Chiến sự ngày 488: Mỹ lo ngại vũ khí hạt nhân Nga khi vụ Wagner xảy ra

27/06/2023 06:04 GMT+7

Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định Washington không liên quan đến vụ nổi loạn của lính đánh thuê Wagner, sau khi có thông tin tình báo Nga mở cuộc điều tra về khả năng có sự can thiệp của thế lực nước ngoài trong vụ này.

Chiến sự ngày 488: Mỹ lo ngại vũ khí hạt nhân Nga khi vụ Wagner xảy xa - Ảnh 1.

Lãnh đạo Wagner Yevgeny Prigozhin vào thời điểm rời khỏi trụ sở Quân khu miền nam của quân đội Nga hôm 24.6

REUTERS

Hãng thông tấn TASS dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho hay các cơ quan tình báo Nga đang điều tra liệu phía tình báo phương Tây có đóng vai trò gì trong vụ nổi loạn của lính đánh thuê Wagner hôm 24.6 hay không.

Trong khi đó, lãnh đạo Wagner Yevgeny Prigozhin khẳng định không hề muốn thách thức vai trò lãnh đạo của Tổng thống Vladimir Putin.

Tổng thống Nga Putin ca ngợi đoàn kết trong nước, chốt số phận nhóm Wagner sau vụ nổi loạn

Thủ lĩnh Wagner lên tiếng

Trong đoạn ghi âm đầu tiên đăng tải trên tài khoản Telegram sau khi từ bỏ vụ nổi loạn, ông Prigozhin nêu lên 2 yếu tố đằng sau quyết định đổi ý và ngừng tiến quân về hướng Moscow. Theo thủ lĩnh Wagner, ông muốn tránh nguy cơ đổ máu ở Nga và việc tiến quân chỉ là hành vi nhằm thể hiện sự phản đối chứ không có ý định thay đổi chính quyền ở Nga.

"Trong đêm (24.6), chúng tôi vượt qua quãng đường 780 km. Khoảng 200 km nữa là đến Moscow", ông Prigozhin nói trong đoạn ghi âm mới nhất, dù không có chứng cứ nào cho thấy lực lượng Wagner tiếp cận thủ đô Nga.

"Chúng tôi rất tiếc vì buộc phải tấn công máy bay của quân đội Nga, nhưng các máy bay đó ném bom và phóng tên lửa", theo ông.

Ông Prigozhin cam đoan mục đích của hành động kéo quân về Moscow là nhằm ngăn chặn sự hủy hoại của chính công ty Wagner và đòi lại công lý từ những người phạm phải những sai lầm to lớn trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Thủ lĩnh Wagner lần đầu lên tiếng sau vụ nổi loạn

Ông cũng thừa nhận Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã can thiệp đúng lúc và mang đến giải pháp cho phép Wagner tiếp tục hoạt động hợp pháp trong tương lai.

Còn theo TASS, các trung tâm tuyển mộ tân binh của Wagner ở những thành phố Nga như Tyumen và Novosibirsk đã nối lại hoạt động bình thường sau khi bị tạm đóng cửa vào cuối tuần qua.

 Nhà Trắng bác bỏ cáo buộc can dự vụ nổi loạn Wagner

Nhà Trắng khẳng định Mỹ không liên can sự vụ ở Nga sau khi Ngoại trưởng Lavrov cho biết các cơ quan tình báo Nga đang mở cuộc điều tra nhằm làm rõ liệu các cơ quan tình báo phương Tây có can dự vào vụ nổi dậy của Wagner hay không.

Chiến sự ngày 488: Mỹ lo ngại vũ khí hạt nhân Nga khi vụ Wagner xảy xa - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov

REUTERS


"Mỹ không hề liên can (sự vụ Wagner) và sẽ không can dự vào tình huống như thế trong tương lai. Đó là vấn đề nội bộ của Nga", Reuters dẫn lời người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Adam Hodge hôm 26.6. Trước đó cùng ngày, ông Lavrov cho hay Đại sứ Mỹ tại Nga Lynne Tracy ra tín hiệu rằng Mỹ "không hề can dự" vào diễn biến hồi cuối tuần qua ở Nga.

Tuy nhiên, Đại sứ Tracy hy vọng Nga sẽ đảm bảo được an ninh của kho vũ khí hạt nhân ở nước này.

