Cha mẹ mất, 8 người con 'đưa nhau' ra tòa chia di sản thừa kế

02/03/2024 11:09 GMT+7

Sau khi cha mẹ già qua đời, các con không thể thỏa thuận về việc chia di sản thừa kế, do đó quyết định nhờ tòa án giải quyết bằng một vụ kiện.

Cuối tháng 2, TAND H.Hiệp Hòa (Bắc Giang) mở phiên tòa xét xử vụ kiện tranh chấp di sản thừa kế giữa 9 anh chị em ruột. Nguyên đơn là bà Q.T.T (71 tuổi), bị đơn là ông Quách Văn Hiền (68 tuổi, em trai bà T.).

Cha mẹ mất, 8 người con 'đưa nhau' ra tòa chia di sản thừa kế- Ảnh 1.

Ông Quách Văn Hiền chỉ tay về một trong các khu đất liên quan đến vụ kiện

PHÚC BÌNH

Cha mẹ mất, chị em khởi kiện để chia tài sản

Theo nội dung đơn khởi kiện, cha mẹ sinh được 9 người con, gồm 2 trai và 7 gái. Trong số này, bà T. là chị cả; ông Hiền là con thứ ba, trai trưởng; ông H. là con trai út; một người con khác đã qua đời năm 2013.

Năm 1994, sau khi 8 con lớn đều đã lập gia đình, cha mẹ ở với vợ chồng con trai út. Đến năm 2001, người cha qua đời, người mẹ tiếp tục ở cùng vợ chồng ông H., con út. Quá trình sinh sống, vợ chồng ông H. luôn chăm sóc tốt cha mẹ, khiến mọi người trong gia đình đều cảm thấy an tâm.

Đến giữa năm 2015, người mẹ qua đời nhưng không để lại di chúc. Các tài sản bà để lại gồm hơn 230 triệu đồng tiền mặt; một căn nhà và 5 thửa đất, tổng diện tích hơn 6.300 m2; trong đó 360 m2 là đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm, đều đứng tên mẹ.

Năm 2018, các anh chị em thống nhất đóng góp để xây dựng lại căn nhà cấp bốn đã xuống cấp, làm nơi sum vầy và thờ cúng cha mẹ, với tổng chi phí hơn 900 triệu đồng. Ngoài số tiền mẹ để lại, 6 người chị gái góp 80 triệu đồng, em trai út góp hơn 600 triệu đồng. Việc đóng góp, chi trả được xác nhận bởi những người thi công và bán nguyên vật liệu.

Đơn khởi kiện cho hay, suốt quá trình xây dựng căn nhà, ông Hiền không có đóng góp về tài sản và công sức. Tuy nhiên, tháng 2.2021, ông này từ Hà Nội về, "cố tình chiếm hữu, sử dụng và đuổi hết mọi người không cho ai vào nhà". Tranh chấp giữa các chị em phát sinh từ đây.

Vẫn theo nguyên đơn, hiện nay, toàn bộ tài sản mẹ để lại và các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang bị ông Hiền chiếm hữu, quản lý và sử dụng.

Ông Hiền còn bị cáo buộc tự ý xây dựng trái phép, phá dỡ công trình hiện có, xây dựng thêm các công trình khác, ảnh hưởng đến hiện trạng tài sản đang tranh chấp; có dấu hiệu của việc thực hiện các thủ tục làm thay đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cha mẹ để lại…

Trong đơn khởi kiện, bà T. đề nghị tòa phân chia tài sản thừa kế cho 9 chị em theo đúng quy định pháp luật và mong muốn nhận phần di sản thừa kế bằng hiện vật. Riêng người em gái đã qua đời, bà T. đề nghị chia cho 2 người cháu là con ruột của em mình.

Cha mẹ mất, 8 người con 'đưa nhau' ra tòa chia di sản thừa kế- Ảnh 2.

