Đề án 'tự soi' của Quảng Ninh

12/11/2014 07:00 GMT+7

Từ đầu năm 2014, tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn xây dựng và triển khai Đề án 25 để toàn Đảng tự chấn chỉnh.

Bà Lê Thị Bích Hường (ảnh), Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy đã có cuộc trao đổi với Thanh Niên xung quanh đề án trên.

Bà Lê Thị Bích Hường cho biết: “Tên đầy đủ của Đề án 25 là “Nâng cao năng lực, sức chiến đấu; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tinh giản bộ máy, biên chế”.

Xuất phát từ việc nhìn ra được những tồn tại trong năng lực lãnh đạo của Đảng và những bất cập, yếu kém trong hoạt động của tổ chức bộ máy của Quảng Ninh hiện nay, nên chúng tôi đã quyết định xây dựng đề án này.

Thông qua Đề án 25, cả hệ thống chính trị sẽ nghiêm túc tự đánh giá sự lãnh đạo của Đảng trên địa bàn tỉnh mình đã toàn diện chưa? Năng lực, phương thức lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng như thế nào? Thấy rõ ưu điểm để tiếp tục phát huy và nhân rộng. Quan trọng hơn là nhìn thấy yếu kém trong nội tại tổ chức, cơ quan đơn vị của mình, tìm nguyên nhân và cách khắc phục”.

Cụ thể thì Quảng Ninh đã tự nhìn ra những yếu kém gì của chính mình?

"Đề án 25 đã làm cho mỗi một cán bộ phải nhìn nhau mà sốt ruột, vì thấy mình chưa làm được tốt như người khác"

Lê Thị Bích Hường

Đó là tổ chức bộ máy của các cấp rất cồng kềnh; hiệu quả trong điều hành và sức chiến đấu chưa cao. Trên thực tế, chức năng nhiệm vụ của các bộ phận đã có hết rồi, nhưng qua rà soát thì có nhiều cơ quan bị trùng chéo nhau, quá nhiều đơn vị sự nghiệp không cần thiết; chức năng nhiệm vụ khó phân định, có nhiệm vụ thì bỏ trống, không bên nào làm; số lượng viên chức tại các đơn vị sự nghiệp tăng nhanh; những việc cơ quan tham mưu của cấp ủy làm thì bên cơ quan chuyên môn của nhà nước cũng làm.

Tôi ví dụ một điển hình là hai cơ quan thanh tra và kiểm tra. Cùng một vụ việc, một đối tượng cán bộ thì thanh tra làm, có kết luận gửi sang ủy ban kiểm tra của Đảng thì bên này lại làm lại, dẫn đến lãng phí thời gian, công sức và thậm chí cả tiền của.

Thấy được yếu kém của mình, Quảng Ninh sẽ có giải pháp gì để khắc phục?

Yêu cầu đặt ra với Quảng Ninh hiện nay là phải tiến hành tinh giản bộ máy, biên chế. Muốn làm được điều này thì trước tiên Đảng phải đổi mới phương thức lãnh đạo của chính mình.

Đảng lãnh đạo thông qua nghị quyết. Tuy nhiên, khi thực hiện Đề án 25, chúng tôi nhận thấy một tình trạng là các cấp từ trước tới nay ban hành quá nhiều nghị quyết. Có nhiều nghị quyết đến bây giờ vẫn còn bị “treo”, chưa đi được vào cuộc sống. Vì vậy, việc xây dựng nghị quyết giờ sẽ phải bám sát yêu cầu thực tế đặt ra, và khi thấy rất cần thiết mới ra nghị quyết. Không ra nghị quyết suông, Đảng phải luôn luôn hiện diện từ lúc ra nghị quyết đến khi nghị quyết thành công.

Tập trung vào Đề án 25 trong thời điểm này liệu có làm ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp sắp tới không, thưa bà?

Thay vì chờ đến cuối năm mới làm báo cáo tổng kết nhiệm kỳ và kiểm điểm công tác lãnh đạo của cấp ủy trong 5 năm, thì ngay từ đầu năm nay, chúng tôi bắt tay xây dựng hẳn một đề án công phu.

Với Đề án 25, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể đã và đang tự đổi mới về tư duy, nhận thức, phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện để góp phần năng cao năng lực, sức chiến đấu và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Việc tinh giản bộ máy, biên chế cũng sẽ tạo cho Quảng Ninh một đội ngũ cán bộ có chất lượng cao. Và theo đó, cùng với 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh đã được công bố từ hôm 13.9, Đề án 25 được chúng tôi xác định là bước chuẩn bị chu đáo nhất và căn cơ nhất cho nhiệm kỳ tới!

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Bích Ngọc
(thực hiện)

>> Kiểm điểm tự phê bình và phê bình
>> Báo cáo kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư
>> Đảng viên cần nâng cao tinh thần tự phê bình
>> Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là khâu mở đầu, mấu chốt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.