Đi tìm thung lũng MiG: Gác lại quá khứ để hướng tới tương lai

01/10/2023 06:30 GMT+7

Những đau thương mất mát thù hận rồi cũng phải để sang một bên để mưu sinh, để kiếm sống và nhất là tạo điều kiện cho thế hệ tiếp nối được thụ hưởng cuộc sống hòa bình.

Tôi đã cố gắng viết về các phi công chiến đấu trên cả hai loại máy bay MiG-17 và MiG-21 trong những năm 1965 - 1967. Viết nhiều hơn là các trận đánh của những con người còn ít được biết đến nên có phần bi hùng, đôi khi thành bi tráng.

Đi tìm thung lũng MiG: Gác lại quá khứ để hướng tới tương lai - Ảnh 1.

Cuộc gặp khép lại quá khứ giữa những “kẻ thù trên không cũ”

Tư liệu tác giả

Trong đó có không ít những trận đánh không thành công, thậm chí thua cay đắng và những hy sinh, tổn thất lớn lao. Đó là cái giá phải trả để làm nên chiến thắng sau đó.

Tôi cũng ít viết sâu về những phi công đã có những chiến tích vang dội, xuất sắc khi họ đã có danh phận, được nhiều người biết đến vì đã được nhiều sách báo truyền thông truyền tải tới mọi thành phần trong xã hội. Vì nặng lòng với những cống hiến, hy sinh đôi khi thầm lặng đến thiệt thòi nên những nội dung viết ra của tôi không phải được tất cả ưa thích… Nội dung viết phản ánh những gì ít được biết đến để mọi người có thêm một góc nhìn, thêm chút hiểu biết cho đầy đủ hơn những chiến công không dễ dàng của không quân nhân dân Việt Nam trước không quân Mỹ.

Trong cuộc chiến vô cùng ác liệt để giành độc lập tự do của dân tộc Việt Nam đã có nhiều phi công của Không quân nhân dân Việt Nam hy sinh cùng với hàng chục vạn, hàng triệu người con ưu tú của đất Việt.

VƯỢT QUA KHÁC BIỆT, PHÁT HUY TƯƠNG ĐỒNG

Sau chiến tranh sự cảnh giác, đề phòng, thù hận, ghét bỏ, với người Mỹ, nước Mỹ không thể cởi bỏ nhanh chóng được.

Sự cay đắng ấm ức đã làm bao thế hệ người Mỹ dính vào "Hội chứng chiến tranh Việt Nam". Hơn 20 năm can dự rồi trực tiếp tham chiến (1954 - 1975) để rồi 20 năm nữa mới có thể bình thường hóa quan hệ khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton ra tuyên bố về việc này (11.7.1995). Ngay ngày hôm sau, 12.7.1995, Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ.

Thời gian đã xoa dịu dần nỗi đau và sự thù hận nhưng rồi cũng phải đợi tiếp 20 năm nữa (2015) người Mỹ mới thừa nhận và có sự tôn trọng đầy đủ thể chế chính trị của đất nước Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo bằng sự kiện tiếp đón long trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại thủ đô Washington. Đường lối ngoại giao của hai bên "có lẽ" gặp nhau ở điểm "Gác lại quá khứ để hướng tới tương lai" trên tinh thần "vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng". Chính vì vậy mà đã có cuộc tiếp đón lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 5 - 11.7.2015. Tôi thấy mình thực sự rất may mắn được chỉ định tham gia trong tổ cựu chiến binh, nhân sĩ trí thức tháp tùng Tổng Bí thư trong chuyến thăm này.

Sau cuộc gặp lịch sử tháng 7.2015, nhiều hoạt động của các ngành kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự, giáo dục… đã có chuyển biến mạnh mẽ. Hoạt động ngoại giao cựu chiến binh giữa hai bên Mỹ - Việt được thúc đẩy. Đặc biệt nổi lên là cựu chiến binh - phi công đã tổ chức 3 cuộc gặp gỡ lịch sử giữa những "kẻ thù trên không cũ" vào 3 năm 2016, 2017 và 2018…

Qua đó chúng tôi - các cựu phi công từ hai phía hiểu nhau hơn. Từ căng thẳng, nghi kỵ đến chấp nhận sự khác biệt trong đánh giá kết quả tác chiến giữa "Không quân nhân dân Việt Nam và các lực lượng không quân Mỹ". Chúng tôi cũng hiểu rằng những người lãnh đạo chỉ huy cũ của hai bên phần đông đã quá già và nhiều người đã mất. Họ không còn khả năng có chính kiến khi hai bên đều đưa ra ý kiến phủ định. Thực tế đã chứng minh khá rõ: Ai là người thắng cuối cùng trong chiến tranh Mỹ - Việt này.

Có nhiều bạn trẻ, thậm chí có một số người đã có tuổi, vẫn có cách nhìn nhận, đánh giá theo kiểu tuyên huấn ngày xưa, không thật thực tế, có lúc bốc đồng dùng từ ngữ không chuẩn kiểu như không quân Mỹ sợ chết khiếp khi gặp không quân ta, rồi bái phục không quân Việt Nam… nọ kia. Xin được nói rõ thế này: Phi công Việt Nam chúng tôi không bao giờ tự huyễn hoặc rằng mình giỏi hơn phi công Mỹ. Mình đánh được là nhờ thế trận phòng không nhân dân rộng khắp, cái đó mới làm phi công Mỹ khiếp sợ chứ không phải riêng lực lượng tên lửa, cao xạ, hay không quân.

Tuy nhiên, cả trên không, cả dưới mặt đất vẫn luôn có kẻ hèn nhát hữu khuynh, dao động. Vì vậy phải có những cá nhân dũng cảm, anh hùng, dám đánh, dám sẵn sàng hy sinh tìm ra cách đánh và đánh thắng như các phi công mà tiêu biểu như Trần Hanh, Lê Minh Huân, Ngô Đức Mai, Lê Hải, Nguyễn Văn Bảy, Võ Văn Mẫn… trên loại

MiG-17 hay Nguyễn Hồng Nhị, Hà Văn Chúc, Nguyễn Văn Cốc, Nguyễn Đăng Kính, Đồng Văn Song, Nguyễn Tiến Sâm, Phạm Tuân, Lê Thanh Đạo, Hoàng Tam Hùng, Võ Sỹ Giáp, Vũ Xuân Thiều… trên MiG-21.

Xin được tri ân và mãi mãi ghi nhớ công ơn của các anh. Cầu mong cho con cháu chúng ta mãi được sống dưới bầu trời hòa bình. 

(Trích Đi tìm thung lũng MiG - Phạm Phú Thái - NXB Thông tin và Truyền thông)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.