Cẩn trọng nâng trần, áp sàn giá vé máy bay

09/04/2023 06:44 GMT+7

Trong khi Phú Quốc đang kêu cứu vì khách du lịch quay lưng do giá vé máy bay quá cao thì câu chuyện giá trần, giá sàn của ngành này lại gây phản ứng cho nhiều người.

Đề nghị nghiên cứu thêm giá sàn vé máy bay nội địa được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận, góp ý luật Giá (sửa đổi) ngày 6.4 vừa rồi, với lý do "để tránh hàng không chuyên nghiệp bị giá rẻ đánh bại". Chẳng là mấy năm trước, tại một số thời điểm các hãng tung giá vé 0 đồng (chưa tính thuế, phí). Nhờ đó, nhiều người có cơ hội đi máy bay. Nhưng theo Bộ trưởng, nếu giá vé 0 đồng hay 200.000 hoặc 500.000 đồng các hãng hàng không sẽ không đủ chi phí nhiên liệu, chưa nói đến tiền trả lương cho người lao động, khấu hao. Và như vậy, các hãng hàng không chuyên nghiệp sẽ thua, hay nói cách khác là bị hãng hàng không giá rẻ đánh bại, dẫn đến độc quyền.

Nhưng Bộ trưởng đã quá lo xa vì như nói trên, thỉnh thoảng các hãng mới tung chương trình khuyến mãi, kích cầu với giá vé 0 đồng chứ không phải quanh năm suốt tháng. Thứ 2, để thực hiện chương trình, các hãng đương nhiên phải cân đối mọi chi phí, doanh thu, lợi nhuận... mới triển khai, chứ không "hãng chuyên nghiệp" chưa kịp thua như Bộ trưởng lo lắng thì hãng giá rẻ đã chết trước rồi. Thứ 3, cũng như nhiều ngành nghề khác, cạnh tranh trên thị trường nói chung không chỉ là giá mà còn có chất lượng, dịch vụ, uy tín, thương hiệu... Mỗi doanh nghiệp sẽ chọn cho mình một "vũ khí" để chinh phục đối tượng khách hàng riêng. Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng cũng có nhiều lựa chọn. Và đó mới chính là cơ chế thị trường mà chúng ta đang hướng tới.

Trên thực tế, câu chuyện giá trần, giá sàn của ngành hàng không đã gây rất nhiều tranh cãi trước đây. Nhưng tại thời điểm này chúng ta mới thấy, giá vé máy bay có thể ảnh hưởng thế nào đến các ngành khác, đặc biệt là du lịch, một cách rõ ràng nhất. Tuần vừa rồi, các cơ quan có thẩm quyền ở Phú Quốc đã hơn 2 lần lên tiếng về việc giá vé máy bay quá cao khiến du khách quay lưng với đảo ngọc. Các doanh nghiệp du lịch cũng đứng trước nguy cơ "bể sô" dịp lễ lớn 30.4 - 1.5 tới cũng vì nguyên nhân này.

Nên nhớ, thị trường nội địa vẫn đang được xác định là bệ đỡ cho ngành du lịch trong bối cảnh thu hút khách quốc tế chưa được như kỳ vọng. Năm nay kinh tế khó khăn, lại thêm vé máy bay quá cao, người dân thắt chặt chi tiêu, giảm chi phí du lịch thì hàng ngàn doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, thương mại... đang ngắc ngoải ngoài kia có thể sẽ không cầm cự thêm được nữa. Ngành du lịch, được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn cho phục hồi kinh tế, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng quý 1 vừa rồi èo uột, sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ. Lúc đó, chính các hãng hàng không cũng đối mặt với khó khăn chứ không phải cứ tăng giá là mang về doanh thu khủng để bù lỗ cho giai đoạn trước được đâu.

Dự kiến từ quý 2 hoặc quý 3 năm nay, Bộ GTVT sẽ điều chỉnh trần giá vé máy bay nội địa, trong đó chặng trên 1.000 km tăng hơn 6%. Song song đó, khung giá dịch vụ hàng không cũng sẽ điều chỉnh tăng trung bình 3,75% so với hiện tại. Trần thì nới lên cao trong khi sàn thì đề xuất nghiên cứu để không cho giảm xuống thấp. Vậy quyền lợi của người tiêu dùng, những tác động có thể tới nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát tăng và tăng trưởng giảm như hiện nay được tính toán như thế nào?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.