Căng thẳng 3 cuộc chiến ở 'chảo lửa' Trung Đông

12/03/2024 06:00 GMT+7

Tình hình Trung Đông không chỉ căng thẳng xoay quanh cuộc xung đột Hamas – Israel, đặc biệt ở Dải Gaza, mà còn ẩn chứa nhiều rủi ro khi Hezbollah "đấu súng" với Israel và lực lượng Houthi đột kích ở biển Đỏ.

Đến nay, căng thẳng ở Trung Đông vẫn chưa có một chỉ dấu hạ nhiệt. Trả lời Thanh Niên, một chuyên gia tình báo quốc phòng, là cựu đại tá quân đội Mỹ và từng điều hành một bộ phận tình báo quân sự của NATO ở vùng Balkan, đã đưa ra phân tích và nhận định tình hình ở khu vực thời điểm hiện nay.

3 cuộc chiến

Theo vị chuyên gia, Trung Đông đang có 3 cuộc xung đột.

Thứ nhất, giao tranh ở Gaza, Israel đang chuẩn bị cho một chiến dịch tấn công lớn ở Rafah. Hiện tại, quân đội Israel (IDF) đang chuẩn bị cho chiến dịch đó trong khi không quân và pháo binh của Israel đã tấn công từ xa nhằm vào các cứ điểm và cơ sở của Hamas. Liên quan Gaza, một vấn đề cần xem xét là lực lượng Hamas ở Gaza có đang kiểm soát lượng hàng viện trợ cho người dân và cách thức phân phát như thế nào? Trong khi đó, cuộc tấn công của Israel có lẽ sẽ bắt đầu trong khoảng 3 tuần nữa. Phương Tây sẽ gây áp lực buộc Israel phải đồng ý ngừng bắn vô điều kiện. Israel sẽ không đồng ý ngừng bắn trừ khi tất cả các con tin của họ được trả tự do. Giữa bối cảnh như vậy, cuộc chiến sẽ tiếp tục cho đến khi Hamas bị tiêu diệt hoặc Israel không còn đủ sức tiếp tục cuộc chiến.

Căng thẳng 3 cuộc chiến ở 'chảo lửa' Trung Đông- Ảnh 1.

Lực lượng IDF ở Dải Gaza trong hình ảnh được phát đi vào 10.3

Reuters

Việc Mỹ xây dựng một cảng tạm thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ cho người dân Gaza nhưng cũng ẩn chứa rủi ro. Đó là nếu Hamas tấn công cảng này để lôi kéo Mỹ vào cuộc xung đột nhằm khiến toàn bộ Trung Đông phản ứng với phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng. Dự kiến, việc xây dựng sẽ bắt đầu trong khoảng 2 tuần tới và cảng sẽ được hoàn thành, hoạt động vào đầu tháng 4 này.

Thứ hai, lực lượng Hezbollah (Li Băng) sẽ tiếp tục phân tán nguồn lực Israel bằng cách tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo và tên lửa quy mô nhỏ vào miền bắc Israel. IDF sẽ đáp trả bằng các cuộc không kích và pháo kích nhằm vào các cơ sở của Hezbollah ở miền nam Li Băng. Hai bên sẽ không xâm phạm lãnh thổ nhau nhưng cách thức xung đột này vẫn gây ảnh hưởng cho Israel. Tel Aviv có lẽ cần đảm bảo Hezbollah không tiến hành chiến dịch lớn thì IDF mới phát động chiến dịch vào Rafah.

Thứ ba, lực lượng quân sự - chính trị chủ chốt ở Yemen là Houthi đang tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa đạn đạo chống hạm quy mô lớn hơn tại biển Đỏ. Houthi sẽ tiếp tục các cuộc tấn công vào tàu bè cho đến khi phương Tây tiến hành các biện pháp trừng phạt các bên đã hỗ trợ Houthi hoặc phương Tây phải tấn công quy mô lớn nhằm vào toàn bộ cơ sở hạ tầng của Houthi.

Tổng thống Biden nói Thủ tướng Netanyahu đang ‘gây tổn thương hơn là giúp Israel’

Yếu tố Iran

Vị chuyên gia trên nhận xét Iran có một ảnh hưởng lớn đến tình hình Trung Đông. Nhận định về tình hình trong 2 tháng tới, ông cho rằng: "Các lực lượng thân Iran có thể sẽ tiếp tục tham gia xung đột chỉ đến khi nào Tehran tìm cách ngăn chặn để tránh phải gánh hậu quả vì lệnh trừng phạt từ phương Tây. Trong khi đó, thủ lĩnh của Hezbollah là Hassan Nasrallah đã tính toán cẩn thận hành động của lực lượng này. Ông không muốn lặp lại cuộc xung đột năm 2006 (cuộc xung đột giữa Hezbollah và Israel kéo dài từ ngày 12.7 - 14.8.2006 - NV) dù vẫn duy trì áp lực đối với Israel. Vì vậy, Hezbollah sẽ tiếp tục các cuộc pháo kích, phóng tên lửa …, nhưng sẽ không đưa lực lượng vào lãnh thổ Israel. Hezbollah cũng sẽ không tiến hành các cuộc tấn công sâu vào Israel. Điều đó sẽ có nguy cơ dẫn đến một sự trả đũa lớn của Israel ẩn chứa hệ luỵ với Hezbollah là phải rút lực lượng khỏi Syria. Vì vậy, xung đột sẽ tiếp tục ở mức độ pháo kích lẫn nhau".

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng các hành động của Iran sẽ là cơ sở xác định liệu tình hình có leo thang hay không và nếu leo thang thì Iran muốn hướng dư luận là nguyên nhân do Israel hoặc Mỹ.

Máy bay 5 nước thả hàng cứu trợ xuống Gaza

Máy bay quân sự của 5 quốc gia hôm 10.3 đã thả hàng cứu trợ ở phía bắc Dải Gaza, nơi nguy cơ nạn đói ngày càng nghiêm trọng.

Trong một tuyên bố, quân đội Jordan cho biết ngoài máy bay của nước này, lực lượng của Mỹ, Pháp, Bỉ và Ai Cập đã tham gia chiến dịch, trong đó họ phối hợp thực hiện 6 đợt thả hàng cứu trợ, theo AFP. Riêng Jordan đã đơn phương thực hiện 37 chiến dịch thả hàng cứu trợ bằng máy bay ở Gaza, bên cạnh 40 lần hợp tác với các nước khác từ khi xung đột bùng nổ.

Lam Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.