Đã đến lúc đội tuyển Việt Nam phản công

14/10/2023 16:04 GMT+7

Lối chơi phản công từng là 'đặc sản' của đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo, liệu có được HLV Philippe Troussier thức tỉnh khi vòng loại World Cup 2026 đã đến gần?

Cuộc so tài với Uzbekistan tối 13.10, dù chỉ là trận đá tập của đội tuyển Việt Nam, nhưng cũng có ý nghĩa đặc biệt. Đây là lần đầu tiên dưới thời HLV Philippe Troussier, đội tuyển Việt Nam thua toàn diện cả về thời lượng kiểm soát, cách triển khai bóng lẫn hiệu quả dứt điểm.

Ở 4 trận trước đó, đội tuyển Việt Nam từng thắng Syria, Palestine với tỷ lệ cầm bóng nhỉnh hơn. Trong thất bại trước đội tuyển Trung Quốc ngày 10.10, Quế Ngọc Hải cùng đồng đội thậm chí cầm bóng tới 63%, có 603 đường chuyền, đều là những thông số gấp đôi đối thủ.

Khuyết điểm của đội tuyển Việt Nam ở trận đấu đó là cầm bóng nhiều nhưng không hiệu quả. Còn ở trận gặp Uzbekistan, các học trò ông Troussier còn chẳng có bóng để chơi.

Đội tuyển Việt Nam đang lãng quên vũ khí phản công? - Ảnh 1.

Đội tuyển Việt Nam thua tâm phục khẩu phục

VFF

Phần lớn thời gian trận đấu, đội tuyển Việt Nam rơi vào trạng thái đuổi bóng, căng mình chịu đựng. 0 cú sút trong 90 phút trước Uzbekistan là minh chứng cho thất bại toàn diện, gần giống những gì đội tuyển Việt Nam trải qua trước Nhật Bản (2 trận), Ả Rập Xê Út, Oman hay Úc (lượt về) ở vòng loại World Cup 2022.

Gặp những đội hàng đầu châu Á, việc chơi phòng ngự là tất yếu. Là người tôn thờ triết lý kiểm soát, nhưng HLV Troussier cũng phải thừa nhận sự thật: đội tuyển Việt Nam chưa thể đá kiểm soát bóng trước những đội mạnh. Ông nói: "Đối đầu với các đội mạnh như Uzbekistan hay Hàn Quốc, tôi đánh giá đội chỉ có thể kiểm soát 30 - 35% thời lượng bóng".

Vấn đề là đội tuyển Việt Nam phòng ngự thế nào trong khoảng thời lượng 60 - 65% mà đối thủ cầm bóng. Và khi giành lại quyền kiểm soát, đội bóng của ông Troussier phản công ra sao.

Dưới thời HLV Park Hang-seo, đội tuyển Việt Nam không chú trọng nhiều vào khâu kiểm soát bóng hay triển khai chơi bóng tuần tự ở tuyến dưới, mà được huấn luyện bài bản trong các tình huống chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự sang tấn công.

Lối chơi phản công hay tận dụng những đường vượt tuyến chớp nhoáng là bản sắc của đội tuyển Việt Nam khi ông Park nắm quyền, từng không ít lần gây khó khăn cho các đội hàng đầu. Nhưng cũng chỉ dừng ở mức gây khó khăn.

Đội tuyển Việt Nam đang lãng quên vũ khí phản công? - Ảnh 2.

Đội tuyển Việt Nam đang lãng quên vũ khí phản công? - Ảnh 3.

Những ngôi sao như Tuấn Hải, Tiến Linh đang thích nghi với triết lý mới của HLV Troussier

VFF

Còn với HLV Troussier, đội bóng được xây dựng theo hướng triển khai tuần tự và bài bản hơn. Trên lý thuyết, lối chơi đội tuyển Việt Nam vẫn là phản công, nhưng được tổ chức kỷ luật và dàn xếp lên bóng có ý đồ, thay vì phụ thuộc vào những đường chuyền dài hay sai lầm của đối thủ (những kiểu tình huống mà ông Troussier cho là "ngẫu nhiên").

Đương nhiên, cách chơi mà ông Troussier đặt ra có độ khó cao hơn, đòi hỏi nền tảng kỹ thuật toàn diện, cũng như sự nhuần nhuyễn, ăn ý của cầu thủ. Đó là những phẩm chất đội tuyển Việt Nam đang thiếu. Giữa nhóm cầu thủ kinh nghiệm (Hùng Dũng, Hoàng Đức, Tuấn Anh, Văn Toàn, Quang Hải) và nhóm trẻ (Thái Sơn, Minh Trọng, Văn Toản, Văn Cường, Đình Bắc) có độ chênh lớn về tư duy và trình độ chơi bóng. Các cầu thủ cũng có ít thời gian gắn bó, nên chưa hiểu cách di chuyển, dự đoán bước xử lý của nhau.

Minh chứng là ở trận gặp Uzbekistan, các pha phản công của đội tuyển Việt Nam đổ vỡ hoàn toàn dù đối thủ không áp sát quá quyết liệt. Trong đa số các pha phản công, các cầu thủ tự làm khó mình và chuyền hỏng.

Ngoài ra, nhân sự đội tuyển Việt Nam chưa đủ nổi trội để ông Troussier tạo cú hích so với thời ông Park. Dàn sao trẻ đôn từ đội U.23 của ông Troussier quá non nớt khi gặp những đội bóng kinh nghiệm, khôn ngoan ở châu Á.

Đội tuyển Việt Nam đang lãng quên vũ khí phản công? - Ảnh 4.

Tiến Linh có phù hợp với lối chơi phản công?

VFF

Cuộc so tài với Hàn Quốc sẽ là cơ hội để đội tuyển Việt Nam tiếp tục rèn mảng miếng phản công. Việc bị đối thủ dồn ép là điều dễ đoán, vậy khi giành lại bóng, cầu thủ luân chuyển phía trên thật nhanh thế nào để phản công?

Nếu tiếp tục đá rối rắm, thiếu định hướng và nhịp độ như trước Uzbekistan, các học trò HLV Troussier khó tạo ra cơ hội, chứ chưa nói đến ghi bàn.

Để phản công hiệu quả, Tiến Linh cùng đồng đội có lẽ cần chơi trực diện hơn, dám thực hiện những pha xử lý mạo hiểm và đột biến, thay vì đá có phần máy móc như 2 trận đã qua. Các cầu thủ cần chắt lọc kinh nghiệm theo kiểu "đãi cát tìm vàng" sau những trận thua để tiến bộ.

HLV Troussier cũng đã có cái nhìn toàn cảnh về năng lực đội tuyển Việt Nam. Xây dựng lối chơi phù hợp với con người, hay nhẫn nại chờ con người đáp ứng được lối chơi, chiến lược gia người Pháp phải nhanh chóng tìm đáp án khi vòng loại World Cup 2026 đã đến gần.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.