Cơ hội nối kết

28/04/2018 10:18 GMT+7

Tạp chí Nikkei Asian Review vừa có bài viết nhận định sự trỗi dậy của kinh tế số đòi hỏi các nước Đông Nam Á cần kết nối mạnh mẽ hơn nữa về chính sách.

Một báo cáo gần đây của Google và Tập đoàn đầu tư Temasek (Singapore) dự báo doanh số thương mại điện tử của Đông Nam Á có thể đạt mức xấp xỉ 90 tỉ USD vào năm 2025.
Thực tế, Đông Nam Á cũng được đánh giá là khu vực kinh tế năng động với tiềm năng phát triển kinh tế số tăng nhanh khi số lượng người dùng smartphone và internet ngày càng cao. Trong bối cảnh đó, khu vực chứa đựng một “mỏ vàng” đúng nghĩa tạo cơ hội chung cho khối nhưng ngược lại cũng thu hút các “cá mập” từ bên ngoài. Chính vì thế, các nước Đông Nam Á cần phối hợp để hình thành khung pháp lý để tạo điều kiện cho nhau cùng khai thác thị trường nhưng cũng cùng bảo vệ nhau trước các ông lớn bên ngoài.
Điển hình như việc Uber rút khỏi thị trường Đông Nam Á gần đây và sáp nhập toàn bộ mảng kinh doanh trong khu vực vào Grab. Về xuất phát điểm, Grab là một công ty khởi nghiệp từ Singapore, nhưng đến quá trình phát triển thì các “cá mập” như Tập đoàn Softbank của Nhật Bản đã rót tiền để tạo ảnh hưởng. Và cũng chính Softbank thông qua các phương thức đầu tư nên đặt chân vào các ông lớn của ngành “taxi công nghệ” trên thế giới như Uber, Didi, Ola. Sau quá trình rót vốn, Softbank dần bắt đầu tái cấu trúc nhằm chiếm vị thế độc quyền. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á.
Ví dụ này chính là một minh chứng cho sự cần thiết để các nước Đông Nam Á nối kết về chính sách nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế số.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.