Chìm tàu ở Trường Sa: Chuyến trở về đẫm nước mắt

21/10/2023 07:20 GMT+7

Những ngư dân Quảng Nam đã trở về sau chuyến biển bão táp. Có người khóc vì hạnh phúc nhưng cũng có những giọt nước mắt tiếc thương cho bạn thuyền xấu số nằm lại ngoài khơi xa.

VỠ ÒA CẢM XÚC

Khoảng 14 giờ ngày 20.10, sau gần 30 giờ đồng hồ di chuyển, tàu cứu hộ đã đưa 78 ngư dân Quảng Nam cùng thi thể 2 ngư dân gặp nạn ở vùng biển Trường Sa về đến bến cảng tại Chi đội Kiểm ngư số 3 (xã Tam Giang, H.Núi Thành, Quảng Nam). Chuyến trở về có thêm 5 ngư dân của các tàu khác. Khi sắp cập cảng, tiếng còi tàu cứu hộ rền vang, họ ùa ra boong tàu, hướng mắt về phía cầu cảng... Nét mệt mỏi hiện rõ trên những gương mặt sạm đen... Khi chiếc xe đón các ngư dân từ cầu cảng về hội trường Chi đội Kiểm ngư số 3, nơi có hàng trăm người thân của 78 ngư dân gặp nạn đang chờ, cả hội trường vỡ òa cảm xúc với những cái ôm thật chặt.

Xem nhanh 12h ngày 21.10: Chuyến trở về đẫm nước mắt của ngư dân Trường Sa

Với gần 30 năm gắn bó với vùng biển Trường Sa, thuyền trưởng tàu QNa-90129 TS Lương Văn Viên (57 tuổi, ở xã Tam Giang, H.Núi Thành) đã trải qua nhiều sóng gió. Nhưng lần này, sau trận lốc xoáy kinh hoàng, ông và hàng chục bạn thuyền về đến đất liền mà vẫn chưa thôi ám ảnh. "Cũng vui vì may mắn có nhiều anh em sống sót trở về. Nhưng nỗi buồn thì nhiều hơn khi 12 anh em vẫn đang mất tích nơi vùng biển rộng lớn", ông Viên buồn bã.

Chuyến trở về đẫm nước mắt - Ảnh 1.

Ngư dân Trần Thiên (giữa) khóc nức nở trong vòng tay người thân

MẠNH CƯỜNG

Ông nhớ lại khoảng 19 giờ ngày 16.10, trời mưa nhỏ, mặt biển phẳng lặng nên ông quyết định thả neo để thuyền viên nghỉ ngơi. Chỉ ít phút sau, một cơn lốc cuồn cuộn tràn qua khiến tàu lật nghiêng. "Cơn lốc xoáy tới rất nhanh, trong vòng 5 phút là tàu chìm nghỉm. Thời điểm đó, tôi đang thức nên kịp gọi đàm (bộ đàm - PV) cho thuyền anh trai đang đánh bắt gần đó đến ứng cứu. May mắn, khi thuyền chìm thì 4 chiếc thúng tròn lật ngửa, một số anh em kịp bám vào, rồi đi vớt từng anh em một", thuyền trưởng Viên kể. 

Theo ông Viên, nhiều anh em cố gắng thoát khỏi khoang tàu, họ bị thương, uống nước, uống dầu, sức khỏe dần suy kiệt. Khi kiểm đếm lại, trên 3 thúng tròn chỉ có 40 ngư dân, thiếu 14 người. "Sau khi được tàu khác ứng cứu, chúng tôi tiếp tục thả thúng tìm các ngư dân còn mất tích xung quanh khu vực tàu bị nạn. Đến trưa 17.10, cứu được 2 anh em nhưng do sức khỏe yếu nên 2 người này cũng tử vong ngay sau đó", người thuyền trưởng thở dài rồi nhận định: "Nguy cơ cao là 12 anh em mất tích do mắc kẹt trong cabin tàu hoặc giàn phơi nên không thoát ra được".

