tướng Phạm Phú Thái thường gọi tác giả là ông "Lính bay"!

Với hai tập hồi ký cá nhân, dù được bạn đọc đón nhận, song đến cuốn sách thứ ba mang tên Đi tìm thung lũng MiG, tác giả lại khá chật vật để chọn cách thể hiện. Đi tìm thung lũng MiG không còn là hồi ký cá nhân của người phi công hào hoa được mệnh danh "bay như Thái" nữa. Nội dung cuốn sách viết về gần 100 liệt sĩ - phi công lái máy bay MiG-17 không chiến với phi công không quân và phi công không quân hải quân của Không lực Mỹ những ngày đầu tiên bắt đầu từ năm 1965 và kết thúc là năm 1967. Cuốn sách này, như lời chia sẻ của tác giả từ những trang đầu, ra đời từ sự gợi ý, khích lệ của Anh hùng phi công huyền thoại MiG-17: đại tá Nguyễn Văn Bảy (1936 - 2019).

Tác giả Phạm Phú Thái và đồng đội của mình đã dành nhiều thời gian, công sức sưu tầm và tìm gặp lại những cựu phi công của Không quân nhân dân VN để hỏi chuyện, ghi chép, thẩm định và đối chiếu nhiều nguồn tư liệu kỹ càng. Vì vậy, Đi tìm thung lũng MiG là một cuốn lịch sử đích thực. Ở đây, bạn đọc không chỉ biết đến các trận không chiến của Không quân nhân dân VN chống lại Không lực Mỹ đánh phá miền Bắc trong những năm 1965 - 1967, mà còn được biết từ lịch sử ra đời của Ban Nghiên cứu không quân từ trong kháng chiến chống Pháp năm 1949 với nhân chứng lịch sử là đại tá Nguyễn Tâm Trinh (1928 - 2023). Từ vốn liếng ban đầu là 2 chiếc máy bay của ông Cố vấn Vĩnh Thụy bàn giao cho Chính phủ được Ban Nghiên cứu không quân đem vào bay thử nghiệm huấn luyện, do điều kiện chưa cho phép phải giải thể; cho đến Ban Nghiên cứu sân bay năm 1955 ở miền Bắc mà trưởng thành đến Quân chủng Phòng không - Không quân năm 1963.

Đi tìm thung lũng MiG - thiên lịch sử của Không quân nhân dân Việt   - Ảnh 2.

Sách Đi tìm thung lũng MiG

"HẺM NÚI THẦN SẤM"

Đi tìm thung lũng MiG cho bạn đọc biết tới "Hẻm núi Thần Sấm" (Thud Ridge) vẫn thường được các cựu phi công Mỹ nhắc tới (tên cuốn sách của đại tá Jack Broughton - cựu Phó chỉ huy không đoàn 355 TFW - người đã tham gia và chỉ huy hàng trăm lần máy bay F-105 đánh phá miền Bắc VN). Bên cạnh đó, các cựu phi công Mỹ còn thường xuyên nhắc tới "Cánh đồng MiG" (MiG Airfield), "Thung lũng sông Hồng" (Red River Valley) với những trận đánh khốc liệt giữa phi công hai bên VN - Mỹ. Đó là địa danh đã diễn ra những trận không chiến ác liệt giữa không quân VN trên những chiếc Mig-17 cổ lỗ với không quân Hoa Kỳ hiện đại: F-105 (Thần sấm), F-4 (Con ma)…

Tổng thể cả cuốn sách không phải chỉ có thành tích, chiến công của những anh hùng phi công Trần Hanh, Phạm Ngọc Lan, Đào Đình Luyện, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Văn Bảy, Đinh Tôn… tác giả còn muốn nói đến mặt sau của chiến công, cho nên có nhiều máu và nước mắt (dù đã được kiềm chế).

Đi tìm thung lũng MiG cho bạn đọc hôm nay biết đến nhiều gương mặt liệt sĩ phi công ít được biết đến như Bùi Đình Kình, Đồng Văn Đe, Trần Ngọc Xíu, Lê Văn Phong, Hà Đình Bôn, Trần Minh Phương, Trần Thiện Lương, Nguyễn Văn Phi, Phan Thanh Tài….

Trung tướng - Anh hùng LLVTND Phạm Phú Thái sinh năm 1949, quê tại H.Kiến Xương, Thái Bình… Ông là phi công lái máy bay MiG-21 đã trực tiếp không chiến và bắn hạ 4 máy bay của Không lực Mỹ. Trước khi nghỉ hưu, ông từng đảm nhiệm các chức vụ: Phó tư lệnh thứ nhất Quân chủng Phòng không - Không quân, Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng...

Ông là thành viên tham gia trong tổ Cựu chiến binh, nhân sĩ trí thức tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm lịch sử tới Mỹ (từ 5 - 11.7.2015) theo lời mời của Tổng thống Barack Obama.

Cuốn sách cho bạn đọc hôm nay biết đến người dẫn đường tài năng như Nguyễn Văn Chuyên, Trần Quang Kính, Đào Ngọc Ngư, Lê Thiết Hùng, Phạm Minh Cậy… ở Binh chủng Không quân và Binh chủng Ra-đa…

Đi tìm thung lũng MiG cho bạn đọc hôm nay biết đến những trận đánh chưa được nhắc tới như sự tham gia của phi công Triều Tiên (tên mật danh là Bạn Z hay Đoàn 927). Phi công Triều Tiên sang VN học hỏi không chiến để có kinh nghiệm trở về xây dựng và huấn luyện không quân nước bạn. Hiện nay, một nghĩa trang phi công Triều Tiên vẫn hiện diện tại thôn Tân Dĩnh, H.Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, minh chứng cho tình hữu nghị của hai quốc gia.

Không chỉ ôn lại quá khứ, trong sách Đi tìm thung lũng MiG tác giả Phạm Phú Thái còn hướng về mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp hiện nay và tương lai của hai nước VN - Mỹ. Sau 3 cuộc gặp gỡ lịch sử (2016, 2017 và 2018) cựu chiến binh phi công hai phía hiểu nhau hơn. Họ trở thành cầu nối tạo điều kiện cho thế hệ tiếp sau được thụ hưởng cuộc sống hòa bình theo đường lối ngoại giao cùng "gác lại quá khứ để hướng tới tương lai" trên tinh thần "vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.