Đài CNN dẫn lời các nguồn thạo tin cho biết trong lúc Wagner tổ chức vụ nổi dậy, các nhà ngoại giao Mỹ tất bật gửi tin nhắn cho các quan chức Nga.

Nga đã bắt giữ những kẻ buôn lậu chất phóng xạ Cesium

Các nhà ngoại giao, bao gồm Đại sứ Tracy, muốn truyền tải hai thông điệp chính cho những người đồng cấp Nga: Mỹ kỳ vọng Nga thực hiện cam kết bảo vệ sự an toàn và an ninh cho sứ quán và nhân viên tại đây; và thứ hai là Mỹ không liên quan với vụ này.

Một thông điệp khác là Mỹ hy vọng Nga không sử dụng vũ khí hạt nhân. Bản thân Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken xác nhận đã chỉ đạo phái bộ Mỹ tại Moscow gửi các thông điệp trên, theo Đài CBS.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết chính quyền Bắc Kinh hoàn toàn ủng hộ nỗ lực của Nga trong việc ổn định tình hình theo sau vụ Wagner, Tân Hoa xã đưa tin.

Chiến sự ngày 488: Mỹ lo ngại vũ khí hạt nhân Nga khi vụ Wagner xảy xa - Ảnh 3.

Nga cho biết đã phá hủy nhiều kho đạn dược của Ukraine hôm 26.6

BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Ukraine mở rộng kiểm soát

Lực lượng vũ trang Ukraine đã đoạt lại quyền kiểm soát làng Rivnopil ở Donetsk, theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết hôm 26.6.

Hiện có hai làng cùng tên Rivnopil ở Donetsk. Ngôi làng mà Ukraine vừa giành chiến thắng nằm gần ranh giới của tỉnh láng giềng Zaporizhzhia. Đây cũng là ngôi làng thứ 9 Ukraine giành được kể từ khi bắt đầu chiến dịch phản công từ đầu tháng 6.

Tổng thống Ukraine thăm tiền tuyến, ca ngợi bước tiến trên mọi mặt trận

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Anh cập nhật báo cáo tình báo với nội dung quân Ukraine đã đạt được đà tiến xung quanh Bakhmut, có lợi thế tiến quân ở sườn phía bắc lẫn phía nam thành phố.

Thứ trưởng Maliar cũng loan tin thắng lợi xung quanh Bakhmut. Tính đến cuối tuần qua, các đơn vị Ukraine bắt đầu tổ chức phản công ở các khu vực Orikhovo-Vasylivka, Bakhmut, Bohdanivka, Yahidne, Klishchiivka và Kurdiumivka đều thuộc Donetsk.

Chiến sự ngày 488: Mỹ lo ngại vũ khí hạt nhân Nga khi vụ Wagner xảy xa - Ảnh 4.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có mặt ở tiền tuyến Donetsk hôm 26.6

REUTERS

Trong khi đó, thiếu tướng Igor Konashenkov, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, hôm 26.6 xác nhận, trong 24 giờ qua, lính Ukraine tiếp tục các nỗ lực phản công ở hướng Donetsk, Krasny Liman và phía nam Donetsk.

Tướng Konashenkov cho biết lực lượng Nga đã triển khai các đợt tấn công bằng vũ khí chính xác từ hướng biển, xóa sổ các kho đạn dược của Ukraine, trong đó có cả vũ khí phương Tây.

Còn ông Yan Gagin, cố vấn của lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng (DPR), thông báo lực lượng Nga đã thành công bảo vệ các tuyến phòng thủ ở DPR, đập tan quân địch.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nói cuộc phản công chính vẫn chưa bắt đầu

Cũng trong ngày 26.6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có mặt ở tiền tuyến Donetsk, gặp gỡ các đơn vị đóng quân tại đây. Vài giờ trước đó, Bộ Quốc phòng Nga công bố video clip cho thấy Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng thị sát tiền tuyến, chưa rõ địa điểm.

Trong một diễn biến liên quan, Lithuania đề nghị Đức, Hà Lan và Pháp luân phiên triển khai các hệ thống phòng không trên lãnh thổ nước này, theo Reuters dẫn lời Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda. Nhà lãnh đạo cũng kêu gọi những nước khác làm điều tương tự.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius xác nhận Berlin có thể đóng góp một lữ đoàn đóng quân dài hạn ở Lithuania trong tương lai gần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.