Trẻ em có phải lấy mống mắt căn cước?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
29/02/2024 10:22 GMT+7

Mống mắt là một trong những thông tin sinh trắc học phục vụ cho dữ liệu căn cước mới được người dân cả nước quan tâm. Nhiều người đặt câu hỏi việc thu thập mống mắt căn cước thay vì chỉ lấy vân tay như trước đây diễn ra như thế nào, trẻ em có phải cung cấp mống mắt?

Quốc hội vừa thông qua luật Căn cước nhằm thay thế luật Căn cước công dân năm 2014. Theo đó, luật Căn cước sẽ có hiệu lực thi hành kể từ 1.7.2024. CCCD được đổi thành thẻ căn cước. CCCD đã được cấp trước đó vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ. CMND còn thời hạn sử dụng vẫn được sử dụng đến hết ngày 31.12.2024.

Trẻ em có phải lấy mống mắt căn cước?- Ảnh 1.

Trước đây người dân đi làm CCCD chỉ cần ảnh khuôn mặt, vân tay thì nay thu thập thêm mống mắt, giọng nói, ADN...

NHẬT THỊNH

Theo luật Căn cước đã được Quốc hội thông qua, có một số điểm khác so với CCCD vì trong cơ sở dữ liệu căn cước thu thập thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm mống mắt, giọng nói, ADN..., còn trước đây chỉ cần ảnh khuôn mặt, vân tay... Luật Căn cước quy định phải thu thập thêm mống mắt đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên, còn trẻ dưới 6 tuổi không phải cung cấp mống mắt.

Mống mắt căn cước là gì?

Mống mắt căn cước là một trong những thông tin sinh trắc học phục vụ cho dữ liệu căn cước mới được người dân cả nước quan tâm.

Mống mắt là nơi xác định màu mắt của con người. Mống mắt có cấu trúc gồm sắc tố, cơ và thần kinh. Mống mắt của một người có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất đối với mỗi người, không thay đổi nhiều theo thời gian, chỉ một số trường hợp khiến mống mắt thay đổi như gặp chấn thương ở mắt...

Phải cung cấp mống mắt khi làm thẻ căn cước, liệu có lộ, lọt?

Thu thập mống mắt căn cước bằng cách nào?

Theo Bộ Công an, thông tin về mống mắt sẽ được mã hóa, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước.

Để thu thập và nhận diện mống mắt người dùng, theo công bố của nhiều công ty công nghệ, cần có một cảm biến với ống kính camera và đèn chiếu tia hồng ngoại qua mắt. Tia hồng ngoại giúp camera ghi nhận chính xác các đường vân trên mống mắt của mỗi người, ngay cả khi người đó đeo kính áp tròng hay mắt kính. Hình ảnh mống mắt sẽ được chụp lại và lưu trữ mã hóa trên thiết bị.

Công nghệ này có độ chính xác cao, đơn giản, dễ sử dụng, không cần thao tác phức tạp. Mỗi người có một mống mắt khác nhau, anh chị em sinh đôi cũng không có chung một cấu tạo mống mắt nên có thể đưa vào làm dữ liệu định danh cá nhân, phục vụ tốt cho việc làm căn cước theo luật mới.

Thu thập mống mắt căn cước để làm gì?

Bên cạnh việc thu thập vân tay, ảnh khuôn mặt thì luật Căn cước quy định phải thu thập mống mắt trong thông tin căn cước để làm cơ sở đối soát và xác thực thông tin của mỗi cá nhân.

Khi làm thủ tục cấp căn cước, người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người dân.

Luật sư Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, hiện nay nhiều quốc gia đã áp dụng công nghệ nhận diện mống mắt nhằm phục vụ nhận diện công dân, xác thực hộ chiếu... bởi độ chính xác cao, đơn giản, dễ sử dụng, không cần thao tác phức tạp. Nhận diện mống mắt là công nghệ bảo mật có độ an toàn hơn vân tay.

Không thu nhận mống mắt, vân tay trẻ dưới 6 tuổi

Theo luật Căn cước, trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người từ đủ 14 tuổi trở lên thì người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin của người cần cấp thẻ căn cước từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xác định chính xác người cần cấp thẻ căn cước. Nếu chưa có thông tin của người cần cấp thẻ căn cước trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Xem nhanh 12h: Công an TP.HCM đang chuẩn bị để cấp thẻ căn cước mới

Sau đó, người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước. Người cần cấp thẻ căn cước kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước. Người tiếp nhận cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước và trả thẻ theo địa chỉ ghi trong giấy hẹn.

Đối với người dưới 14 tuổi hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi được đề nghị cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ căn cước, thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia.

Trường hợp người dưới 6 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước. Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.

Người từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi đi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học theo quy định. Và người đại diện hợp pháp của người từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi sẽ làm thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.

Luật sư Nguyễn Thị Minh Trang lý giải, theo luật Căn cước có hiệu lực từ 1.7.2024 thì trẻ em dưới 6 tuổi không cần phải cung cấp mống mắt, còn người từ đủ 6 tuổi trở lên đều phải thực hiện lấy mống mắt theo quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.