Ôm đứa con trai 6 tuổi vào lòng, ngư dân Trần Thiên (49 tuổi, ở xã Tam Quang) chảy nước mắt. "Tôi cứ nghĩ đây là chuyến biển cuối cùng của đời mình rồi. Mình may mắn trở về nhưng nhiều bạn thuyền còn nằm lại ở biển cả", giọng ông nghẹn lại.

TIA HY VỌNG MONG MANH

Dù biết chồng mất tích nhưng chị Nguyễn Thị Nhung (48 tuổi, ở xã Tam Quang; là vợ ngư dân Huỳnh Thanh Hải, 50 tuổi) cùng 2 người thân vẫn có mặt tại buổi đón hôm qua. Chị không dám vào hội trường ngồi vì trong đoàn người trở về không có tên chồng chị. Trên tay chị là chiếc thuyền giấy được gói trong bọc ni lông cùng một ít đồ khác của dân miền biển. Vừa khóc, chị vừa xin phép các chiến sĩ hải quân được vào phía cầu cảng để thả thuyền giấy xuống biển như một lời cầu khẩn, dù mong manh nhưng vẫn mong phép màu sẽ đến với chồng mình. "Năm ngày trôi qua nhưng em và con vẫn chưa nhận được tung tích nào từ anh. Nếu anh còn sống thì sớm về với mẹ con em!", chị Nhung nói trong nước mắt.

Bà Đặng Thị Tươi (59 tuổi, ở xã Tam Giang) không ngừng gọi tên anh trai và cháu. "Anh ơi, cháu ơi, sao bà con họ về mà chẳng thấy anh với cháu đâu vậy? Sao không chịu về với anh em vậy, về đi mà!", tiếng khóc của bà khiến nhiều người có mặt quặn thắt. Ông Đặng Thống Thới (62 tuổi) và anh Lương Hùng Vương (38 tuổi), anh trai và cháu trai của bà Tươi, là 2 ngư dân đi trên tàu cá QNa-90129 TS vẫn đang mất tích.

Tại lễ bàn giao, tiếp nhận các ngư dân chiều qua, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, bày tỏ đau buồn trước sự mất mát của ngư dân trên 2 tàu QNa-90129 TS và QNa-90927 TS. Ông gửi lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người thân bị nạn. "Rất mong bà con cố nén đau thương, vượt qua khó khăn, đùm bọc thương yêu lẫn nhau, tiếp tục vững vàng trên con đường bám biển. Tôi cũng mong rằng bà con đi biển phải tăng cường đoàn kết, đùm bọc, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp sự cố", ông Thanh nói.

Ông cũng thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Nam bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đến các lực lượng cứu nạn, cứu hộ; đồng thời biểu dương tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của các tàu cá tham gia ứng cứu. Ông đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chia sẻ với các gia đình bị nạn và tiếp tục công tác tuyên truyền vận động ngư dân bám biển an toàn. 

CHƯA TÌM ĐƯỢC THÊM NGƯ DÂN MẤT TÍCH

Chiều qua, Quân chủng Hải quân tiến hành bàn giao 83 ngư dân (gồm 78 ngư dân gặp nạn, 5 ngư dân các tàu khác xin về đất liền) và 2 thi thể ngư dân cho Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, các cơ quan chức năng của địa phương. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, ông Phan Việt Cường, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng lãnh đạo các ngành, đơn vị, địa phương ở H.Núi Thành trao nhiều phần quà cho ngư dân. Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, số tiền hỗ trợ ngư dân đợt này gần 500 triệu đồng. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng đến thăm, động viên thân nhân của 2 ngư dân Đỗ Tấn Hải, Đặng Minh Vương tử nạn.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, tính đến 18 giờ ngày 20.10, lực lượng cứu nạn vẫn không phát hiện thêm tung tích ngư dân nào trong số 13 người còn mất tích của 2 tàu cá. Tại hiện trường hiện có 3 tàu quốc phòng, tàu 471, tàu 735 Quân chủng Hải quân và 7 tàu cá vẫn đang mở rộng khu vực tìm kiếm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.