Mẹ bán rong khắp Sài Gòn, suốt 19 năm chăm con bệnh down

13/03/2018 09:44 GMT+7

Suốt 19 năm qua, chưa bao giờ người mẹ ấy có ý định bỏ rơi đứa con bệnh tật của mình. Dù cuộc đời có khó khăn đến đâu đi nữa, con còn sống là mẹ còn lo…

Nhiều lần, tôi đã bắt gặp bóng lưng của hai mẹ con bà Phượng (cô Nguyễn Thu Phượng, 61 tuổi), đâu đó giữa Sài Gòn. Cái bóng lưng Hoàng (tên đầy đủ là Nguyễn Thái Hoàng, 19 tuổi) giờ đây đã to hơn cả mẹ, nhưng tâm hồn cậu vẫn cứ mãi như một đứa trẻ không chịu lớn.
VIDEO: Người mẹ 19 năm bán rong khắp Sài Gòn chăm con bệnh tật
Gần 20 tuổi, những gì Hoàng biết chỉ là mẹ: đói bụng cũng gọi mẹ, viết chữ cũng viết “mẹ”, vẽ tranh cũng vẽ mẹ, ôm hôn mỗi ngày cũng là mẹ… Cuộc đời Hoàng chỉ có mẹ, cũng như cuộc đời người mẹ kia giờ đây chỉ có một gia tài duy nhất là Hoàng, dù cậu có bệnh tật bao nhiêu đi nữa.
Đêm. Ở một góc đường trên phố đi bộ, Hoàng vẫn ngoan ngoãn ngồi cạnh mẹ bên gánh hàng rong nhỏ, bán dăm ba thứ khăn giấy, kẹo cao su, bánh tráng trộn,…
Thỉnh thoảng có ai đó đi ngang đùa vui, cậu lại nở nụ cười híp mắt, tay chân khua loạn xạ. Mà có cần gì ai, một mình Hoàng vẫn thường cười vu vơ như thế đấy thôi. Có điều Hoàng hay cười, còn mắt mẹ cậu lại hay đỏ hoe…
“Hồi mới sinh, thằng bé khỏe lắm. Tự dưng đến tháng thứ ba, nó sốt cao rồi lên cơn co giật, sùi bọt mép. Từ đó tay chân nó xụi lơ, không còn phát triển bình thường như những đứa trẻ khác nữa”, bà Phượng kể và nhìn xa xăm.
Từ biến cố ấy, hai vợ chồng bà dắt díu nhau đưa đứa con không may từ quê nhà Bạc Liêu lên Sài Gòn chạy chữa. Chồng lái xe ôm, bà bán hàng rong và phụ việc cho người ta. Có bao nhiêu tiền hai người đều dồn vào thuốc men, viện phí cho Hoàng.
Bà kể, lúc ấy nhiều người biết chuyện đã kêu bà bỏ con cho rồi, càng nuôi chỉ càng khổ nó khổ mình. Bà liền gạt phắt đi, bảo không bao giờ, con trai còn sống là bà còn nuôi, còn lo. Thế nhưng ba Hoàng thì lại không… Chẳng đủ kiên nhẫn nữa, ông rời đi, bỏ lại mẹ con bà bơ vơ giữa đất Sài Gòn.
Từ đó, bà Phượng chẳng về quê, cũng chẳng có một ai thân thích ở mảnh đất phồn hoa. Thứ duy nhất bà có chỉ là tình yêu thương vô bờ bến với đứa con khờ mình mang nặng đẻ đau.
Ôm con trong tay, bà một thân một mình rong ruổi bán bưng khắp Sài Gòn. Bà cứ thế chắt chiu từng miếng ăn, cái mặc, từng cữ thuốc cho Hoàng. Ngày qua ngày, bà vẫn luôn an ủi, thủ thỉ với đứa con chẳng biết nói cười, rồi đỡ đần cậu tập đứng, tập đi. Còn Hoàng chắc biết mẹ thương, nên cứ thế lớn dần trong vòng tay bao la của mẹ.
Phép màu xảy ra sau bao năm trời ròng rã, Hoàng bắt đầu đi lại được, hơn thế còn biết ú ớ gọi mẹ, mẹ dạy cũng biết nghe. Dù cậu vẫn đau ốm liên miên, nhưng chắc chắn đã có những hy vọng vụt sáng lên trong lòng người mẹ.
Hoàng của mẹ giỏi lắm rồi
Mỗi ngày, cứ 15 giờ chiều là hai mẹ con bà Phượng lại lục đục mang “cửa hàng” nhỏ ra phố đi bộ ngồi. Bà ngồi một bên, Hoàng ngồi một bên. Bà bảo lúc trước chỉ toàn ngồi chung với mẹ, nhưng giờ bà tách ra cho cậu biết tự lập dần.
