Đi tìm thung lũng MiG: Hai ngày đánh thắng trận đầu

20/09/2023 07:24 GMT+7

Theo thông tin tình báo của Bộ Tổng tham mưu, không quân Mỹ sẽ có đợt hoạt động lớn ra khu vực Thanh Hóa mà sau này ta được biết đến với cái tên "Sấm Rền - 32".

Quân chủng Phòng không Không quân đồng ý với quyết tâm của Trung đoàn trưởng 921 về việc đưa phi công vào trận để rèn luyện và thử thách.

TRẬN ĐÁNH NGÀY 3.4.1965

Biên đội Long - Túc - Quỳ - Phương (gồm các phi công: Lê Trọng Long, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương) được phân công trực ngày 3.4 nhưng phi công Lê Trọng Long có vấn đề sức khỏe nên trung đoàn đưa chủ nhiệm bay Phạm Ngọc Lan ra thay. Biên đội nghi binh, thu hút địch là Hanh - Giấy (phi công Trần Hanh - Phạm Giấy)...

Đi tìm thung lũng MiG: Hai ngày đánh thắng trận đầu - Ảnh 1.

Phi công Trần Hanh (sau là Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) xem lại thước phim diễn biến trận không chiến được ghi trên máy bay MiG-17

Tư liệu tác giả

Theo phương án chiến đấu, sở chỉ huy quân chủng lệnh cho biên đội Trần Hanh - Phạm Giấy cất cánh từ sân bay Đa Phúc bay về phía tây Thanh Hóa lúc 9 giờ 47. Sau đó biên đội Phạm Ngọc Lan, Phan Văn Túc, Hồ Văn Quỳ, Trần Minh Phương xuất kích và bay trùng với vệt bay của biên đội Hanh - Giấy về khu vực Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc. Gần 20 máy bay các loại của hải quân và không quân Mỹ triển khai đội hình đánh cầu Đò Lèn, cầu Tào, cầu Hàm Rồng. Số 4 Trần Minh Phương phát hiện và báo cáo biên đội trưởng.

Biên đội trưởng Lan ra lệnh: "Vứt dầu phụ, tăng tốc độ, lên độ cao 4.000. Chú ý cảnh giới!". Cùng lúc Phạm Ngọc Lan phát hiện gần đám mây là 4 chiếc F-8 đang tiến hành công kích mục tiêu mặt đất theo đội hình từng tốp 2 chiếc kéo dài. Xông vào giữa đội hình máy bay địch vừa kéo máy bay lên độ cao 2.000 - 3.000 m để thoát ly khỏi bổ nhào đánh bom, máy bay của Phạm Ngọc Lan bị xông lên trước… Thấy mình đã lỡ trớn nên anh lệnh cho Phan Văn Túc: "Số 2 vào công kích - tôi yểm hộ biên đội 2 đánh tốp địch phía sau!". Nhưng khi thấy cự ly mà số 2 bám sau máy bay địch còn xa nên nhắc: "Đừng bắn vội, còn xa đấy!"…

2 chiếc F-8 vừa thoát ly khỏi công kích mục tiêu trên mặt đất, bay vọt lên nên có vẻ thất thế hơn về tốc độ, lại thấy loạt đạn của Phan Văn Túc bắn tới tấp nên vội vã chúi đầu máy bay xuống để tăng tốc. Phạm Ngọc Lan từ phía trên thấy điều kiện để bám vào sau máy bay địch tốt hơn nên đã báo cho Phan Văn Túc: "Tôi công kích tiếp", đồng thời đưa chiếc F-8 vào vòng ngắm!...

Hôm đó ba phi công đã nổ súng là Lan, Túc, Quỳ. Hai chiếc F-8 đã trúng đạn của Phan Văn Túc và Phạm Ngọc Lan đâm chúi xuống phía dưới mang theo khói, lửa trên thân, cánh lao vào tầng mây mù, biến mất.

BẮN HẠ "THẦN SẤM"

Trận này diễn ra theo kịch bản về tổ chức chỉ huy, điều hành và cách đánh gần giống như ngày 3.4, khác hơn là loại máy bay F-105 trở thành đối tượng đánh. Đây là trận đánh được đánh giá cao vì có được những bằng chứng thuyết phục hàng đầu là thước phim bắn cháy F-105 của phi công - Đại úy Trần Hanh và hệ thống trạm quan sát mắt ở khu vực cầu Hàm Rồng, Đò Lèn báo về. Cộng với ngay tối hôm đó hệ thống truyền thông các nước tư bản đã đồng loạt đăng tải tin tức về thất bại này của không quân Mỹ. Việc này đã giúp lãnh đạo quân đội và quân chủng nhanh chóng xác nhận và công bố chiến công của biên đội Hanh - Giấy - Huân - Năm (gồm Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm). Không quân Mỹ lúc đó tự nhận bị rơi 2 chiếc F-105 Thần sấm và không bắn rơi được chiếc nào của không quân Bắc Việt. Đó là 2 chiếc F-105 bị trúng đạn be bét, từ máy bay của Trần Hanh và Lê Minh Huân. Những phi công này (Zin-1 - Thiếu tá Frank Everett Bennett và Zin-2 - Đại úy James A.Magnusson đều thuộc phi đoàn 354/không đoàn 355 TFW) đã cố gắng đưa máy bay ra biển mới chịu nhảy dù và đều được coi là chết trận vì không kịp cấp cứu.

Đối với không quân ta, đây là trận thắng vang dội nhưng vô cùng bi tráng với tổn thất 3 phi công hy sinh, 4 máy bay bị thiệt hại.

Cũng theo tài liệu mới được giải mã từ phía Mỹ thì có thể xác nhận thêm 1 chiếc F-105 sau trận đánh về hạ cánh trong tình trạng hỏng hóc không thể sửa sang được nữa. Đó là chiến công thứ 3 cho biên đội Hanh - Giấy - Huân - Năm. Trận này không quân Mỹ chỉ nhận bắn rơi một chiếc MiG-17 của ta. Đó là phi công bay trên máy bay đã được công nhận chiến công F-100 khi đi làm nhiệm vụ bảo vệ cho các máy bay cường kích F-105.

Chính ủy Chu Duy Kính trầm ngâm nói về những ngày hào hùng và bi tráng của lớp phi công đầu tiên - là những người lính bộ binh đã tham gia kháng chiến chống Pháp, nay sang chiến đấu ở mặt trận mới - mặt trận trên không:

"Thắng oanh liệt vậy, ý nghĩa lịch sử như thế nhưng tổn thất cũng quá lớn đối với trung đoàn. Một không khí nặng nề bao trùm cả đơn vị, nhất là trong đội ngũ phi công. (...) Những người lãnh đạo và chỉ huy từ trung đoàn tới Quân chủng và Bộ Tổng tư lệnh đã kịp thời can thiệp bằng lệnh cho tạm dừng xuất kích chiến đấu để rút kinh nghiệm và chấn chỉnh những tư tưởng phát sinh…".

 (còn tiếp) 

(Trích Đi tìm thung lũng MiG - Phạm Phú Thái - NXB Thông tin và Truyền thông)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.