Chưa thể xét xử vụ rò rỉ đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021

26/06/2023 13:11 GMT+7

Tòa án quyết định hoãn phiên xét xử vụ rò rỉ đề thi môn sinh học tại kỳ thi tốt nghiệp năm 2021, vì một số giáo viên có liên quan bận coi thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Theo dự kiến, ngày 29.6 tới, TAND TP.Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử vụ án "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", liên quan đến việc rò rỉ đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Tuy nhiên, mới đây, tòa án đã có quyết định hoãn phiên xử. Lý do: thời gian dự kiến mở phiên tòa trùng với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, một số giáo viên là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bận tham gia coi thi, sự vắng mặt của họ sẽ ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án.

Vì vậy, TAND TP.Hà Nội sẽ không mở phiên tòa như dự kiến trước đó, thời gian mở lại chưa được ấn định.

Chưa thể xét xử vụ rò rỉ đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021 - Ảnh 1.

TAND TP.Hà Nội, nơi sẽ xét xử vụ rò rỉ đề thi môn sinh học tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021

TUYẾN PHAN

Trong vụ án này, 2 bị cáo cùng bị truy tố tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", gồm bà Phạm Thị My (60 tuổi) và ông Bùi Văn Sâm (74 tuổi), đều là cựu giáo viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức thành 2 đợt; đợt 1 từ ngày 6 - 9.7, đợt 2 từ ngày 5 - 7.8.

Sau khi kết thúc kỳ thi đợt 1, dư luận, báo chí phản ánh về việc đề thi môn sinh học "giống 80%" so với đề ôn tập trên mạng internet của ông Phan Khắc Nghệ, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh, nghi vấn bị lộ lọt. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an sau đó đã vào cuộc làm rõ.

Kết quả điều tra cho thấy, để chuẩn bị cho kỳ thi, Bộ GD-ĐT triển khai công tác ra đề thi theo 2 giai đoạn, gồm xây dựng ngân hàng câu hỏi và tổ chức ra đề thi.

Ở giai đoạn 1, các bị cáo Sâm và My được phân công tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, trong đó ông Sâm làm tổ trưởng, bà My làm tổ phó. Đến giai đoạn 2, bà My là tổ trưởng tổ ra đề thi môn sinh học, ông Sâm tham gia với tư cách thẩm định.

Do đã tham gia các năm trước (2019, 2020), ông Sâm và bà My biết được phần mềm rút câu hỏi không ngẫu nhiên. Vì vậy, bà My nhiều lần mang các tài liệu ra khỏi khu vực quy định, gồm các bảng thống kê số lượng câu hỏi mới được biên soạn. Bà chỉnh sửa, hoàn thiện trên máy tính ở nhà, rồi in đưa ông Sâm.

Nhận tài liệu, ông Sâm chỉnh sửa trực tiếp trên bản in, trao đổi để bà My ghi chép lại, đưa về nhà chỉnh sửa, hoàn thiện. Hai bị cáo sau đó đưa nội dung câu hỏi này vào ngân hàng câu hỏi trong các đợt xây dựng ngân hàng câu hỏi tiếp theo.

Tiếp đó, 2 cựu giáo viên sắp xếp các câu hỏi đã được biên tập vào các vị trí trong 40 ô câu hỏi của ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, với mục đích để khi máy tính rút các câu hỏi làm nguồn xây dựng đề thi, các câu hỏi này sẽ cùng một tổ hợp.

Cuối cùng, ông Sâm và bà My sử dụng các câu hỏi do mình soạn thảo để giảng dạy, ôn thi cho một số học sinh lớp 12 là các mối quan hệ họ hàng, quen biết có nguyện vọng xét tuyển đại học khối B. Cả 2 được xác định không nhận tiền của phụ huynh, học sinh mà chỉ do nể nang tình cảm.

Quá trình điều tra, ông Sâm tự nguyện giao nộp 3 tập tài liệu do bà My in và chuyển giao. Kết luận giám định cho thấy giống từ 70 - 95% so với các tổ hợp đề thi môn sinh học.

Đối với ông Phan Khắc Nghệ, kết quả giám định của Bộ GD-ĐT cho thấy, các câu hỏi do 2 bị cáo Bùi Văn Sâm và Phạm Thị My soạn thảo đưa vào ngân hàng câu hỏi so với các câu hỏi trong video của ông Nghệ giảng dạy có nội dung giống nhau từ 70 - 100%. Trong đó, một số câu hỏi trùng cả về nội dung, đơn vị kiến thức lời dẫn và đáp án.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra xác định không có căn cứ để xử lý ông Nghệ về hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật công tác hoặc cố ý làm lộ bí mật công tác, do đó, đã có văn bản kiến nghị gửi Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh kiểm điểm, chấn chỉnh đối với ông Nghệ.

Xem nhanh 12h ngày 26.6: Bản tin thời sự toàn cảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.