Công nhân 'chạy luật' rút BHXH một lần?

Phạm Thu Ngân
Phạm Thu Ngân
23/10/2023 05:30 GMT+7

Nhiều công nhân tại TP.HCM đang lo lắng những quy định mới liên quan chính sách bảo hiểm xã hội, nhất là rút bảo hiểm xã hội một lần. Mặc dù chưa có số liệu chính thức người lao động nghỉ việc trong mấy tháng qua nhằm "chạy luật", nhưng tình trạng này khiến các doanh nghiệp bồn chồn...

THẮC THỎM ĐIỀU LUẬT RÚT BHXH MỘT LẦN

Chị Nguyễn Thị Tuyền (37 tuổi, quê Long An) về quê từ tháng 8 đến nay vì công ty may mặc mà chị làm việc ở Q.8 (TP.HCM) cho công nhân tạm ngưng việc 3 tháng. "Công ty thông báo thiếu đơn hàng, tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn nên cho nghỉ từng nhóm một, mỗi nhóm chừng 100 người, tính chung khoảng 500 công nhân. Đã có nhóm làm việc lại hồi đầu tháng 10 này rồi. Còn tôi đang đợi tới ngày tháng sau", chị Tuyền kể.

Công nhân 'chạy luật' rút BHXH một lần ? - Ảnh 1.

Người lao động làm hồ sơ lãnh bảo hiểm thất nghiệp

THU NGÂN

Trong gần 3 tháng ở nhà, chị Tuyền nhiều lần gọi điện thoại cho PV Thanh Niên nêu thắc mắc như rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần có còn kịp không, khi nào luật thông qua..., "bởi nghe anh em công nhân tính khi vào làm việc lại là viết đơn nghỉ rồi chờ rút BHXH một lần, sợ luật mới không cho người lao động (NLĐ) rút nữa".

Thực tế, những thông tin về luật BHXH thời gian qua mới chỉ là đề xuất, kiến nghị. Kể từ tháng 6.2023 đến nay, dự thảo luật BHXH sửa đổi, đã qua nhiều chỉnh sửa và hiện nay vẫn còn đang được góp ý.

Liên quan vấn đề rút BHXH một lần mà chị Tuyền thắc mắc, mặc dù PV giải thích, trấn an chị rằng mới chỉ là dự thảo, chưa chính thức thông qua nhưng chị vẫn lo lắng. Gần đây, chị Tuyền nghe 2 phương án về rút BHXH một lần. Trong đó, phương án 1 để NLĐ đóng BHXH trước ngày 1.7.2025 thì vẫn được rút; còn phương án 2, nếu chưa đóng đủ 20 năm đóng BHXH mà muốn rút thì chỉ rút được 50%.

"Tôi đóng BHXH đã 14 năm, giờ nếu chỉ cho rút 50% thì cũng không được bao nhiêu tiền, vì lương đóng BHXH thấp lắm. Tôi muốn rút vì giờ công ty khó khăn, NLĐ khó khăn theo, kiếm việc không có. Nghỉ 3 tháng nay, công ty chỉ có thể hỗ trợ 2,5 triệu đồng/tháng. Ở dưới quê, chồng tôi thì đi sửa máy, tôi ở nhà đi ruộng bắt cá cho qua bữa. Tôi muốn lấy tiền BHXH một lần để sửa nhà lại, rồi lo sữa, tã cho con lớn tí, mới tính tiếp. Bây giờ, mình không có khả năng chờ tới lương hưu. Làm hết năm nay, tôi sẽ xin nghỉ việc", chị Tuyền nói.

HỒ SƠ RÚT BHXH MỘT LẦN TĂNG MẠNH

Chị Tuyền chỉ là một trong số nhiều NLĐ muốn nghỉ việc để rút BHXH một lần. Mặc dù hiện chưa có thống kê nào cụ thể về số lao động tại TP.HCM nghỉ việc để "chạy luật", nhưng đó là một trong những lý do chính mà theo nhận định của BHXH TP.HCM, đã khiến tỷ lệ rút BHXH một lần, bảo hiểm thất nghiệp trong tháng 9 tăng mạnh. Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân khác như ảnh hưởng việc điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu từng năm hay các biến động kinh tế...

