Công ty cấy chip não của Elon Musk đối mặt nhiều khó khăn

26/02/2024 09:20 GMT+7

Vào hôm 20.2, tỉ phú Elon Musk thông báo ca cấy ghép chip não của công ty Neuralink đã thành công, bệnh nhân bình phục hoàn toàn và có thể điều khiển chuột máy tính bằng suy nghĩ. Tuy nhiên, việc thương mại hóa công nghệ này vẫn còn ở rất xa.

Rào cản pháp lý

Vào năm 2019, Elon Musk tuyên bố Neuralink sẽ nộp đơn xin Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép thực hiện cấy ghép chip vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2021, ông Musk cho biết Neuralink đang nỗ lực để thiết bị cấy ghép đảm bảo an toàn và vẫn phối hợp chặt chẽ với FDA.

Theo Reuters, một số nhân viên và cựu nhân viên Neuralink tiết lộ rằng đến tận năm 2022 công ty mới bắt đầu nộp đơn đăng ký cho FDA nhưng bị từ chối nhiều lần. Mãi đến tháng 5.2023, FDA mới phê duyệt kế hoạch cấy chip lên não người của Elon Musk.

Công ty cấy chip não của Elon Musk đối mặt nhiều khó khăn- Ảnh 1.

Một chú khỉ được cấy chip đang chơi game

Chụp màn hình

Thử nghiệm trên động vật

Tỉ phú Elon Musk luôn khẳng định không có con khỉ nào chết trong đau đớn do cấy ghép chip của Neuralink và công ty chỉ lựa chọn những chú khỉ sắp chết để giảm rủi ro. Tuy nhiên, dựa trên tài liệu mà Ủy ban bác sĩ về y học có trách nhiệm (PCRM) công bố, các chú khỉ ở đây được trợ tử sau khi gặp nhiều biến chứng khác nhau, bao gồm tiêu chảy ra máu, tê liệt một phần và phù não.

Theo Wired, từ năm 2017 - 2020, công ty đã cấy chip não vào 23 con khỉ, làm 15 con trong số đó tử vong. Vào năm 2022, PCRM gửi đơn khiếu nại đến Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cáo buộc công ty Neuralink đã vi phạm Đạo luật phúc lợi động vật, ngược đãi khỉ trong quá trình thử nghiệm. Ngoài ra, Neuralink còn bị Bộ Giao thông Mỹ (USDOT) điều tra về việc vận chuyển trái phép các vật liệu ô nhiễm được lấy ra từ não khỉ.

Tiềm năng

Ông Elon Musk đã nhiều lần bày tỏ niềm tin rằng công nghệ của Neuralink sẽ "cách mạng hóa" ngành y tế. Ông cho biết loại chip đặc biệt này có thể điều trị nhiều loại bệnh như béo phì, trầm cảm, tự kỷ, tâm thần phân liệt... Ngoài giúp những người bại liệt toàn thân có thể lấy lại khả năng vận động toàn cơ thể, Neuralink còn hướng tới tăng cường trí thông minh của con người thông qua liên kết với các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI), từ đó ngăn chặn nguy cơ AI xóa sổ nhân loại.

Vào tháng 9.2023, Neuralink thông báo tìm kiếm những tình nguyện viên dưới 40 tuổi, bị liệt tứ chi do chấn thương tủy sống cổ hoặc bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ASL) để thực hiện cấy chip. Bài đăng nhanh chóng thu hút hàng nghìn người đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng. Theo Forbes, quá trình này dự kiến kéo dài 6 năm, bao gồm 9 lần thăm khám tại nhà và trực tiếp trong vòng 18 tháng đầu tiên, sau đó là 20 lần khám trải dài trong suốt 5 năm để theo dõi tình trạng.

Công ty có kế hoạch thực hiện phẫu thuật cho 10 người nữa trong năm 2024 và đặt mục tiêu 22.000 người vào năm 2030.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.