Cha tật nguyền đi đánh giày 'nuôi' giấc mơ đến trường cho hai con thơ

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
15/03/2018 12:20 GMT+7

Đó là Kiên, một người cha tật nguyền đang cố dựng xây mái ấm bé mọn của mình và tỏ ra bất lực trước việc mang 2 đứa con nhỏ dại đến với trường lớp chỉ vì nghèo.

Tên đầy đủ của người cha 35 tuổi là Lê Trung Kiên (thường trú ở H.Cam Lộ, tạm trú tại P.1, TP.Đông Hà, Quảng Trị). Kiên từng là nhân vật của báo Thanh Niên trong bài viết “Kiên “què” lấy được vợ” trong loạt bài “Làm lại cuộc đời” khởi đăng tháng 4.2014.
Kiên có một tuổi thơ dữ dội khi là con của người bố có tới 4 bà vợ, ngặt nỗi, Kiên còn bị tật nguyền khi 2 chân co quắp. Chán nản, Kiên chẳng ham học hành mà sớm bỏ nhà đi bụi và ném tuổi trẻ vào cảnh sống đầu đường xó chợ. Về sau, khi chững chạc hơn một chút, Kiên làm đủ nghề để kiếm sống, đánh giày, sửa chữa mấy đồ linh tinh hay bán bánh rán...

Thế rồi năm 2014, cái tin Kiên “què” lấy được vợ làm xôn xao cả TP.Đông Hà. Cô dâu là Đào Thị Lý vốn là dân vạn chài, chỉ vừa bước qua tuổi 18 và mưu sinh bằng nghề phụ bán cơm ở chợ Đông Hà. Cả hai ngô nghê trong tình yêu nên cứ thế mà về ở chung mà chẳng có một mâm cau trầu bố cáo hai họ, bạn bè.
Gia đình bé mọn của Kiên. ẢNH: THANH LỘC

Trong gian nhà trọ bé tẻo teo của Kiên trước chỉ có mỗi cái giường nay đã có bếp gas, nồi niêu, chén bát… Hạnh phúc trước việc có gia đình, ngày đó, Kiên đã nói với tôi rằng: “Nhiều người vẫn nhìn tôi bằng nửa con mắt, vì thế tôi phải quyết tâm làm sao đó để đến một ngày, họ phải nhìn tôi bằng cả đôi mắt”.
Xót xa 'nhốt' con thơ trong nhà trọ
Ông trời quả không lấy của ai tất cả, với Kiên và Đào, họ dù nghèo nhưng lại may mắn trong đường con cái. Sống với nhau chưa lâu, tình yêu của họ đã kết trái thơm quả ngọt. Hai chàng quý tử là Lê Trung Hiếu và Lê Hoàng Phúc đã lần lượt ra đời vào năm 2014 và 2015.
Hạnh phúc lớn lao khi có những “giọt máu” để lại cho đời nhưng người cha tật nguyền cũng sớm nhận ra rằng, đi kèm với hạnh phúc đó là trách nhiệm nặng nề, rằng nuôi 2 đứa con nhỏ không phải là điều giản đơn. 
Biết thế nên 2 vợ chồng chúi đầu vào làm việc. Kiên ngày ngày vẫn xách đồ nghề ra ngã tư Hùng Vương- Nguyễn Huệ đánh từng đôi giày, ki cóp từng đồng bạc lẻ. Đào thậm chí đi làm từ 7 giờ sáng đến 10 giờ đêm (trưa không về nhà)… Nhưng tất cả đó là chưa đủ. “Vợ tôi phụ bán cơm tháng được 3 triệu, còn nghề đánh giày của tôi càng ngày càng đi xuống, tháng giỏi lắm cũng kiếm 2-3 triệu. Vậy mà phải chi bao nhiêu thứ tiền: tiền nhà, tiền điện, tiền đồ ăn…Thắt lưng buộc bụng lắm mới được ngày 3 bữa trầy trật”, Kiên nói.
Dù xót xa nhưng mỗi sáng, Kiên phải gượng cười chào các con và để chúng trong nhà trọ để đi làm. ẢNH: NGUYỄN PHÚC

May mắn 2 đứa con của Kiên có thể chất, trí tuệ bình thường và ngoan ngoãn ở trong phòng trọ mà không nghịch phá ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Cảnh nhà như thế nên dù đã được 3 và 4 tuổi nhưng hai đứa con của Kiên vẫn chưa biết cái trường mầm non là thế nào. Thậm chí, không có người trông con, mỗi sáng Kiên phải để hai đứa con tội nghiệp trong phòng trọ để ra đường kiếm cơm. Trưa về, Kiên mở khóa, lo cơm nước cho ba cha con rồi chiều lại khóa con trong nhà trọ cho đến tối mịt lại về. “Khóa hai đứa trong phòng trọ nhỏ tí đó, mình cũng đau xót lắm chứ, nhưng không thể mang hai cháu theo, mà để cửa trống thì sợ người lạ bắt đi. Trời thương là hai cháu phát triển tốt, chưa bao giờ ở nhà nghịch dại với đồ điện, dao rựa…”, Kiên nói
Tại góc ngã tư Hùng Vương - Nguyễn Huệ, ngày nào Kiên cũng ngồi đó đánh giày và anh sợ các con anh khi lớn lên cũng sẽ ngồi đây nếu không được học hành. ẢNH: NGUYỄN PHÚC
Dù vất vả nhưng giấc mơ cho con đến lớp chưa bao giờ nguôi trong lòng người cha tật nguyền. Ngay sau tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa qua, Kiên cũng đánh liều “gõ cửa” mấy ngôi trường mầm non lân cận nhưng đành thất vọng ra về khi biết học phí chỗ “bèo nhất” cho mỗi đứa cũng là 1,5 triệu đồng/tháng.
“Tôi mơ con được đi học nhưng không thể đánh đổi việc đến trường lấy miếng ăn. Thà chúng có cơm mà ăn còn hơn đi học với cái bụng rỗng. Thành ra, vợ chồng tôi đành tiếp tục để hai cháu ở nhà, làm bạn với bốn bức tường phòng trọ hết ngày này qua ngày khác”, Kiên xót xa nói.
Ở góc ngã tư đường Hùng Vương Nguyễn Huệ một buổi chiều se lạnh giữa tháng 3, Kiên vẫn miệt mài đánh những đôi giày cho khách và khi được gợi chuyện về những đứa con, tay Kiên như chậm lại và nước mắt như chực trào. Kiên sợ lắm cái cảnh những đứa con của mình không được học hành, rồi chúng có thể sẽ lại ra góc đường này ngồi đánh giày, như cha mình…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.