Chính biến ở Niger ảnh hưởng gì đến an ninh của Mỹ?

Chính biến ở Niger ảnh hưởng gì đến an ninh của Mỹ?

La Vi
La Vi
05/08/2023 08:29 GMT+7

Có khoảng 1.100 lính Mỹ ở Niger hoạt động từ hai căn cứ để hỗ trợ chống lại các nhóm chiến binh. Nhưng sau khi lực lượng quân sự lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum vào tháng 7, không rõ liệu Washington sẽ tính toán ra sao.

Mới tuần trước, Niger còn được coi là đồng minh ổn định nhất của phương Tây ở Sahel, một khu vực nằm ở phía nam sa mạc Sahara và hiện đang phải đối mặt với các cuộc nổi dậy của người Hồi giáo và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Nhưng sau khi quân đội lật đổ Tổng thống Mohammed Bazoum, xuất hiện những câu hỏi về những gì có thể xảy ra tiếp theo.

Điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của Niger với Mỹ, và điều gì sẽ xảy ra với 1.100 lính Mỹ ở đó?

Niger đóng vai trò gì đối với an ninh Mỹ?

Việc triển khai quân Mỹ ở Niger có ý nghĩa sâu rộng.

Ông Idrees Ali, phóng viên An ninh Quốc gia Mỹ của Reuters, nhận định: "Có một tình huống mà Niger về cơ bản có hai vai trò. Thứ nhất là Mỹ đang huấn luyện cho quân đội ở nước này về chống khủng bố, để sau đó họ có thể tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố trong khu vực. Và thứ hai là căn cứ máy bay không người lái ở Agadez mà Mỹ đã chi hơn 100 triệu USD để thiết lập. Về cơ bản, Mỹ điều khiển máy bay không người lái có vũ trang và thực hiện các cuộc tấn công trong khu vực".

Biến động chính trị ảnh hưởng ra sao đến an ninh Mỹ ở đây?

Quân đội Mỹ có vẻ đang quan sát và chờ đợi.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc Pat Ryder hôm 1.8 cho biết các hoạt động chống khủng bố đang tạm ngừng ở Niger và Mỹ vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với quân đội.

“Trọng tâm của chúng tôi ngay bây giờ là đảm bảo rằng quân đội của chúng tôi vẫn được an toàn, rằng chúng tôi tiếp tục đánh giá tình hình. Như tôi đã đề cập trước đó, chúng tôi tiếp tục ủng hộ tổng thống được bầu cử dân chủ của Niger. Và tình hình vẫn còn nhiều chuyển biến. Chúng tôi sẽ không có quy kết gì, chỉ có thể nói rằng chúng tôi sẽ tuân thủ luật pháp Mỹ và rằng chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc sử dụng các công cụ ngoại giao để cố gắng bảo vệ nền dân chủ khó khăn lắm mới có được của Niger", ông Ryder cho biết.

Tại sao Mỹ không gọi đây là cuộc đảo chính?

Cho đến nay, Mỹ đã cung cấp gần 138 triệu USD viện trợ nhân đạo cho Niger. Nhưng luật pháp Mỹ có thể cấm hầu hết mọi hỗ trợ cho một quốc gia nếu chính phủ được bầu bị lật đổ trong cuộc đảo chính.

Vì vậy, để duy trì dòng viện trợ, giới chức Mỹ phải thận trọng trong cách gọi tên cuộc khủng hoảng.

Ông Ali nói: “Họ không nói đó không phải là một cuộc đảo chính, nhưng họ không nói đó là một cuộc đảo chính. Và do đó, việc Mỹ thiếu quyết định về cơ bản chính là một quyết định. Chúng ta đã từng chứng kiến những trường hợp trong quá khứ khi ngoại giao và an ninh quốc gia lấn át thứ mà về mặt logic thì có vẻ là một cuộc đảo chính".

Quân đội Mỹ cho đến nay vẫn duy trì binh lính trú đóng ở Niger, có thể lo lắng rằng việc rút quân có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

“Chúng tôi đã thấy người Pháp rút rất nhiều quân ra khỏi các vùng của châu Phi. Và do đó, có mối lo ngại rằng có một khoảng trống, mà để lấp đầy thì không chỉ có các tay súng nổi dậy, mà cả các quốc gia như Nga và Trung Quốc. Vì vậy, tôi nghĩ rằng Mỹ sẽ nỗ lực để giữ quân đội ở đó. Họ khá tự tin rằng họ có thể giữ an toàn cho quân đội, giữ an toàn cho các nhà ngoại giao và tiếp tục những gì họ coi là hoạt động chống khủng bố quan trọng, ngay cả khi đó có thể là với một nhà lãnh đạo mà họ không nhất thiết phải đồng ý", ông Ali cho hay.

Cuộc khủng hoảng ở Niger có lan rộng?

Khối khu vực Tây Phi ECOWAS đã ra tối hậu thư chống lại chính phủ quân sự mới, đe dọa sử dụng vũ lực nếu Tổng thống Bazoum không được phục chức.

Tuy nhiên, nước láng giềng Mali và Burkina Faso - hiện cũng do chính quyền quân sự lãnh đạo - cho biết họ sẽ bảo vệ Niger.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.