Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác: Sôi nổi ý kiến thảo luận

27/09/2023 07:15 GMT+7

Tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ 7 năm 2023, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi tại các diễn đàn và đưa ra các giải pháp để đóng góp cho công tác Đoàn và phong trào thanh niên.

Khơi dậy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong thanh niên

Tại diễn đàn "Nêu cao tinh thần đoàn kết, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc", đại biểu Nguyễn Vũ Cường, Bí thư Đoàn tổ dân phố Gò Công 1, P.Phù Liễn, Q.Kiến An, Hải Phòng, cho rằng hiện nay các thế lực thù địch không ngừng chống phá khối đại đoàn kết dân tộc dưới nhiều hình thức, thủ đoạn quyết liệt và phức tạp hơn. Đối tượng mà các thế lực thù địch hướng đến chính là những học sinh, sinh viên, thanh niên, những người dễ bị kích động, lôi kéo.

Sôi nổi ý kiến thảo luận tại các diễn đàn - Ảnh 1.

Các đại biểu thăm và tìm hiểu tại tòa nhà xanh Một Liên Hiệp Quốc trong khuôn khổ đại hội

NGỌC THẮNG

"Đoàn thanh niên cần triển khai phương thức tập hợp thanh niên trên mạng theo hướng xây dựng, hoàn thiện và kết nối các nhóm của các chi đoàn, Đoàn cơ sở. Từ đó, tạo môi trường thông tin lành mạnh, các sân chơi hấp dẫn trên mạng, từng bước khai thác các ứng dụng, tiện ích của các mạng xã hội đang có số lượng thành viên đông để truyền tải thông tin, nắm bắt dư luận, kịp thời định hướng, giáo dục cho thanh niên", đại biểu Nguyễn Vũ Cường góp ý.

Đại biểu Kha Thanh Trúc, Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao Nghệ An, cho rằng: "Mỗi đoàn viên, mỗi thanh niên sẽ là những tuyên truyền viên tích cực không để các thế lực xấu tác động, lôi kéo, kích động. Các bạn trẻ cần thẳng thắn, kiên quyết đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, âm mưu, thủ đoạn lôi kéo, xúi giục thanh niên chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc".

Cần thay đổi cách thức dạy ngoại ngữ

Tại diễn đàn "Thanh niên VN tự tin hội nhập", đại biểu Chu Đức Hà, giảng viên Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng cần thay đổi cách thức dạy ngoại ngữ. Theo đại biểu Hà, hiện nay chất lượng dạy và học ngoại ngữ tại các khu vực thành thị, nông thôn không đồng đều, gây nên sự không công bằng trong việc tiếp cận giáo dục ngoại ngữ, cơ hội học bổng hay chương trình trao đổi văn hóa. Nhiều thanh niên còn thiếu kỹ năng giao tiếp quốc tế và hiểu biết sâu sắc về văn hóa toàn cầu.

Những nỗ lực của thanh niên, thế hệ trẻ sẽ giúp duy trì bản sắc văn hóa, tạo ra sự đa dạng văn hóa và thúc đẩy sự tôn trọng về văn hóa dân tộc. Điều này giúp mối liên kết văn hóa mạnh mẽ hơn và làm phong phú thêm cho thế giới.

Đại biểu Nguyễn Anh Hải, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên)

Đại biểu Chu Đức Hà đề xuất Đoàn - Hội sinh viên của các trường học cần tạo và tăng cường hơn nữa vai trò của các mô hình câu lạc bộ ngoại ngữ để sinh viên có cơ hội kết nối, giao lưu, tạo động lực cho sinh viên mất gốc tiếng Anh tích cực thực hành. Đặc biệt cách thức đào tạo ngoại ngữ trong trường học hoặc các trung tâm ngoại ngữ cũng cần chuyển dịch theo hướng thực tế hơn thay vì chú trọng dạy ngữ pháp.

Đại biểu Lương Văn Trường, Giám đốc HTX Thanh niên Nam Đại Dương (tỉnh Nam Định), cho rằng để thanh niên tự tin hội nhập, cần tổ chức các chương trình học tập và giao lưu quốc tế giúp thanh niên hiểu và tôn trọng đa dạng văn hóa. "Các khóa học về văn hóa, ngôn ngữ, và lịch sử của các quốc gia khác nhau có thể giúp tạo ra sự thoải mái và tạo điều kiện thuận lợi cho giao tiếp, để thanh niên tự tin hội nhập", đại biểu Trường nói.

Sáng tạo nội dung số lan tỏa văn hóa dân tộc

Chia sẻ tại diễn đàn "Vai trò, sứ mệnh của thanh niên, thế hệ trẻ trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chấn hưng văn hóa trong kỷ nguyên số", đại biểu Trần Thị Thu, Bí thư Đoàn thanh niên xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu), cho rằng để phát huy vai trò của thanh niên trong giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trước hết thanh niên phải chủ động tìm hiểu để có nhận thức đúng về văn hóa dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, tự nguyện gìn giữ, từ đó có hành động phát huy. Thanh niên cần chủ động tham gia vào các lễ hội văn hóa với một thái độ nghiêm túc, cầu thị và biết tiếp thu chọn lọc để thấy được cái hay, cái tiến bộ cần phải trân trọng giữ gìn; tích cực tham gia các hoạt động đổi mới sáng tạo trên lĩnh vực văn hóa như thời trang, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa…

Theo đại biểu Trần Thị Thu, khi có nhận thức đúng, mỗi thanh niên hãy là một sứ giả văn hóa để lan tỏa, quảng bá cho những di tích lịch sử, lễ hội truyền thống... của dân tộc mình đến với bạn bè quốc tế thông qua nền tảng số, góp phần định vị nền văn hóa dân tộc VN trên bản đồ văn hóa thế giới.

Đại biểu Nguyễn Anh Hải, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), cho rằng sử dụng internet là công cụ để tạo ra sự nhận thức, các bạn trẻ có thể tham gia sáng tạo nội dung số về văn hóa dân tộc thông qua các video, blog, hoặc podcast để lan tỏa và chia sẻ với thế giới. "Những nỗ lực của thanh niên, thế hệ trẻ sẽ giúp duy trì bản sắc văn hóa, tạo ra sự đa dạng văn hóa và thúc đẩy sự tôn trọng về văn hóa dân tộc. Điều này giúp mối liên kết văn hóa mạnh mẽ hơn và làm phong phú thêm cho thế giới", đại biểu Nguyễn Anh Hải nói.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.