Có bắt buộc lấy ADN khi làm căn cước?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
01/03/2024 03:59 GMT+7

Một bạn đọc của Báo Thanh Niên đặt câu hỏi, theo luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1.7 thì người dân khi đi làm căn cước có bắt buộc có phải cung cấp thông tin ADN không và việc cung cấp ADN căn cước có đảm bảo bảo mật thông tin?

Quốc hội đã thông qua luật Căn cước và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024. Một trong những điểm mới của luật Căn cước so với luật Căn cước công dân 2014, đó là người dân sẽ tích hợp thông tin ADN, giọng nói, mống mắt vào trong cơ sở dữ liệu căn cước khi thực hiện thủ tục cấp thẻ.

Có bắt buộc lấy ADN khi làm căn cước?- Ảnh 1.

Người dân đi làm căn cước không bắt buộc cung cấp ADN

NGỌC THẮNG

ADN căn cước là gì?

ADN là vật chất tồn tại trong nhân tế bào và trên các nhiễm sắc thể có nhiệm vụ lưu trữ thông tin di truyền của mỗi sinh vật. Gen chính là một đoạn ADN mang thông tin di truyền.

Mỗi người thừa hưởng ADN của mình từ cha mẹ và thông tin di truyền chứa đựng bên trong ADN sẽ quyết định các đặc điểm nhất định như màu tóc, màu mắt và các kiểu hình khác. ADN được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và chứa các thông tin di truyền đã được mã hóa.

Từ khi luật Căn cước mới có hiệu lực, nếu người dân có yêu cầu, sẽ được tích hợp ADN trong thẻ căn cước mới.

Xem nhanh 12h: Công an TP.HCM đang chuẩn bị để cấp thẻ căn cước mới

Lấy ADN căn cước bằng cách nào?

Để làm xét nghiệm ADN, có thể sử dụng nhiều loại mẫu bệnh phẩm khác nhau như mẫu móng tay, móng chân, chân tóc, cuống rốn, máu, nước bọt, xương, răng...

Nhiều nước trên thế giới đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ADN nhằm phục vụ quản lý dân cư, kiểm tra huyết thống, và trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, tìm kiếm tung tích nạn nhân, xác định danh tính nạn nhân...

Có bắt buộc lấy ADN căn cước?

Cụ thể, theo điểm đ, khoản 1, Điều 16 luật Căn cước quy định, thông tin sinh trắc học về ADN được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN của người dân, thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào cơ sở dữ liệu căn cước.

Như vậy, trong thủ tục cấp thẻ căn cước thì người tiếp nhận buộc phải thu nhận thông tin nhận dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước, còn theo quy định thông tin ADN là không bắt buộc.

Thông tin ADN được cung cấp dựa vào sự tự nguyện của người dân. Hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định mới phải cung cấp ADN.

Công an TP.HCM đang chuẩn bị để cấp thẻ căn cước mới

Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thu thập thông tin ADN được quy định cụ thể theo khoản 1 Điều 17 luật Căn cước. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm chia sẻ, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu theo quy định của luật. Đồng thời thông báo kịp thời thông tin, tài liệu về căn cước của người dân khi có sự thay đổi hoặc chưa chính xác cho cơ quan quản lý căn cước.

Ngoài ra, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có thông tin sinh trắc học về ADN của người dân thì phải chuyển cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh.

Có bảo mật ADN căn cước không?

Việc cung cấp thông tin về ADN khi làm thẻ căn cước, nhiều người lo ngại liệu có xảy ra nguy cơ lộ, lọt dữ liệu ADN không? Tuy nhiên, quy định luật Căn cước có hiệu lực từ 1.7.2024 nêu rõ trách nhiệm về việc bảo mật dữ liệu của từng cơ quan, cá nhân.

Cụ thể, người được giao nhiệm vụ cập nhật, điều chỉnh thông tin, tài liệu có trách nhiệm kiểm tra thông tin, tài liệu của người dân; thường xuyên theo dõi, cập nhật, điều chỉnh thông tin; giữ gìn, bảo vệ thông tin, tài liệu có liên quan; không được sửa chữa, tẩy xóa hoặc làm hư hỏng tài liệu và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin đã cập nhật, điều chỉnh.

Đối với thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước phải tổ chức quản lý việc thu thập ADN, cập nhật, điều chỉnh, lưu trữ thông tin, tài liệu; phải kiểm tra, chịu trách nhiệm về thông tin ADN, tài liệu đã cập nhật, điều chỉnh, lưu trữ.

Như vậy, việc thu thập, bổ sung những dữ liệu ADN vào CCCD sẽ được Bộ Công an thực hiện đúng quy định, thông tin ADN căn cước được đảm bảo các yêu cầu bảo mật thông tin.

Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày luật Căn cước có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

CMND còn hạn sử dụng đến hết ngày 31.12.2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, CCCD được giữ nguyên giá trị sử dụng. Cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về CMND, CCCD trong giấy tờ đã cấp.

Thẻ CMND, CCCD hết hạn sử dụng từ ngày 15.1.2024 đến trước ngày 30.6.2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30.6.2024.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.