Đà Nẵng căng mình giải bài toán 'sửa sai'

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
28/07/2018 08:30 GMT+7

Câu chuyện làm sao để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân - chính quyền - doanh nghiệp trong quá trình Đà Nẵng “sửa sai” các quyết định trước đó là điều đang được dư luận quan tâm.

Trả lối xuống biển, điều chỉnh "tuổi thọ" sổ đỏ
Theo thống kê, TP đang có chủ trương thu hồi đất liên quan 11 dự án để mở lối xuống biển và thu hồi cả bãi cát giao cho nhà đầu tư quản lý. Đơn cử mới đây, ngoài 2 lối xuống biển đường Hồ Xuân Hương và giữa Furama - Ariyana dự kiến khởi công trong tháng 9 tới và hoàn thành trong 2 tháng, TP.Đà Nẵng cũng đã thu hồi một phần đất chưa xây dựng của một số dự án để mở đường xuống biển cho người dân, như phần giữa dự án Future Property Invest - The Nam Khang Resort Residences (đường Trường Sa, Q.Ngũ Hành Sơn), đường xuống biển dự án Silver Shores Hoàng Đạt và The Song (đường Võ Nguyên Giáp). Các dự án sai phạm liên quan đến Vũ “Nhôm” như các khu du lịch biển I.V.C, Bắc Nam 79 cũng xem xét thu hồi mở rộng công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn và bãi tắm công cộng.
Trước đó, khi dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô bịt lối xuống biển khiến người dân bức xúc, TP cũng nhanh chóng sửa sai bằng việc bàn bạc với Tập đoàn Trung Thủy điều chỉnh Khu du lịch sinh thái Nam Ô theo hướng mở 3 lối xuống biển, mở rộng đường dân sinh, giữ nguyên các công trình tâm linh, cắt khu vực ghềnh đá Nam Ô ra khỏi phạm vi dự án. Mới đây, Công ty CP Hòn Ngọc Á Châu vừa kiến nghị cơ quan chức năng xem xét phương án TP.Đà Nẵng thu hồi toàn bộ dự án đường Võ Nguyên Giáp (Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng), bởi dự án này vẫn đang triển khai theo quy định của pháp luật. Không những vậy, chủ đầu tư cũng đồng ý dành một phần đất để làm lối đi xuống biển như dự án Furama, khoảng 50 m mặt biển, chiều dài 323 m (với diện tích dự kiến khoảng 16.150 m2 sát dự án khu trung tâm du lịch và giải trí quốc tế Silver Shores) để làm công viên cây xanh với lối đi bộ để nhân dân có thể sử dụng chung làm lối đi bộ xuống biển. Chủ đầu tư cũng đồng ý bỏ tiền ra đầu tư lối đi xuống biển, làm bãi tắm công cộng, công viên phục vụ cộng đồng.
Tại kỳ họp HĐND chiều 11.7, Sở Xây dựng TP thông tin thêm sau khi mở đường xuống biển, TP sẽ nghiên cứu làm đường đi bộ sát bãi cát tùy theo địa hình từng vị trí để tiếp tục phục vụ nhu cầu người dân.
TP.Đà Nẵng cũng đang sửa một cái sai khác diễn ra từ nhiều năm trước là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thương mại dịch vụ với thời hạn lâu dài trong khi theo quy định chỉ được 50 năm. Sẽ có khoảng 627 trường hợp cấp sai bị điều chỉnh. Hiện, TP.Đà Nẵng đã giải quyết, điều chỉnh khoảng 90 trường hợp có giao dịch, còn lại các tổ chức, cá nhân không chấp nhận điều chỉnh vì ảnh hưởng đến giá trị lô đất và quyền lợi, chưa kể các lô đất này đã được sang tay qua nhiều chủ. TP.Đà Nẵng đang xin ý kiến Chính phủ để tháo gỡ nhưng nay chưa có kết quả.
Cần hài hòa lợi ích 3 bên
Ông Tô Hùng, Trưởng ban Đô thị HĐND TP.Đà Nẵng, khẳng định thu hồi một phần hoặc toàn bộ dự án ven biển phục vụ người dân tất nhiên sẽ ảnh hưởng lợi ích nhà đầu tư. Việc thu hồi phải đúng quy trình, pháp luật. Nếu dự án không sai phạm, TP sẽ hoán đổi, đền bù thỏa đáng, chủ đầu tư không phải lo ngại.
Theo luật sư Nguyễn Doãn Hồng (Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng), căn cứ luật Đầu tư, các dự án ven biển được thuê đất có thời hạn, trả tiền 1 lần hoặc theo từng năm và có cam kết thời gian thực hiện, gia hạn với TP. Nếu thực hiện không đúng cam kết thì TP thu hồi, còn thực hiện đúng thì TP không thu hồi được. Đối với các dự án đang triển khai, thi công chưa hoàn thiện, hoặc đã đi vào hoạt động, thì chỉ khi doanh nghiệp đồng thuận, TP mới được triển khai thu hồi.
Luật sư Trần Cao Ngãi (Trưởng văn phòng luật sư Trần Cao) cũng cho rằng: Chủ trương của TP.Đà Nẵng về xem xét thu hồi tất cả dự án không triển khai, không đầu tư mà chỉ chiếm dụng, đầu cơ đất suốt thời gian dài là hoàn toàn đúng đắn để đảm bảo mỹ quan, chống lãng phí. Tuy nhiên, đối với những dự án đã đi vào hoạt động, hoặc đang triển khai, TP không thu hồi ngay được mà phải vận động doanh nghiệp chừa lối xuống biển cho người dân. "Tôi nhấn mạnh là phải vận động. Doanh nghiệp cũng nên chia sẻ phần trách nhiệm với TP và người dân bởi dù chịu thiệt thòi một chút về diện tích nhưng được cộng đồng ghi nhận vì hy sinh lợi ích cho các hoạt động vì cộng đồng", luật sư Trần Cao Ngãi nói.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch TP.Đà Nẵng, khẳng định: “Thu hồi phải đảm bảo 3 vấn đề. Một là đúng quy định, cái này hết sức cần thiết, hai là phù hợp tình hình thực tế, hai vấn đề này là điều kiện cần, song song và bổ khuyết cho nhau. Ba là hài hòa lợi ích, tạo sự đồng thuận giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.