Khu đất có căn nhà do cha mẹ ông Hiền để lại

PHÚC BÌNH

Nguyên đơn nói xuôi, bị đơn nói ngược

Tại tòa, ông Quách Văn Hiền có mặt từ sớm. Trong khi đó, bà T. cùng các em và các cháu ủy quyền cho người đại diện.

Nói với Thanh Niên, ông Hiền cho rằng các nội dung đơn khởi kiện cáo buộc đối với mình là không có căn cứ, cố tình vu khống, bôi nhọ nhân phẩm của ông.

Theo lời ông, địa phương và gia đình vốn có truyền thống con gái khi đi lấy chồng thì không được quyền đòi chia tài sản với anh em trai trong nhà. Xuất phát từ điều này, ngay khi còn sống, cha mẹ thường xuyên tuyên bố sẽ để lại cơ ngơi cho ông, tức con trai trưởng, để thực hiện nghĩa vụ thờ cúng. Trước khi mất, mẹ ông còn có giấy viết tay, thể hiện mong muốn nêu trên.

Dù đang sinh sống ở Hà Nội, nhưng ông Hiền vẫn về thờ cúng tại ngôi nhà do cha mẹ để lại, mỗi khi giỗ chạp, lễ, tết. Ông nói, các chị em gái tranh thủ lúc mình không có nhà đã thuê máy xúc phá hủy toàn bộ khuôn viên, bán vườn bạch đàn được trồng lâu năm, bán cả 5 thửa ruộng cha mẹ để lại…

Khi xảy ra tranh chấp, với tư cách con trai trưởng, ông Hiền tổ chức cuộc họp gia đình để phân chia tài sản. Theo thỏa thuận, thửa đất hơn 4.600 m2, nơi có căn nhà và 360 m2 đất thổ cư, sẽ chia đôi cho ông Hiền và em trai út; các thửa đất bờ bãi còn lại chia đều cho 7 chị em gái đã theo chồng.

Ông Hiền cho hay, ban đầu các anh chị em đều nhất trí phương án trên. Sau khi được chia đất bờ bãi, các chị em gái đồng ý bán hết lại cho ông để sản xuất nông nghiệp; đổi lại ông trả mỗi người 10 triệu đồng. Thế nhưng, khi đang làm thủ tục sang tên, các chị em thay đổi quan điểm, "không muốn chia như thế nữa, mà muốn chia làm 9 phần đều nhau".

Suốt quá trình trao đổi, ông Hiền nhiều lần khẳng định mình là người hiểu lý lẽ, không tiếc anh em trong gia đình bất cứ thứ gì, sẵn sàng chia đều di sản thừa kế, nhưng rất buồn và bất bình vì bị vu khống về đạo đức, khiến gia đình lục đục, chia bè, chia phái.

Ông kể hàng chục năm làm việc trên những chuyến viễn dương, cáng đáng kinh tế cho cả đại gia đình, từ cân thóc, cái quạt cho đến hỗ trợ học hành. Sau này, ông mở công ty tại quê nhà, cũng tuyển dụng toàn chị em, con cháu trong nhà để có công ăn việc làm.

"Với những đóng góp ấy, tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ bị chị em phản đối. Khi cha mẹ giục làm thủ tục sang tên các tài sản, tôi đã chủ quan không làm", ông Hiền nói. Ông cũng cho biết, kể từ khi bị chị gái đâm đơn kiện, ông sa sút về tinh thần, mất ngủ trầm trọng, bởi tình cảm gia đình sứt mẻ, mang tiếng chiếm hết tài sản đất đai của gia đình.

Trước khi phiên tòa được mở, ông Hiền làm đơn đề nghị thay đổi thẩm phán vì cho rằng không đảm bảo vô tư, khách quan. Đơn của ông bị TAND H.Hiệp Hòa bác bỏ do không có căn cứ. Ông tiếp tục khiếu nại.

Do chưa nhận được văn bản giải quyết khiếu nại, đồng thời một luật sư vắng mặt, ông Hiền đề nghị hoãn phiên tòa. Hội đồng xét xử chấp thuận, quyết định mở lại phiên xử vào ngày 20.3 tới đây.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 2.3

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.