Cứ một tí là Hoàng lại đói. Cậu nhìn sang gọi mẹ: “Mẹ… mẹ… mum mum”. Hoàng chỉ có thể nói những từ ngắn ngủn như thế.
Vừa lấy ổ bánh mì trong giỏ ra, bà Phượng vừa quay sang vỗ đầu con trai: “Tổ cha mày! Ăn như heo vậy hỏi sao không mập hơn cả mẹ”. Tôi nhìn ổ bánh mì bà đưa cho Hoàng, xong tự hỏi, không biết tối nay bà đã ăn gì chưa.
Hoàng đón lấy ổ bánh mì từ mẹ. Cậu vội vàng đưa lên miệng cắn lấy cắn để, xong khựng lại một chút. Như chợt nhớ ra điều gì, cậu đưa ổ bánh mì lại cho mẹ, rồi miệng nói liên hồi: “Mẹ… ăn… mum mum”. Bà Phượng cười, lắc đầu bảo không đói. Vài người khách trông thấy, gật gù khen Hoàng bệnh vậy chứ biết thương mẹ ghê!
Hoàng cũng biết nghe lời mẹ lắm. Hễ có khách đến mua gì đó, cậu đều gật đầu chào. Có điều người ta hỏi thỏi kẹo bao nhiêu, cậu giơ một ngón tay. Rồi người ta lại hỏi bịch khăn giấy, chai nước bao nhiêu, cậu vẫn giơ một ngón tay, khiến ai cũng bật cười.
Tôi trêu cậu: “Bán thế này là lỗ đấy, mẹ sẽ đánh đòn Hoàng”. Cậu đưa bàn tay lem luốc quẹt lên mặt, nhìn tôi rồi ú ớ: “Hông đánh… Mẹ thương”. Bà Phượng lật đật lấy cái khăn, vừa lau mặt cho cậu vừa cười: “Hoàng ngoan là mẹ không có đánh đâu”. Nói rồi bà quay sang khoe với tôi: “Dạy quá chừng nó mới biết chào khách với đưa một ngón tay đó. Vậy là giỏi lắm rồi!”.
Tự dưng sống mũi tôi cay cay… Ừ thì giỏi lắm rồi! Như vậy là Hoàng giỏi lắm rồi, phải không? Như vậy là đủ để người mẹ ấy hạnh phúc rồi, phải không?
Một cơn sốt khi Hoàng chỉ vừa 3 tháng tuổi đã khiến cậu không còn phát triển bình thường nữa, theo lời kể của bà Phượng Hoài Nhân
Từ khi còn bồng bế, Hoàng đã theo mẹ bán hàng rong khắp Sài Gòn. Dù gian nan cách mấy, cuộc đời hai mẹ con lúc nào cũng có nhau. Hoài Nhân
Hoàng giờ đây đã cao lớn hơn cả mẹ, nhưng tâm hồn cậu vẫn chỉ như một đứa trẻ con. Hoài Nhân
Hoàng mắc hội chứng down, nhưng cậu vẫn ngoan ngoãn theo mẹ bán hàng rong mỗi ngày. Hoài Nhân
Những chú bảo vệ, cô lao công,… làm việc trên phố đi bộ ai cũng quý mẹ con bà Phượng Hoài Nhân
Cuộc đời rau cháo có nhau của hai mẹ con trong căn phòng trọ nhỏ xíu đầy đồ đạc. Sáng sáng, Hoàng vẫn hay lặt rau phụ mẹ để chuẩn bị chiều đi bán. Hoài Nhân
Bằng tất cả tình yêu thương người mẹ dành cho đứa con bệnh tật, giờ đây Hoàng đã có thể đi đứng, bập bẹ nói cười, tự vệ sinh cá nhân. Hơn thế, Hoàng còn có thể viết chữ và vẽ tranh, tô màu. Hoài Nhân
Trên trang tập của Hoàng vẫn thường có những hàng chữ “mẹ” nguệch ngoạc, những bức tranh hai mẹ con nắm tay nhau, cạnh đó là ngôi nhà nhỏ và cái cây tỏa bóng. Dường như trong vô thức, cậu vẫn có một ước mơ hạnh phúc nào đấy cùng mẹ mình. Dù có thể Hoàng không biết, đó cũng là những yên bình nhỏ nhoi mà mẹ cậu đang chắt chiu từng ngày. Hoài Nhân
Hoàng âu yếm hôn mẹ trước khi hai mẹ con cùng dọn “cửa hàng” nhỏ để ra về. Đồng hồ đã sắp điểm 0 giờ… Hoài Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.