Chính quyền quân sự Niger cáo buộc Pháp xâm phạm không phận, phóng thích 'khủng bố'

10/08/2023 12:11 GMT+7

Chính quyền quân sự Niger cáo buộc Pháp xâm phạm không phận, tấn công một doanh trại quân đội và thả tự do cho "những kẻ khủng bố" nhằm gây mất ổn định tại quốc gia Tây Phi.

Trong tuyên bố ngày 9.8, các lãnh đạo quân sự lên nắm quyền sau đảo chínhNiger cho rằng Pháp đã thả "những kẻ khủng bố", từ dùng để chỉ các phần tử thánh chiến, và lực lượng này sau đó đã tập hợp lại để lên kế hoạch tấn công vào "các vị trí quân sự ở khu vực biên giới ba nước", tức nơi biên giới Niger, Burkina Faso và Mali hội tụ.

"Những chuyện cực kỳ nghiêm trọng đang diễn ra ở Niger do hành vi của lực lượng Pháp và đồng bọn của họ", chính quyền quân sự ở Niger - tên chính thức là Hội đồng Quốc gia Bảo vệ Tổ quốc (CNSP) - cho biết trong tuyên bố, theo AFP.

Chính quyền quân sự Niger cáo buộc Pháp xâm phạm không phận, phóng thích 'khủng bố' - Ảnh 1.

Một số thành viên CNSP ở Niamey hôm 6.8

AFP

Theo tuyên bố, một đơn vị của lực lượng vũ trang Niger đã bị tấn công hôm 9.8, mặc dù chính quyền quân sự ở Niger không liên kết chuyện này với cáo buộc Pháp thả các phần tử thánh chiến. Tuyên bố cho hay vị trí do Lực lượng Vệ binh Quốc gia của Niger trấn giữ tại Bourkou Bourkou, địa phương cách một mỏ vàng ở Samira (phía tây Niger) khoảng 30 km, đã bị tấn công vào lúc 6 giờ 30 (giờ địa phương).

Tuyên bố kêu gọi các lực lượng an ninh Niger "nâng cao mức độ cảnh giác trên toàn quốc" và kêu gọi công chúng "duy trì tình trạng cơ động và cảnh giác".

CNSP cũng cáo buộc Pháp đã cho phép một "máy bay quân sự" cùng ngày cất cánh từ nước láng giềng Chad, sau đó bay qua Niger, bất chấp lệnh đóng cửa không phận mà chính quyền quân sự Niger áp đặt từ ngày 6.8. Theo CNSP, máy bay này đã "cố tình cắt đứt mọi liên lạc với kiểm soát không lưu khi đi vào không phận của chúng tôi".

"Những gì chúng ta đang thấy là một kế hoạch gây mất ổn định tại đất nước chúng ta", sĩ quan quân đội Amadou Abdramane, phát ngôn viên của chính quyền quân sự Niger, nói trên truyền hình.

Paris đã bác bỏ các cáo buộc. Bộ Ngoại giao Pháp nói rằng máy bay của họ hoạt động theo một thỏa thuận hiện có với lực lượng Niger và quân đội Pháp đang ở quốc gia Tây Phi theo yêu cầu của các cơ quan hợp pháp.

Người Niger không nao núng sau tối hậu thư của liên minh Tây Phi

Pháp có khoảng 1.500 quân ở Niger, hỗ trợ nước này trong cuộc chiến chống lại lực lượng thánh chiến tràn qua Niger từ nước láng giềng Mali vào năm 2015. Song mối quan hệ đã tan vỡ sau khi Tổng thống Niger Mohamed Bazoum, một đồng minh của Paris và phương Tây, bị lật đổ bởi các thành viên trong lực lượng bảo vệ của ông vào ngày 26.7.

CNSP đưa ra các cáo buộc về Pháp một ngày trước hội nghị của Cộng đồng Kinh tế Quốc gia Tây Phi (ECOWAS), nơi lãnh đạo các nước trong khu vực tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng Niger. ECOWAS đã yêu cầu chính quyền quân sự Niger khôi phục quyền lực của ông Bazoum trước ngày 6.8, nếu không nhóm có thể sẽ can thiệp quân sự vào quốc gia này.

Trong một diễn biến khác, chính quyền quân sự Niger đã gặp hai đặc phái viên của Tổng thống Nigeria kiêm Chủ tịch ECOWAS Bola Tinubu tại Niamey hôm 9.8, mang đến hy vọng về một giải pháp thông qua đối thoại, theo Reuters. Hai đặc phái viên này - gồm ông Lamido Muhammad Sanusi, một lãnh đạo tinh thần nổi tiếng, và ông Abdullsalami Abubarkar, cựu nguyên thủ quốc gia Nigeria - được phép vào Niger mặc dù biên giới đã đóng cửa. Chỉ có ông Sanusi gặp lãnh đạo chính quyền quân sự Niger, tướng Abdourahamane Tiani, trong khi ông Abubarkar gặp những người khác tại sân bay.

Về tình trạng của Tổng thống Bazoum, đảng PNDS-Tarayya của ông hôm 9.8 đã cáo buộc chính quyền quân sự đang giam giữ nhà lãnh đạo và gia đình một cách "tàn ác" và "vô nhân đạo" tại dinh tổng thống ở thủ đô Niamey. Trong một tuyên bố kêu gọi toàn quốc cứu họ, đảng PNDS-Tarayya cho biết gia đình ông Bazoum hiện không có nước sinh hoạt, không có điện và không được tiếp cận với hàng hóa tươi sống cũng như bác sĩ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Washington rất lo lắng về sự an toàn của ông Bazoum và vẫn đang tìm cách khôi phục quyền lực của ông. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng "rất quan ngại" về sức khỏe và sự an toàn của ông Bazoum cùng gia đình, đồng thời kêu gọi "trả tự do ngay lập tức, vô điều kiện và phục hồi tư cách Nguyên thủ quốc gia cho ông ấy", theo một phát ngôn viên của LHQ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.