Cụ thể, theo BHXH TP.HCM, NLĐ "chạy luật" vì lo sợ rằng khi luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, những đề xuất về việc giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm cùng với đó cấm rút BHXH một lần được thông qua, sẽ ảnh hưởng quyền lợi của họ, nhất là với NLĐ đã tham gia BHXH trên 14 năm.

Thống kê trong tháng 9.2023, có 8.490 NLĐ ở TP.HCM rút BHXH một lần, tăng 1.612 trường hợp so với tháng 8 (tăng gần 16%). Lũy kế 9 tháng năm 2023 có 85.876 người rút BHXH một lần, tăng 1.793 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 2,1%). Đi cùng với đó, tỷ lệ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại TP.HCM cũng tăng mạnh.

DOANH NGHIỆP LO THIẾU HỤT LAO ĐỘNG

Khảo sát nhanh một số công ty cho thấy, hiện có thực trạng NLĐ muốn nghỉ việc để chờ rút BHXH một lần. Điều này khiến các đơn vị lo lắng vì nguy cơ thiếu hụt lao động, ảnh hưởng sản xuất kinh doanh. Công ty TNHH Hanse Việt Nam (TP.HCM) cho hay hiện đa số công nhân ở đơn vị đều muốn được rút BHXH một lần theo quy định hiện hành. Tại một bộ phận của công ty đã có 10 công nhân làm trên 10 năm viết đơn xin nghỉ việc. Còn Công ty CP cơ khí thương mại xây dựng Đại Dũng (TP.HCM) cho rằng để NLĐ an tâm, cần để người tham gia BHXH trước ngày 1.7.2025 được quyền lựa chọn rút hay ở lại với hệ thống BHXH. Tương tự, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, nói rằng nếu chỉ cho phép NLĐ rút BHXH một lần 50% thì còn rủi ro nhiều hơn, lúc đó NLĐ ồ ạt nghỉ, còn doanh nghiệp thiếu lao động.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật TP.HCM (Liên đoàn Lao động TP.HCM), cho biết thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp than công nhân bất an, đòi nghỉ việc, phải mời đơn vị xuống tư vấn, giải thích cho công nhân. Quan điểm của ông Triều là không ủng hộ rút BHXH một lần và ông cũng đồng tình phương án để NLĐ tham gia BHXH trước ngày 1.7.2025 được rút BHXH một lần. Nếu có tình trạng NLĐ ồ ạt rời khỏi hệ thống BHXH, ông Triều ví đó là "đau một lần rồi thôi".

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM Văn Thị Bạch Tuyết nhấn mạnh, điều quan trọng ở sửa đổi luật BHXH lần này là đánh giá tác động chính sách và đến nay vẫn chưa có đánh giá từ cơ quan soạn thảo. Bên cạnh các thay đổi sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi thiết thân của NLĐ như rút BHXH một lần, bà Tuyết cho rằng cần quan tâm hơn tới căn cứ tiền lương đóng BHXH, bởi hiện tỷ lệ đóng vẫn chưa cao nên dẫn tới mức hưởng BHXH thấp. 

CẦN GIẢI PHÁP KHÁC ĐI KÈM

Theo bà Ung Thị Xuân Hương (Hội Luật gia TP.HCM), việc cấm rút BHXH một lần phải có các biện pháp đi kèm, như hỗ trợ tài chính NLĐ có thể trang trải cuộc sống khi khó khăn, không có tiền hay các giải pháp đầu tư sinh lời làm cho mức lương hưu tăng dần... Hay như ý kiến của bà Ngô Thị Mỹ Kha, Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Lạc Tỷ (TP.HCM), điều quan trọng vẫn là làm sao để ổn định việc làm cho NLĐ, xây dựng mức lương thỏa đáng để NLĐ có thể sống được nhờ lương, có tích lũy, để khi khó khăn không ai nghĩ đến chuyện rút BHXH một lần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.